Tình huống giả định và cách xử lý để hạn chế các thiệt hại do phóng xạ gây ra - Video: PHAN TẤN ĐẠT
Sáng 19-4, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Tình huống cụ thể được đưa ra là tại cơ sở thu mua phế liệu trong TP. Đà Lạt tiếp nhận một lô hàng sắt thép phế liệu. Một nhân viên phát hiện một bình hình trụ lạ có nắp được bắt vít chặt. Nhân viên này gọi người khác đến xem, mọi người tò mò xem vật thế lạ này.
Thân bình có dòng chữ viết bằng tiếng nước ngoài nhưng đã bị trầy xước, mờ nên rất khó đọc. Ngoài ra, trên mảnh kim loại còn có hình gồm 3 cánh quạt cách đều nhau. Các nhân viên đều không để ý đến các dòng chữ và hình vẽ trên thân bình.
Một người dùng dụng cụ ra sức mở nắp bình. Khi bình mở ra, bên trong chỉ có 1 thỏi kim loại nhỏ và một ít bột. Mọi người truyền tay nhau xem và thấy không có gì hấp dẫn nên vứt thỏi kim loại xuống lẫn trong mớ phế liệu và ngồi nói chuyện quanh thỏi kim loại đó.
Nhân viên bãi phế liệu được cách ly để kiểm tra mức độ nhiễm phóng xạ và tiến hành quy trình cấp cứu - Ảnh: M.VINH
Khoảng 30 phút sau đó, người chủ cơ sở thu mua đến, phát hiện bình hình trụ bị tháo nắp có hình vẽ và dòng chữ đáng ngờ trên. Nghi ngờ đây là bình chứa nguồn phóng xạ, người này đã yêu cầu mọi người tránh ra xa và gọi điện cho trực ban công an phường báo cáo sự việc.
Lực lượng chức năng sau đó đã báo cáo cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân (Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng).
Sau khi cử nhân viên an toàn bức xạ kiểm tra, Sở KH&CN đánh giá đây là sự cố khá nghiêm trọng, có khả năng gây ảnh hưởng cho công chúng và môi trường nên đã báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng để kích hoạt ứng phó sự cố phóng xạ và hạt nhân cấp tỉnh.
Theo kịch bản, bên cạnh cấp cứu cho những nạn nhân có nguy cơ nhiễm xạ, việc ứng phó sự cố tập trung cách ly nguồn phóng xạ và tẩy xạ để tránh gây nguy hại cho môi trường.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được điều động dùng những thiết bị chuyên dụng tốt nhất để xử lý sự cố phóng xạ hạt nhân.
Sau hơn 3 giờ kể từ khi nhận được tin báo, các lực lượng tham gia ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đã xử lý xong vụ việc và kết thúc ứng phó sự cố.
Cách ly khu vực nghi nhiễm phóng xạ với dân cư ở cự ly tối thiểu 30m - Ảnh: M.VINH
Ông Phạm S, phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh Lâm Đồng, cho biết năm 2018, Lâm Đồng đã tổ chức diễn tập thành công kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ nhất với tình huống vận chuyển nguồn phóng xạ kín.
Năm 2019, tỉnh tiếp tục tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân lần thứ 2 với tình huống phát hiện, thu gom nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát.
Theo số liệu báo cáo đến cuối tháng 12-2018, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.061 nguồn phóng xạ và 19 thiết bị bức xạ. Cụ thể có 223 nguồn phóng xạ đang sử dụng, 838 nguồn phóng xạ đang được lưu giữ và 19 thiết bị bức xạ đang được sử dụng.
Chuyên gia Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt dùng thiết bị chuyên dụng kiểm tra mức độ rò rỉ phóng xạ ra môi trường - Ảnh: M.VINH
Dùng thiết bị chuyên dụng tìm kiếm nguồn phóng xạ bị thất lạc ra môi trường để cách ly - Ảnh: M.VINH
Chuyên gia Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt dùng hộp chì chuyên dụng để dựng lại nguồn phóng xạ đã được phát hiện - Ảnh: M.VINH
Nguồn phóng xạ được đưa ra khỏi hiện trường bằng hộp chì dày được thiết kế để chứa nguồn phóng xạ có liều tương đối cao - Ảnh: M.VINH
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, các chuyên gia xử lý phóng xạ được kiểm tra tình trạng nhiễm xạ, tẩy xạ trước khi rời hiện trường - Ảnh: MAI VINH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận