Loạt khách sạn nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng - Ảnh minh họa: BĐS |
Số liệu từ Savills cho thấy hiện tại, nguồn cung loại hình bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp của Đà Nẵng đang xếp thứ hai sau Nha Trang với 1.199 biệt thự và 3.367 căn hộ.
Sắp tới, thị trường này sẽ tiếp tục đón nhận thêm nguồn cung lớn về căn hộ và biệt thự biển đến từ hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm như: Bà Nà Hill, Ocean Villas, Hayatt Regency, Furama, Intercontinetal và Azura.
Đối với phân khúc căn hộ, condotel sẽ có sự góp mặt của các tên tuổi lớn như Soleil Đà Nẵng, Coco Bay, Đa Phước, Hàn Riverside, Ariyana, Central Coast, Vinpearl Han River và Ocean Suites & Estates.
Riêng về phân khúc khách sạn, hiện Đà Nẵng có tổng cộng 73 khách sạn hạng từ 3-5 sao với 8.485 phòng. Trong đó, 7 trên tổng 11 khách sạn 5 sao và 4 trên tổng 14 khách sạn 4 sao được quản lý bởi nhà điều hành quốc tế.
Bên cạnh đó, nguồn cung tương lai của phân khúc này khá phong phú khi sắp tới đây, khách sạn Crowne Plaza giai đoạn 2, Hilton Đà Nẵng Hotel và Four Points thuộc Sheraton sẽ đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, dự án Khu nghỉ dưỡng sòng bài Nam Hội An với mức đầu tư 4 tỉ USD dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2019, sẽ là sự thúc đẩy lớn cho sự hình thành chuỗi khách sạn du lịch từ Đà Nẵng đến Hội An.
Nhận định từ các chuyên gia của Savills cho thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng sẽ thật sự "nóng" trong giai đoạn từ 2017-2020. Kết hợp với đó, chính quyền thành phố đang "kích" thêm động lực cho lĩnh vực này bứt phá khi triển khai đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông hiện đại như: hầm chui vượt sông Hàn, nâng cấp và mở rộng sân bay Đà Nẵng, di dời ga xe lửa nội đô tạo quỹ đất phát triển trung tâm thương mại - khách sạn 5 sao.
Bên cạnh phân khúc căn hộ, nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại tại Đà Nẵng cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều bứt phá khi trong năm 2016, mật độ mặt bằng bán lẻ tại Đà Nẵng đạt 0,15m2/người, tương đương các thành phố khác tại Việt Nam.
Thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng hoạt động tốt nhất vào năm 2015. Công suất trung bình đạt 88%, cao hơn 18% so với năm 2014 và 10% so với năm 2011. Giá thuê trung bình đạt 22 USD/ m2/tháng, tăng 29% theo năm và không thay đổi từ thời điểm năm 2010.
Đà Nẵng hiện đang ưu tiên nguồn vốn FDI thuộc các ngành nghề thương mại và công nghệ cao. Do đó, đây sẽ là cơ hội để thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng mở rộng nguồn cầu, tạo tiền đề phát triển lâu dài và ổn định trong tương lai.
Thị trường văn phòng cũng hoạt động nhộn nhịp hơn với công suất thuê trung bình tăng theo từng năm từ 2010 cho đến nay. Công suất thuê tại các tòa nhà hạng A được cải thiện, từ 62% trong năm 2010 đến 97% trong năm 2015. Giá thuê trung bình cũng giữ ở mức ổn định, đạt 18 USD/ m2/tháng trong năm 2015.
Nguồn cung văn phòng Đà Nẵng gia tăng đáng kể, đạt 86.490m2 trong năm 2015. Nguồn cung văn phòng hạng A tại đây còn khá hạn chế với khoảng 6.310m2, chiếm 7% tổng nguồn cung văn phòng. Trong khi nhu cầu thuê đang gia tăng qua các năm, đây sẽ là cơ hội thuận lợi cho các chủ tòa nhà trong việc tìm kiếm khách thuê. Trong nguồn cung hạng B và hạng C chiếm đa số, lần lượt đạt 46% và 47%.
Đà Nẵng là một thị trường tiềm năng với những tăng trưởng vượt trội về chỉ tiêu kinh tế, gia tăng dân số cơ học, môi trường tự nhiên… Sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ tiếp tục triển khai khá nhiều dự án căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng lớn.
Nguồn vốn các nhà đầu tư đang đổ về thị trường này ngày càng nhiều. Lợi thế phát triển hạ tầng, nhu cầu tìm kiếm sản phẩm bất động sản ngày càng cao cộng thêm mức lợi nhuận mang tính bền vững khiến bất động sản, nhất là lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng sẽ ngày càng hấp dẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận