Đông đảo người dân Huế đã đến dự lễ cải táng vua Duy Tân tại An Lăng sáng 6-4-1987 - Ảnh tư liệu |
Phần lớn các ý kiến đều cảm kích trước khí phách của những người con nước Việt sẵn sàng lấy máu để rửa nhục mất nước. Đồng thời bạn đọc cũng băn khoăn bởi những tư liệu mới công bố này khác rất nhiều so với những sách vở tài liệu xuất bản lâu nay.
Từ yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi tiếp tục thông tin rõ hơn về cuộc giải mã những ẩn số lịch sử qua tài liệu mới của nhóm nghiên cứu của Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng mà chủ trì là nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn.
Góp phần phục dựng 90% sự kiện
Giải thích về sự khác hẳn này, ThS Lưu Anh Rô - tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, thành viên của nhóm nghiên cứu nói trên - cho biết các tài liệu lưu truyền lâu nay về vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa năm 1916 phần lớn là “tài liệu truyền ngôn”, người đời trước nghe được rồi kể lại cho người đời sau, và cứ thế mà truyền; vì vậy, lịch sử đã bị phủ lên một bóng mờ hư thực.
Nhiều độc giả thắc mắc: các tài liệu này được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence (Pháp), một nơi không phải là bí mật, và không xa lạ với giới nghiên cứu lịch sử, vậy sao gần 100 năm qua vẫn không thấy ai nhắc đến?
Ông Rô cho hay các nhà nghiên cứu trước đây cũng đã biết đến, nhưng họ tiếp cận không đầy đủ, không có hệ thống và không đi đến cùng.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết chuyên gia sử học Nguyễn Thế Anh (nguyên giáo sư Đại học Sorbonne - Pháp) đã gợi ý rằng nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916 trước hết phải tiếp cận các hồ sơ lưu trữ ở Pháp mà ông ấy từng tra cứu nhưng chưa khai thác kỹ.
Sau một thời gian tìm kiếm manh mối, tháng 4-2011, ông Đàn liên lạc được với PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc, giảng viên ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Aix-Marsseille I (Provence).
PGS.TS Nguyễn Phương Ngọc đã tìm thấy những hồ sơ cần thiết tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại đặt tại Aix-en Provence. Đó là ba hộp hồ sơ với hơn 260 tài liệu, thuộc thư mục toàn quyền Đông Dương.
Tháng 7-2011, nhóm nghiên cứu của ông Đàn đã nhận được bộ hồ sơ sao lục trên đĩa VCD. Quá sung sướng vì tìm được của quý, nhóm nghiên cứu đã bắt tay ngay việc đọc, phân loại, lập mục lục và huy động cả một tập thể để dịch cho hết 1.400 trang tài liệu.
Sau ba năm làm việc miệt mài, đến cuối năm 2014 thì đề tài khoa học “Khởi nghĩa Thái Phiên - Trần Cao Vân qua các tài liệu mới” của nhóm nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, Lưu Anh Rô, Bùi Văn Tiếng, Võ Hà đã được nghiệm thu.
Cũng trong năm 2014, ông Nguyễn Trương Đàn đã công bố bước đầu tài liệu mới này trong cuốn sách Vua Duy Tân 1916.
ThS Lưu Anh Rô cho biết nhiều tài liệu trong bộ hồ sơ là biên bản ghi lời khai (sau khi bị bắt) của các nhân vật chủ chốt như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Quang Siêu, Tôn Thất Đề... với mật thám Pháp.
Một số lời khai đã được các vị cố ý giấu bí mật hoặc khai khác đi nhằm giảm tội cho đồng đội của mình.
Vì vậy, nhóm nghiên cứu phải đối chiếu, kiểm chứng rất kỹ để lọc ra những thông tin chính xác, phù hợp. Ông Rô cũng thận trọng khi xác định đây cũng chỉ là tài liệu được ghi chép từ phía Pháp, nên vẫn chưa đủ dữ liệu để có cái nhìn đầy đủ về sự kiện lịch sử này.
Tiếc là đến nay, các tài liệu của người Việt vẫn chủ yếu là “truyền ngôn”, trong khi tài liệu của người Pháp đều là văn bản của các cơ quan đương thời với nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, ông Rô tin rằng bộ tài liệu mới này đã giúp phục dựng lại sự kiện này đến 90%.
“Chúng tôi đã hoàn chỉnh bản thảo và công trình này cũng sắp sửa ra mắt độc giả” - ông Rô cho hay.
Không có bản án nào với vua Duy Tân
Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn, kể từ sau khi sự biến diễn ra đến nay, đã có hơn 120 tài liệu đề cập đến cuộc khởi nghĩa tháng 5-1916, trong đó có hơn 30 tài liệu viết về vua Duy Tân, hầu hết đều nói đến một cách rất cụ thể rằng có một bản án của triều đình Nguyễn dành cho vua theo lệnh của tòa khâm sứ Trung kỳ (của Pháp).
Bản án ấy mở đầu với một câu đã trở nên quen thuộc: “Vọng thính sàm ngôn, khuynh nguy xã tắc...” (nghe theo lời bậy bạ, khiến xã tắc lâm nguy).
Đồng thời cho rằng triều Nguyễn mà đại diện là Phủ phụ chính đã giao trọng trách cho quan thượng thư bộ học Hồ Đắc Trung thảo bản án đó, với nội dung đổ hết tội cho Trần Cao Vân - Thái Phiên nhằm giảm tội cho vua.
Sách nào cũng chép lại bản án ấy một cách rành mạch: “Ban đầu buôn câu ở Hậu Hồ, tự tiện viết chiếu văn, kế đến đậu thuyền bến Thương Bạc, đón rước nhà vua xuống thết cơm tẻ ở làng Hà Trung, cháo gà ở núi Ngũ Phong, mình rồng phải dãi dầu gió bụi. Tội nghiệt ấy đều do bọn kia gây ra” (theo sách của Phạm Khắc Hòe).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn cho biết trong cả ba hồ sơ liên quan đến “cuộc biến loạn ở Trung kỳ năm 1916” đang lưu trữ ở Pháp hoàn toàn không có văn bản nào giống như bản án mà các sách vở tài liệu lâu nay vẫn lưu truyền.
Trong khi đó, bộ tài liệu này lại có nhiều văn bản liên quan đến việc xét xử này, cho phép hình dung một cách khá đầy đủ diễn biến vụ việc. Trong số tài liệu này có hai văn bản mang số hiệu 45 thuộc hồ sơ 65530 và 46-65530 với nội dung như là bản án.
Đó là công văn của Phủ phụ chính gửi Khâm sứ Trung kỳ, báo cáo kết quả xử án “Trần Cao Vân và đồng đảng”.
Hoàn toàn không có nội dung nào xét xử vua. Đồng thời, không có một nội dung nào cho thấy sự tham gia của thượng thư Hồ Đắc Trung vào việc soạn thảo bản án và hội đồng xét xử. Ông Đàn cho rằng câu chuyện về bản án vua Duy Tân “tiếc thay vẫn phải coi là truyền thuyết mà thôi!”.
Trên tạp chí Xưa & Nay tháng 5-2016, nhà nghiên cứu sử học Trần Viết Ngạc (TP.HCM) sau khi xác tín lại các tài liệu mà nhóm nghiên cứu Nguyễn Trương Đàn công bố, đã khẳng định: “Không có bản án nào cho vua Duy Tân như từ trước đến nay vẫn nghĩ, không một ai trong Nam triều bênh vực vua Duy Tân. Đó là sự thật!”.
* * *
Triều Nguyễn, mà thực chất là Phủ phụ chính do Pháp đặt ra, đã phế truất vua Duy Tân. Chính sử triều Nguyễn ghi là “Duy Tân phế đế”.
Nhưng, trang sử trong lòng dân vẫn mãi khắc ghi hình ảnh một vị hoàng đế tuổi thiếu niên mà đã biết cất lên vai trọng trách của một vị minh quân.
Vậy nên, sau hơn 70 năm tha hương, dù trở về Tổ quốc với nắm tro cốt (ngày 6-4-1987), vua Duy Tân vẫn được người dân đón chào như một vị anh hùng. Việc đó đã được nhà thơ Nguyễn Duy đúc kết như sau:
Mặt trời vẫn mọc đằng đông
Lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người
Bao triều vua phế đi rồi
Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ!
“Đây là tư liệu mới nhất cho đến thời điểm này, về vua Duy Tân và cuộc khởi nghĩa năm 1916, dù trước đây có người tiếp cận nhưng chỉ sơ bộ. Lâu nay, các công trình nghiên cứu về sự kiện này chủ yếu là sử dụng tài liệu phía Việt Nam, nên không đầy đủ. Nghiên cứu một sự kiện liên quan đến người Pháp thì không thể thiếu tư liệu từ phía Pháp, nhất là khi những nhân vật trong cuộc đều đã bị Pháp bắt, lời khai của họ đều do Pháp giữ, sau đó thì họ đã bị xử trảm. Tư liệu này có độ tin cậy cao, hội đồng nghiệm thu của Sở Khoa học - công nghệ TP Đà Nẵng cũng đã nghiệm thu. Tuy nhiên, vì đây là tài liệu của mật thám Pháp, luôn có tính hai mặt, cần phải có độ lùi thời gian để đánh giá. Vì vậy, người sử dụng cần thận trọng đánh giá lại khi tham khảo tư liệu mới này”. |
Cuộc khởi nghĩa của vị vua kỳ lạ >> Kỳ 1: >> Kỳ 2: >> Kỳ 3: >> Kỳ 4: |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận