02/12/2013 06:51 GMT+7

Người vợ Nhật của GS Lương Định Của

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Trong căn nhà yên tĩnh đầu một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.1, TP.HCM), bà Nakamura Nobuko ngồi trước tivi, như mấy chục năm qua, chăm chú theo dõi chương trình thời sự Nhật Bản trên Đài NHK.

PycbBSMD.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Lương Định Của tại Hà Nội - Ảnh tư liệu gia đình

Gương mặt nhẹ nhõm, thanh thoát của bà tươi lên khi gặp khách đến thăm, cố gắng chắp nối vài câu tiếng Việt: “Đã hơn hai năm rồi, từ ngày sóng thần 2011, tôi chưa về thăm Nhật Bản, nhưng theo dõi trên tivi cũng biết tất cả tình hình bên đó. Tôi nay đã 91 tuổi rồi, ở VN đến hết đời thôi”. Hỏi bà vì sao lại đến VN, vì sao lại tình nguyện ở đây suốt đời dù vẫn giữ quốc tịch Nhật Bản, bà cười: “Cả ngàn người hỏi tôi vậy rồi, cả các con tôi cũng hỏi. Câu trả lời cách nay 60 năm là: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Câu trả lời của hôm nay là: Vì cơn gió thổi từ Hà Nội”. Nói rồi bà lại cười.

Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng

Tháng 10-1945, khi Chiến tranh thế giới thứ hai vừa chấm dứt, cô Nakamura Nobuko 23 tuổi đã gật đầu đồng ý cưới một lưu học sinh VN ở Fukuoka, Nhật Bản. Anh lưu học sinh nghèo đến không có được một món quà cưới tặng vợ ấy sau này trở thành nhà nông học nổi tiếng: giáo sư - tiến sĩ - Anh hùng lao động Lương Định Của.

Bà Nobuko bảo câu ngạn ngữ Nhật Bản mà bà thích nhất là “Ngày mai sẽ thổi cơn gió riêng của nó”, tương ứng với câu “Sau cơn mưa trời lại sáng” của VN. Lạc quan vậy nên bà cứ cười hoài khi xua tay giải thích: “Mọi người bảo Nhật Bản là một nước phát triển, giàu có, còn VN thì nghèo, thời tôi đến lại còn có chiến tranh, sợ tôi vất vả. Nhưng mà không phải vậy đâu. Tôi có vất vả mấy cũng không bằng người nông dân VN, sáng sớm đã phải ra đồng, ngâm chân xuống bùn lạnh buốt, ăn uống thì cực khổ. Người VN lại luôn giúp đỡ tôi. Bên cạnh tôi còn có anh Của, có các con”.

Câu chuyện của bà tràn ngập hình ảnh về ông Lương Định Của, thật khác với những gì người ta thường hình dung về ông giáo sư, viện trưởng đạo mạo, tác giả của những giống lúa năng suất cao, cây ăn trái nổi tiếng. “Anh Của” của bà dí dỏm, dễ gần, luôn đắm trong tình yêu với khoa học và lý tưởng về một xã hội chỉ có những điều tốt đẹp. Người Nhật trọng lễ nghi, phép tắc, đôi khi quá lịch sự mà trở thành xã giao, vậy nhưng chàng thanh niên Lương Định Của lại đến gặp cô gái làm việc trong phòng thí nghiệm trường mình rồi đưa ra một gói giấy: “Xin nhờ chị Nobuko may giúp tôi một cái áo sơmi”. Lần đầu tiên được Nobuko đưa đến nhà mình để nhờ mua giúp lương thực đang rất khan hiếm trong thời điểm chiến tranh, “anh Của” đã ngọt ngào gọi “Cha ơi! Mẹ ơi!” trước sự ngỡ ngàng của cha mẹ Nobuko. Bà Nobuko hôm nay cười thật tươi: “Sau này đến VN, tôi mới biết người miền Nam có tập quán xưng hô thân mật như thế. Nghe anh gọi “mẹ”, mẹ tôi thích lắm, và vì thế mà sau đó ít lâu bà đồng ý gả con gái cho anh sinh viên ấy. Bà còn tự tay đi chợ, nấu ăn cho đám cưới”.

Những ngày mùa thu 1945, ngoài niềm vui vì hạnh phúc riêng tư, ông Lương Định Của còn một niềm vui khác khiến ông như muốn bay lên, đôi mắt sáng loáng lên khi nói với vợ: “Em Nobuko ơi, VN đã được độc lập rồi. VN không còn là thuộc địa nữa. Từ nay trở đi, anh là người của nước VN độc lập, em ạ”. Từ ngày ấy, cơn gió thổi từ Hà Nội đã len vào tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ, theo họ từ Fukuoka đến Kyoto, Tokyo, từ lúc Lương Định Của còn là sinh viên cho đến khi nhận được danh hiệu bác sĩ nông học danh giá, tạo ra được giống lúa mới hột to, từ khi Nobuko là một cô gái trẻ cho đến lúc cô đã là một bà mẹ với hai con trai nhỏ.

0OzaQlVi.jpg
Bà Nakamura Nobuko hạnh phúc ở tuổi 91 tại TP.HCM - Ảnh: T.Trung

Tiếng nói Nhật từ Hà Nội

"Nhớ ngày đầu tiên bước xuống khỏi tàu tập kết vào bãi biển Sầm Sơn, gia đình chủ nhà nấu cơm cho chúng tôi rồi xuống bếp ăn khoai, củ chuối, mùa đông chỉ có cái ổ rơm chống rét. Thương lắm. Bây giờ thì đời sống người dân cũng khá lắm rồi"

Nakamura Nobuko

Ông Lương Định Của đã say sưa nói với vợ về tương lai mới của đất nước, về xã hội tốt đẹp, tất cả vì nhân dân mà Nhà nước VN dân chủ cộng hòa đang tạo lập. Ông từ chối các cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Mỹ, làm việc cho Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) để tìm cách về nước tham gia kháng chiến. Sau nhiều nỗ lực móc nối, chờ đợi, xoay đường này cách khác, năm 1952 ông đã đưa cả gia đình về Sài Gòn, và đến năm 1954 cả nhà lại cùng lên một chuyến tàu tập kết ra Bắc.

Từ đấy, bà Nobuko đã biết đến nỗi cực khổ của người nông dân VN khi cùng ông Lương Định Của ra khỏi phòng thí nghiệm bước xuống ruộng làm khoa học thực nghiệm, nuôi con gà, con lợn trong sân nhà; biết đến tem phiếu, xếp hàng, thiếu trước hụt sau khi phải chăm sóc đàn con; biết đến hầm trú ẩn, bom đạn rơi sát bên mình trong những năm tháng ở lại Hà Nội để dịch và đọc những bản tin tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói VN. Bà đã thay mặt đài viết từng lá thư tay trả lời thính giả Nhật, cảm ơn những lời động viên trong cuộc chiến tranh tàn khốc, giới thiệu những món ăn, những điểm du lịch VN... Tình yêu nước của chồng, những “cơn gió thổi từ Hà Nội” đã thấm vào bà từ bao giờ. Bà Nobuko lặp lại: “Tôi sống ở VN rất dễ chịu. Thời tiết dễ chịu, thức ăn dễ chịu, con người cũng dễ chịu, và cả cách ăn mặc nữa. Tôi rất thích áo dài, vừa nhẹ nhàng, vừa đẹp, lịch lãm, lại vừa dễ mặc”.

Tấm ảnh bà mặc áo dài đứng cạnh chồng chụp mấy mươi năm trước, dịu dàng, nền nã không khác gì một phụ nữ VN. Cầm tấm ảnh, bà lặng đi: “Chỉ tiếc anh Của mất sớm quá, mới 55 tuổi”. Đất nước vừa thống nhất, ông Lương Định Của đã hai lần vào Nam khảo sát để chuẩn bị xây dựng Trung tâm Nông nghiệp miền Nam. Rồi ông bác sĩ nông học hăng say tính chuyện trở về quê hương sinh sống, háo hức vì sắp được phát huy khả năng của mình trên những đồng ruộng mênh mông, màu mỡ của đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 12-1975, ông tham dự kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa V, dự định kết thúc thì chuyển vào miền Nam nhận công tác. Chỉ còn hai ngày nữa lên đường, bỗng một đêm ông lên cơn nhồi máu cơ tim. Hôm ấy là ngày 28-12-1975.

Hạnh phúc là ở đây

Hồi ký của bà Nobuko viết: “Tôi luôn tin tưởng là tôi hiểu biết về anh Của nhiều nhất, nhưng chứng kiến cảnh tang lễ, niềm tin này bắt đầu lung lay. Nhiều đoàn cán bộ cao cấp, nhiều cơ quan đoàn thể, đại biểu địa phương, những đoàn dài học sinh, sinh viên, hàng trăm người nông dân đứng xếp hàng trước cổng Bộ Nông lâm nghiệp... Tôi mới hiểu anh với tư cách một người chồng, người cha, chứ chưa hiểu hết những đánh giá về mặt xã hội”.

Đúng là mỗi ngày lại có một cơn gió mới. Với những phát hiện mới về người chồng quá cố, bà Nobuko cùng các con quyết định chuyển vào TP.HCM để được sống trên quê hương ông Lương Định Của, tiếp tục làm việc ở Sở Ngoại vụ, tiếp tục cùng VN vượt qua những thời kỳ từ khó khăn đến đổi mới về kinh tế, đường lối chính sách.

Trong năm người con của bà, có tới ba người theo cha vào ngành nông nghiệp. Trong đó, từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, phục vụ mười năm trong quân đội rồi lại tiếp tục theo nông nghiệp, người con trai cả Lương Hồng Việt bây giờ đã nghỉ hưu, luôn sát vai cùng mẹ Nobuko trên những nẻo đường: về quê cha ở Sóc Trăng lo phần mộ tổ tiên, về Hà Nội mỗi năm để trao Giải thưởng Lương Định Của cho những thanh niên nông thôn xuất sắc, về quê mẹ Nhật Bản để bà vơi nỗi nhớ hoa anh đào...

Nhắc về ông Lương Định Của, bà Nobuko bảo: “Ai cũng nói nếu chúng tôi vẫn cứ ở Nhật Bản thì sẽ giàu có lắm, sự nghiệp của anh cũng rực rỡ hơn về khoa học. Nhưng vật chất không làm nên hạnh phúc. Ở lại Nhật Bản thì anh Của sẽ không thể vui được đâu, vì những “cơn gió thổi từ Hà Nội”. Tôi đến đây, được làm vợ anh 30 năm, hợp nhau tới từng lời nói, như vậy là tôi được ở nấc thang trên cùng của hạnh phúc rồi”. Ông Việt cười tiếp lời: “Nhìn vào câu chuyện cuộc đời của ông bà, lớp con như chúng tôi thì thấy như huyền thoại, đám cháu thì bảo như cổ tích, không thể có được. Cả nhà bảo nhau phấn đấu theo ông bà thôi”.

Nhà nông học tiên phong

Nhà nông học Lương Định Của sinh năm 1920 tại Đại Ngãi, Long Phú, Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp bác sĩ nông học tại Nhật Bản (tương đương học vị tiến sĩ ở VN), cùng vợ con về nước và tập kết ra Bắc năm 1954. Ông nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Khảo cứu nông lâm, Trường đại học Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu cây lương thực thực phẩm.

Ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm về nông nghiệp, hướng dẫn nông dân đắp bờ thửa, cấy lúa thẳng hàng để có năng suất cao. Ông là tác giả của nhiều giống lúa với đặc tính phù hợp thổ nhưỡng địa phương, các loại cây trồng: khoai lang, đu đủ, dưa lê, xương rồng, rau muống, dưa hấu không hạt...

Ông được phong tặng Anh hùng lao động năm 1967 và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1995. Có nhiều con đường, trường học được đặt tên Lương Định Của ở Hà Nội, TP.HCM, Sóc Trăng.

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lập ra Giải thưởng Lương Định Của vào năm 2006, trao tặng hằng năm cho các thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... Mới đây nhất, tháng 9-2013, lễ trao giải thưởng lần thứ 8 đã tổ chức tại Hà Nội.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp