11/05/2017 14:38 GMT+7

Người Việt và Việt kiều: giống và khác nhau như thế nào?

NGỌC ĐÔNG - TRẦN PHƯƠNG
NGỌC ĐÔNG - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đối với những Việt kiều sinh ra ở nước ngoài, trở về không chỉ là vượt qua khoảng cách địa lý để thực sự gắn bó với quê cha đất tổ.

Từ trái qua: Alena Joseph (tùy viên báo chí, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM), Don Lê, Anh Thư Nguyễn, Mimi Vũ, Don Phan, Khanh Nguyễn (viên chức Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM) - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Chủ đề này được chia sẻ tại buổi nói chuyện “Người Việt và Việt kiều: giống và khác nhau như thế nào?” do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 10-5.

Hành trình trở về

“Chúng tôi luôn cảm nhận được mối liên hệ giữa mình và Việt Nam” là lời chia sẻ của Anh Thư Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt quay trở về sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã hơn 6 năm nay. Chia sẻ của cô cũng là nỗi niềm của các diễn giả có mặt tại buổi nói chuyện. Tham gia buổi giao lưu, các diễn giả chia sẻ lý do duyên cớ khiến họ quay trở về quê hương lập nghiệp, những khó khăn mà họ gặp phải khi một thân một mình trở về Việt Nam, thậm chí nhiều người trong số họ trước đó chưa từng biết đến Việt Nam bao giờ.

Hầu hết đều gặp phải cú sốc về ngôn ngữ dù không hẳn hoàn toàn không biết tiếng Việt. Năm 2006, Mimi Vũ rời New York để về Đà Nẵng làm việc cho Tổ chức phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ. Cô gái trẻ ban đầu dự tính chỉ ở lại thành phố biển miền Trung này hai năm, nhưng rồi mối duyên với mảnh đất cội nguồn nơi cha mẹ cô sinh ra giữ cô ở lại đây đến nay đã 11 năm. Hiện nay cô đang là giám đốc tuyên truyền và quan hệ đối tác chiến lược của Quỹ Pacific Links Việt Nam chống nạn buôn người từ năm 2013.

Mimi kể những năm đầu tiên ở Đà Nẵng cô gặp không biết bao nhiêu khó khăn về ngôn ngữ khi mà tiếng Việt cô được ba mẹ dạy cho là tiếng Bắc, trong khi đó hầu hết đồng nghiệp của cô đều nói giọng miền Trung, ngữ điệu, từ vựng... đều khác với những gì cô được dạy.

Tương tự, dù cũng được gia đình cho nói tiếng Việt từ nhỏ nhưng Don Lê, đồng sáng lập Tổ chức giáo dục Everest Education, vẫn gặp không ít khó khăn khi giao tiếp ở Việt Nam. “Lúc ở Mỹ, tôi chỉ nói tiếng Việt với ba mẹ nên lúc nào cũng xưng con. Đến khi về Việt Nam, tôi mới vỡ lẽ ra người Việt có quá nhiều ngôi xưng hô tùy theo ngữ cảnh, anh, chị, em, cô, chú... làm tôi không biết đường nào mà lần” - anh vui vẻ kể.

Trong khi đó, Anh Thư Nguyễn, hiện đang làm việc tại Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam, vừa cười vừa kể rằng tiếng Việt của cô là tiếng Việt... hồi xưa, và cô nàng phải mất thời gian để học lại tiếng Việt thời nay. Cô cũng nhiều lần bỡ ngỡ với văn hóa Việt như phải mời mọi người cùng ăn hay kiểu văn hóa “thông cảm” của nhiều người.

Người Việt, dù là người Việt ở Việt Nam hay Việt kiều, đều không ngừng tìm kiếm cơ hội, làm việc chăm chỉ và cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Đó là lý do mà GDP của Việt Nam đang tăng trưởng 6%, chúng ta có một dân số trẻ luôn hừng hực tinh thần khởi nghiệp và khao khát sự thay đổi"

Mimi Vũ (giám đốc tuyên truyền và quan hệ đối tác chiến lược của Quỹ Pacific Links Việt Nam chống nạn buôn người)

Việt Nam là nhà

Mỗi người có những ngã rẽ khác nhau trên đường trở về Việt Nam. Tốt nghiệp Trường đại học Stanford danh giá của Mỹ năm 2003 và có công việc được xem là rất tốt, Don Lê gây bất ngờ cho cha mẹ mình khi quyết định từ bỏ và quay về Việt Nam năm 2007. Hơn ba năm sau, anh cùng các cộng sự bắt đầu xây dựng Tổ chức giáo dục Everest Education, cung cấp các chương trình dạy kèm nhằm phát triển kỹ năng trong tư duy phê phán, sáng tạo, giao tiếp và hợp tác. Anh chia sẻ lý do mình muốn ở lại Việt Nam là vì muốn mang nền tảng giáo dục mình đã được học giúp đỡ học sinh Việt Nam. Theo anh, Việt Nam đang ở thời điểm rất tốt để phát triển với nhiều cơ hội.

Thời gian trôi qua, mối liên kết với Việt Nam ngày càng lớn dần trong họ. Đối với anh Don Phan, mối liên kết đó ngày càng chặt qua những chuyến đi về làm ăn ở Việt Nam và rồi lập gia đình tại đây. “Việt Nam bây giờ là nhà” - anh nói và cho biết sẽ dạy con tiếng Việt, văn hóa Việt Nam.

Mimi Vũ cho biết gia đình cô sống rải rác trên khắp nước Mỹ khiến cô nhiều lúc cảm thấy lạc lõng, trong khi ngày càng thân thuộc hơn với Việt Nam. Cô còn nhớ lời cha cô nói với cô “trở về là nghĩa vụ” khi cô thông báo với gia đình quyết định trở về Việt Nam của mình. Mimi Vũ tốt nghiệp cử nhân ngành văn học Anh và tiếng Pháp tại Đại học Michigan năm 2000, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành chính sách quốc tế tại Đại học New York năm 2005. Dù nền tảng học thức đó “dư sức” để cô có được công việc tốt ở Mỹ, nhưng cha mẹ cô vẫn luôn khuyến khích cô về Việt Nam. “Bố mẹ tôi luôn tự hào là người Việt Nam, họ luôn khuyến khích tôi trở về để cống hiến cho quê hương” - Mimi Vũ xúc động nói với Tuổi Trẻ.

Chuỗi chương trình sẽ tiếp nối với hai buổi nói chuyện chủ đề “Ngày ấy - bây giờ: Vượt qua khoảng cách thế hệ trong văn hóa Việt Nam” vào ngày 17-5 và “Sài Gòn đẹp lắm: Trở về để bước tiếp” ngày 24-5.

Việt kiều có khác?

Cô Anh Thư chia sẻ tên gọi Việt kiều không thể nói lên tất cả. “Mối liên kết với văn hóa và gốc gác Việt Nam luôn là một phần của chúng tôi. Cũng giống như các nguyên liệu trong một món ăn, dù là người Việt Nam hay Việt kiều với sự liên kết khác nhau với Việt Nam và văn hóa Việt Nam nhưng điều quan trọng là tất cả đều có mối liên kết đó” - cô nói.

NGỌC ĐÔNG - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp