21/05/2024 10:13 GMT+7

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ cuối: Phập phồng theo vũ điệu của vàng

Vàng vốn là một loại tài sản có giá trị, ngoài việc được sử dụng làm trang sức thì còn được xem như một dạng của cải tích lũy.

Mua bán ở một tiệm vàng khu vực chợ Bà Chiểu, TP.HCM - Ảnh: Y.TR.

Mua bán ở một tiệm vàng khu vực chợ Bà Chiểu, TP.HCM - Ảnh: Y.TR.

Những ngày vừa qua, khi giá vàng liên tục tăng giảm như một vũ điệu, người mê vàng dường như cũng "nhảy múa" theo.

Kẻ bán chốt lời, người mua hy vọng

Giữa tháng 5, giá vàng SJC trên bảng niêm yết của một tiệm vàng lớn ở khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là 9.020.000 đồng/chỉ, vàng nhẫn 24K là 7.540.000 đồng/chỉ.

Mức giá trên được cập nhật vào khoảng hơn 16h ngày 19-5-2024, cùng lúc đó phía ngoài tiệm vàng này nhiều nhân viên bảo vệ túc trực để tiếp đón và trông xe cho khách vào xem vàng. Bên trong khu vực giao dịch thì kẻ bán người mua.

Ngó qua, khách ở đây thuộc nhiều độ tuổi, nhiều người thích vàng 24K, cũng không ít người chọn trang sức vàng 18K. Họ ướm thử dây chuyền, lắc tay cho đến khi ưng ý thì lẹ làng "trình" thẻ căn cước, thanh toán bằng cách chồng tiền tươi hoặc chuyển khoản nhanh gọn.

Hỏi mua vàng nhẫn 24K loại 1 chỉ, 2 chỉ nhưng được nhân viên của tiệm thông báo là hết hàng, bà Nhung (ngụ quận Bình Thạnh) trong trang phục đồ bộ thun đơn giản, cổ đeo dây chuyền vàng viên tròn to sụ, cho biết ghé tiệm mua vài chỉ "chơi chơi" nhưng vẫn tỏ vẻ thất vọng: "Thôi mai mua cũng được. Ở đây tôi thấy ngày nào cũng đông".

Chị Thúy Diễm, nhân viên ở đây, cho biết mỗi ngày tiệm thường cung cấp vàng nhẫn 24K khoảng 4-5 đợt với số lượng nhất định, mỗi đợt chừng 5-10 phút là bán hết. Loại này khách rất chuộng và số lượng cũng có giới hạn.

"Em muốn mua sáng mai ghé sớm lúc 8h, không thì đầu giờ chiều", chị Diễm dặn một khách trẻ. Khi được hỏi mỗi ngày tiệm đều đông vậy chắc tiếp khách cũng căng thẳng, chị Diễm cười xòa: "Đúng rồi, nhưng đông mới vui".

Cùng lúc này, đi thẳng tới quầy vàng 24K, anh Tấn Vương (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) mở ba lô, lấy 6 lượng vàng (dạng vàng miếng SJC) cầm gọn ơ rồi nói: "Cho tôi bán".

Ngại ngần khi người lạ hỏi, anh cho biết mình cũng có đầu tư chút ít, hay mua đi bán lại, đợt rồi giá vàng "đu đỉnh" nhưng chần chừ không kịp bán ra nên nay bán luôn vì sợ sắp tới thị trường vàng nhiều biến động, giá sẽ giảm...

Bên trong một tiệm vàng khác trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), cũng hơn chục người đang ngắm nghía những món trang sức vàng lấp lánh trong ánh đèn. Trên các khay, vàng nhẫn 24K vẫn còn kha khá.

"Tôi xem thử bộ gồm vòng tay và vòng cổ, nhưng nặng vàng quá. Tôi đang tìm chừng 5 chỉ đổ lại thôi", chị Như Dung (28 tuổi) tỏ vẻ bâng khuâng khi ngắm nghía những món nữ trang vàng được trưng bày trong quầy nữ trang cưới.

Tầm giữa tháng 5, giá vàng đang "tạm neo" ở mức giá vẫn khá cao sau thời kỳ lập đỉnh vừa qua.

Vừa bước ra từ khu vực trưng bày trang sức của cửa hàng PNJ (Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận) tại một trung trâm thương mại ở TP Thủ Đức, chị Phan Như Nguyệt (53 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: "Vừa rồi vàng SJC trong nước tăng lên mức hơn 92 triệu đồng/lượng nên tôi đã tranh thủ bán ra một ít.

Còn thời điểm này giá vàng chưa ổn định nên tôi không mua vào, cũng không bán ra. Hằng ngày tôi vẫn cập nhật giá để xem thị trường thế nào, hôm nay sẵn ghé qua xem có mẫu trang sức nào mới không!".

Tuy nhiên, số ít người cần sắm vàng làm quà tặng cho những dịp trọng đại như đám tiệc, làm sính lễ cưới hỏi thường là nhu cầu quan trọng, vẫn phải "bất chấp" thị trường tăng hay giảm.

"Tôi đang chọn mua vàng cưới cho cháu dâu, định mua vàng nhẫn nên vào đây lượn xem giá cả thế nào. Bữa giờ vàng cứ tăng giá vèo vèo rồi trồi sụt nhưng giá vẫn cao, phải biết sớm mấy tháng trước mua luôn thì đỡ hơn", bà Nguyễn Thu Ba (55 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) tặc lưỡi.

Nhiều người hiện nay đang đa dạng đầu tư, “bỏ tiền vào nhiều rổ” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người hiện nay đang đa dạng đầu tư, “bỏ tiền vào nhiều rổ” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Canh giá vàng "hồi hộp hơn canh vợ đẻ"

Khác với những tiệm lớn nơi trung tâm thành phố, tiệm bà K.Ngọc (tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) thưa khách hơn.

Kinh doanh nhiều năm nay và đã đổi địa chỉ tiệm hai lần, bà cho biết những ngày vàng đang lên giá, người dân khu này thường không bán ra vì có tâm lý chờ giá tăng nữa để lời thêm. Khi giá vàng xuống, người ta lại bán vì nghĩ nếu để nữa sẽ lỗ.

Một nguyên tắc bà đặt ra khi kinh doanh thứ kim loại vạn người mê này là dù giá ra sao, tiệm luôn mở cửa đúng 6h30, bảng niêm yết giá các loại vàng bạc luôn rực đèn. Bà kể có nơi khi giá biến động quá, họ sẽ tắt bảng giá, nhưng nếu mình làm vậy lâu dần mình sẽ mất khách.

"Ngày nào, giờ nào cũng phải canh giá, căng thẳng lắm", bà chia sẻ. Giới kinh doanh vàng hơn nhau khâu nắm bắt, phán đoán thời cơ biến động giá để quyết định bán ra hay mua vào.

Ông Lê Quang (đã đổi tên) - chủ một thương hiệu kinh doanh vàng có tiếng ở TP.HCM - nổi tiếng có biệt tài canh giá vàng "chuẩn như vàng 9999".

Ngoài việc canh từ các kênh truyền thống trong ngoài nước, ông cũng dành phần lớn thời gian theo dõi thời sự thế giới để đưa ra những phán đoán mang tính quyết định.

Có thời điểm vàng trong nước cao hơn thế giới, ông bán ra số lượng lớn. Vợ ông đắn đo vì kênh trong nước dự báo vàng có thể tăng nữa. 

Ông giải thích với xung đột chính trị một số nước châu Âu, nhiều khả năng vàng thế giới tăng thời gian ngắn sẽ quay đầu giảm sâu.

Có khi nửa đêm vừa nghe Quốc hội Mỹ thông qua một thỏa thuận về ngân sách liên bang, ông bật dậy quyết định mua vàng cái rụp.

"Những lúc vàng biến động khó lường, tôi thức trắng ngồi trước màn hình ti vi, máy tính, vừa theo dõi tình hình chính trị vừa canh giá vàng. Nhiều khi căng thẳng, hồi hộp như canh vợ đẻ", ông Quang hài hước.

Ngoài phán đoán, người kinh doanh vàng phải nhanh chóng quyết định mới có cơ hội thắng lớn. Một cuộc điện thoại cho đối tác tích tắc có thể mang về lợi nhuận khủng.

Gần 30 năm chung vai, bà Tánh vợ ông luôn tin tưởng chồng. "Ổng có biệt tài nắm bắt tình hình thế giới, đoán biến động giá trước khi sàn vàng niêm yết. Cái này không ai dạy ai mà trời cho, anh em ruột thịt cũng không thể chia sẻ được", bà cười nói.

Cũng là một người kinh doanh vàng lâu năm nhưng với quy mô nhỏ hơn, bà Nguyễn Hồng Loan (quận 11, TP.HCM) cho biết ngày xưa hai vợ chồng bà cùng nhau dành dụm từng chỉ vàng để mở được tiệm nhỏ, hai vợ chồng thay nhau trông coi, chồng bà năm nay cũng gần 60 tuổi, là thợ bạc lành nghề.

"Lúc gặp tôi, ổng không có của cải gì ráo, chỉ là một ông thợ bạc mới vào nghề, nhưng được cái cũng biết nhìn xa trông rộng, làm được bao nhiêu tiền là rủ tôi sắm vàng để đó, dành dụm dần dần rồi mở ra cái tiệm nhỏ, duy trì tới bây giờ cũng mấy chục năm", bà Loan kể.

Cũng theo bà Loan, nhiều người Việt thích có vàng trong nhà để phòng thân, người giàu tích lũy được nhiều vàng thì không nói, người lao động bình dân đôi khi dành dụm được hai, ba chỉ vàng cất trong tủ, khóa lại cũng yên tâm phần nào...

Bỏ tiền vào nhiều rổ đầu tư

Tuy nhiên, ngoài quan điểm của bà Loan (và có thể là của nhiều người khác), thực tế cũng có không ít người, nhất là giới trẻ hiện nay không quá quan tâm tới vàng. Họ theo hướng đầu tư "bỏ vốn vào nhiều rổ" như chứng khoán, nhà đất, góp vốn khởi nghiệp...

Nói như chị Nguyễn Thị Thanh, 39 tuổi, cựu sinh viên ngành kinh tế, thì chị muốn đa dạng nguồn đầu tư cũng như nguồn thu nhập.

"Đầu tư vàng cũng là một hướng, nhưng tôi muốn đồng tiền của mình năng động, quay vòng nhanh, bản thân tôi cũng có tiền ra tiền vô mỗi ngày để cuộc sống thoải mái", chị kể.

Hiện nay vốn của vợ chồng chị Thanh đang nằm trong các rổ chứng khoán, căn hộ cho thuê, tiệm rửa ô tô và cả chuỗi xe bánh mì thịt nướng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ...

Chị Thanh khẳng định mình không giàu nhưng đồng tiền của chị "ra vô thoải mái". Vàng thì vợ chồng chị cũng có mua "nhưng chỉ vài lượng để mai mốt đeo vô cổ con dâu ngày cưới thôi".

Mặc dù ngay anh em trong nhà chị Thanh cũng có người chọn đầu tư vàng, nhưng chị Thanh lại đi lối riêng, chị không muốn đồng tiền của mình phải nằm lạnh ngắt trong két sắt dù an toàn và mai mốt lời lãi thế nào.

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 7: Những cánh tay vàng rực vòng ximenNgười Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 7: Những cánh tay vàng rực vòng ximen

"Trăm năm trước, ông bà già tui còn sống trên xuồng ghe, cả đời lênh đênh từ bến này qua bến nọ, vàng bạc không đeo trên người thì biết cất ở đâu? Cứ người đâu thì của đó, vậy cho nó an tâm" .

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp