15/05/2024 11:03 GMT+7

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 2: Cưới dâu cũng tính ra vàng chỉ, vàng cây

Một thời chưa xa lắm, người ta dụm dành từng khâu vàng mỏng manh, rồi lấy vàng để cưới dâu, mua đất, cất nhà, sắm xe. Nhiều người già may cái túi vải nhỏ bên trong áo quần, bỏ vàng vào cài mấy cái kim băng giữ rịt trong người.

Vàng đã gắn liền với người Việt từ rất nhiều năm trước - Ảnh tư liệu

Vàng đã gắn liền với người Việt từ rất nhiều năm trước - Ảnh tư liệu

Những phân vàng thời khó

Đi kinh tế mới từ sau 1975 ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, Đồng Nai, gia đình bà Nguyễn Thu Sương (65 tuổi) ban đầu phát rẫy ở tuốt gần một nhánh sông La Ngà.

Tám năm sau, có chút của để dành, vợ chồng họ mua miếng đất vườn nhỏ chừng 200m2 gần đường quốc lộ 20 giá 1,2 chỉ vàng. Xung quanh là rẫy hoang, họ phát thêm ra mới được vườn rẫy rộng rãi và cất căn nhà sàn tươm tất.

Hồi tưởng những tháng ngày khó khăn, bà Sương nhớ như in vàng lúc đó quan trọng ra sao. "Chồng tôi đi làm xa nửa tháng mới về một lần, làm ăn được thì ổng về chở xuống tiệm vàng dưới chợ sắm nhẫn 3 phân vàng 24K để dành, ít tiền thì mua 2-3 phân vàng 18K".

Quý vàng lắm nên những khi thiếu trước hụt sau, hai vợ chồng gói ghém rau mắm qua ngày chứ không bán vàng đi. Có khi liên tiếp mấy ngày họ bứt rau đay ngoài vườn nấu canh, mua 2.000 đồng thịt nọng heo kho cà chua, có ngày là tô canh ăn với muối ớt…

Những năm nửa sau thập niên 1990, khi con gái lớn xuống thành phố làm ăn sạp vải, dư dả, gia đình bà có ý định xây nhà.

"Lần đầu, con tôi đưa 3,8 cây vàng bằng vàng nhẫn, loại 1-2 chỉ một chiếc. Lúc đó, tôi đón xe đò xuống lấy. Con đưa tôi bọc nhung đỏ nói mẹ đem này về cất kỹ, cho ba biết để ba mừng. Tôi bỏ vô cái bóp, để trong giỏ rồi bận áo khoác kỹ lưỡng", bà kể lại. Vàng lúc đó cỡ 400.000 đồng/chỉ.

Bà về tới nhà, lúc đó chồng đang cuốc đất ngoài rẫy. Ới nhau vô rồi đổ vàng ra chén đếm, hai vợ chồng mừng lắm.

Ông hỏi: "Đâu dữ vậy?", bà đáp: "Con Bích đưa về để dành cất nhà". Sau đó, con gái tiếp tục đưa 2,6 cây vàng. Họ gom góp tiền của, kêu thợ vô đo đạc, mua vật liệu, xong căn nhà nhỏ trước mùa mưa.

Xây xong mà nhà trống rỗng, họ sắm tủ đựng quần áo, thuê người đóng bộ bàn ghế gỗ. Riêng máy cassette, hai vợ chồng đón xe đò xuống TP Biên Hòa, mua của một người quen kèm theo hai thùng loa. Cả xóm túa vô xuýt xoa.

Làm ăn dư dả hơn, bà bàn với chồng mua chiếc xe Dream. Bà kể: "Lúc đó chúng tôi đón xe xuống Biên Hòa, nhờ họ hàng giới thiệu mua. Xe cũ vẫn mắc lắm, 3,9 cây vàng. Thấy giấy tờ xe đầy đủ, chúng tôi chồng tiền cái rụp rồi chạy xe về.

Hàng xóm, con bà Quả, ông Tuấn… chạy vô xem. Tối thui mà người ta vô rọi đèn pin, đốt đèn dầu coi". Trong xóm trước đó cũng có bà Hà mua xe Cub giá 1,2 cây vàng.

Bà Sương nhớ rõ thời đó người ta sắm vàng 24K nhiều, chứ ít sắm nữ trang. Kiểu dáng chưa phong phú nên thường bông tai sẽ dạng khoen tròn 1 chỉ, sợi dây 3 chỉ, lắc tay 2 chỉ… Thời đó đâu có mạng Internet, đâu có đọc báo gì nhiều, nên người ta đâu theo dõi giá vàng từng giây từng phút như bây giờ.

Ở xóm dưới có bà Hai Lộc, lớn tuổi nhất nên hay quán xuyến những chuyện trong xóm. Bà Sương kể: "Hồi đó xóm giềng thân nhau, bà cũng như cha mẹ mình, từng đỡ đẻ cho hai đứa con gái lớn của tôi nên bà kể hết. Bả nói tao có cả bọc vàng nè".

Thì ra, bà Lộc may chiếc túi bên trong quần áo, lận theo vàng và gài kim băng luôn giữ trong người. Bà còn cho người ta vay, ai muốn mượn một, hai chỉ vàng thì bà đưa.

Có lần bà Lộc kể giắt bọc vàng trong nhà tắm, giắt áo lên xong quên luôn. Sau đó bà tá hỏa rờ lại không thấy. Bà hô hoán rồi cùng con cháu đi kiếm khắp nhà, khắp rẫy cả đêm. Sáng hôm sau, bà lấy quần áo đem giặt thì mới nhớ ra, may vẫn còn nguyên.

Bà Lộc còn kể những câu chuyện người Việt qua biên giới buôn bán làm ăn, sắm vàng sợ mất nên ngày về nuốt vào bụng, về tới xứ mình mới "tiêu hóa". Chuyện khó tin nhưng có thật và được nhiều người xác nhận.

Ông Trần Đức Dũng (em trai bà Trần Thị Mai, nhân vật trong bài kỳ 1), hiện ở đường Hậu Giang, quận 6, TP.HCM, kể từng tận mắt chứng kiến chuyện này.

Năm 1987, ông Dũng theo nhóm bạn lên biên giới Lào ở Quảng Trị để tìm hướng làm ăn. Đang ngồi ăn cơm ở quán nhỏ bên đây biên giới thì ông thấy mấy thanh niên từ Lào vừa về. Việc đầu tiên của họ là đi tìm mua… thuốc xổ.

Ông đang ngạc nhiên thì chủ quán cười nói: "Tụi nó chắc đi làm ăn được nên về nước để đẻ ra vàng đó". Lúc đó ông mới hiểu "đẻ vàng" là đám thanh niên đó uống thuốc xổ số vàng đã nuốt giấu.

Chiếc xe Dream đầu tiên mà gia đình bà Sương bán vàng để mua -  Ảnh: YẾN TRINH

Chiếc xe Dream đầu tiên mà gia đình bà Sương bán vàng để mua - Ảnh: YẾN TRINH

"Tôi cưới dâu này hết chục cây vàng"

Một thời gian dài, dân mình có việc gì cũng quy ra vàng, kể cả chuyện cưới xin, đón rể, rước dâu.

Đại tá Phan Tương, nguyên giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất thời kỳ tiếp quản, ngày còn khỏe mạnh đã kể một chuyện vui: "Lần đầu tôi được mời ăn cưới ở Sài Gòn ngay cuối năm 1975, thấy cảnh mẹ chồng tận tay đeo vòng vàng cho con dâu mà ngạc nhiên.

Ngoài Bắc, thời tôi lớn lên không có cảnh này. Lúc ngồi ăn tiệc ở bàn, tôi còn nghe bên đàng trai tự hào khoe cưới dâu này hết chục cây vàng. Số vàng họ làm của hồi môn và chi phí tiệc tùng", ông Tương nói nhiều năm vẫn không quên những ấn tượng của mình.

Ông kể cuối những năm thập niên 1970 sang thập niên 1980, cũng đi dự nhiều đám cưới khác, trong đó có cả nhân viên của mình, và thấy vàng cưới dần ít đi theo tình hình kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, khoảng từ giữa thập niên 1990 trở về sau thì trên cổ cô dâu lại lấp lánh nhiều vàng cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước.

Ngày tháng ấy rất nhiều chuyện vui có thật về vàng mà nhiều khi người trẻ bây giờ nghe rất khó tin. Để nở mặt nở mày trong đám cưới, có đàng trai đã cho lẫn thêm vàng giả vào vàng thật trong ngày tặng cô dâu.

Hôn lễ rực rỡ ánh vàng, cha mẹ và họ đàng gái vui vẻ tự hào khi thấy con gái mình được đeo vàng trĩu cả cổ.

Nhưng đến khi tàn tiệc cưới, mẹ chồng lại lặng lẽ vào phòng tân hôn để rút lại số vàng giả lẫn trong hộp vàng thật. Bởi bà sợ con mình không biết, mang vàng giả này ra bán thì lớn chuyện không hay ho.

Ông Trần Đức Dũng kể chính vợ chồng mình cũng có một chuyện "tình ngay lý gian" trong vàng cưới của con trai.

Trước đó, con dâu ông không xỏ lỗ đeo bông tai mà ngày cưới thì ai cũng muốn cô dâu đủ bộ vàng lấp lánh từ ngón tay, cổ tay lên cổ và lỗ tai.

Vợ ông Dũng đích thân đi đến mấy tiệm vàng mà không mua được loại bông tai không cần xỏ lỗ. Bí quá, bà phải ra chợ Phú Lâm để mua ở mâm vàng giả loại bông tai kẹp…

Ngày cưới năm 2004, con dâu ông Dũng được cha mẹ chồng tặng 7 cây vàng hồi môn, trong đó chỉ có 1 chỉ vàng giả là đôi bông tai. Thế mà sau này, vợ chồng giận nhau, cô cứ đem chuyện đôi bông tai giả này ra để trách chồng.

Còn vợ chồng ông Dũng thì tự trách mình đã cho con dâu cả 7 cây vàng mà không cố gắng tìm mua cho được cái bông tai 1 chỉ bằng vàng thật cho vẹn tròn…

Ông Trần Đức Dũng cũng có chuyện vui khó quên là khoảng năm 1988, ông cầm 9 chỉ vàng lên bãi "xế nghĩa địa" (xe máy cũ) ở cửa khẩu Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa, Long An để mua chiếc Cub "cánh én kim vàng" đầu đời của mình. 9 chỉ vàng thì mẹ ông cho hết 8 chỉ là vàng bà dành dụm mua được từ trước năm 1975.

Con trai cẩn thận đi chung với người bạn là công an từ TP.HCM lên biên giới để mua xe, bà mẹ vẫn lo bị cướp mất vàng. Bà tỉ mẩn bỏ 9 khâu vàng vào mấy lớp túi ni lông cột chặt rồi xẻ đai lưng quần tây của con để giấu túi vàng vào trong đó.

Buổi chiều, ông Dũng chạy chiếc "cánh én kim vàng" về tới nhà, cả xóm rần rần kéo nhau tới ngắm nghía. Còn bà mẹ thì lặng lẽ cầm cái quần của con đi sửa lại cái đai lưng.

***************

Ngày trước, nếu như vàng Kim Thành nổi danh Sài Gòn thì vàng Sư Tử nức tiếng Hà Nội. Trước khi "tiếng gầm" lùi vào dĩ vãng, hiệu vàng Sư Tử đã có tới 20 năm khuấy đảo thị thành bằng những lá vàng đóng dấu hiệu The Lion - Sư Tử.

>> Kỳ tới: Vàng Kim Thành, Sư Tử, vàng son và biến mất

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 1: Những thùng đạn đựng vàngNgười Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 1: Những thùng đạn đựng vàng

"Con dâu này tôi cưới cả thảy 5 cây vàng, chiếc Dream Thái nọ tôi mua gần 10 cây. Còn thằng Hai hồi nó lên tàu vượt biển có 2 cây lận lưng phòng thân".


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp