Tốc độ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam dẫn đầu khu vực - Ảnh: tư liệu TTO
Trong báo cáo Global Burden of Disease Study 2016 của tạp chí y khoa Lancet (Anh) mới công bố đã chỉ ra mỗi ngày người đàn ông Việt nạp vào người hơn 5 ly tiêu chuẩn (mỗi ly chứa 10 gram cồn).
Đáng chú ý, báo cáo này nghiên cứu tình trạng sử dụng đồ uống tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990-2016 thì chỉ có Việt Nam, Bồ Đào Nha và các nước bán đảo Balkan có mức tiêu thụ này. Báo cáo từ năm trước đó, tỉ lệ nam giới uống đồ uống có cồn với mức trung bình là 40 - gần 60% dân số, trong khi nữ giới có tỉ lệ gần 20%.
Top dẫn đầu tiêu thụ bia rượu
Đặc biệt, mức tiêu thụ bia rượu ở Việt Nam đã tăng lên rất nhanh trong danh sách các quốc gia tiêu thụ bia trên thế giới, theo xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới. Năm 2010 Việt Nam chỉ đứng thứ 94 thì năm 2016 đã tiến lên vị trí 64 và đứng thứ ba ở khu vực châu Á. Lượng rượu bia tiêu thụ thực tế hiện nay lên tới 8,3 lít cồn/người/năm đối với người từ 15 tuổi trở lên.
Với tốc độ tăng "chóng mặt" như vậy, chỉ số sử dụng bia rượu của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29, trong khi chỉ số phát triển con người đứng thứ 116/182 quốc gia trên thế giới.
Lượng tiêu thụ tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất bia rượu của Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng. Theo đó, năm 2017 sản lượng bia chạm mốc trên 4 tỉ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 45 lít bia/năm, tăng gấp rưỡi so với 2 năm trước. Đáng chú ý, đây là con số mục tiêu mà ngành bia đặt ra vào năm 2020, tức "về đích" sớm hơn tới 4 năm.
Với rượu, chủ yếu được nấu theo phương pháp thủ công, năm 2016 đạt 188 triệu lít (riêng rượu thủ công được cấp phép là 32 triệu lít). Chi phí cho tiêu thụ rượu bia của Việt Nam mỗi năm khoảng 3,4 tỉ USD/năm và đóng góp vào ngân sách khoảng 3%.
Sản xuất tăng mạnh, hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Theo Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2018, sản xuất kinh doanh của ngành bia rượu tiếp tục đạt được sự tăng trưởng với mức tăng 8,8% so với cùng kỳ 2017. Riêng sản xuất bia các loại tăng 7,1% so với cùng kỳ 2017 và mức tăng cả năm cũng được dự báo tăng khoảng 6%.
Góp phần vào lượng tiêu thụ bia cả nước hiện nay chủ yếu là từ hai doanh nghiệp bia nội địa, gồm Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với 1,77 tỉ lít.
Sản lượng của doanh nghiệp đứng thứ hai trong ngành là Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt 657,6 triệu lít. Thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp nhỏ và vừa khác.
"Thị trường ngành bia năm 2018 dự báo sôi động do chính sách thoái vốn của Nhà nước và sự vào cuộc của các hãng bia nước ngoài" - Bộ Công thương đánh giá.
Thực tế không đợi hai ông lớn bia có cổ phần nhà nước chi phối là Sabeco và Habeco tiến hành thoái vốn thì thị trường bia Việt Nam cũng rất sôi động, với sự góp mặt của hầu hết hãng bia đình đám thế giới như Carlsberg, Heineken, Masan Brewery, Sapporo, AB InBev...
Ông Nguyễn Văn Việt - chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam - cho biết sức hấp dẫn của ngành bia không hề giảm với doanh nghiệp ngoại. Do đó, năm 2018 sẽ là năm cạnh tranh khó khăn cho các doanh nghiệp bia nội trước sự đổ bộ của nhiều đại gia bia ngoại.
Ngành bia đặt mục tiêu phát triển trong 4 năm tới sẽ đạt sản lượng 4,1 tỉ lít bia và tăng lên 2,6 tỉ lít bia vào năm 2025; 5,6 tỉ lít vào năm 2035. Tức là sản lượng bia sẽ tăng gấp rưỡi trong gần hai thập kỷ tới.
Theo WHO, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ước tính dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016. Hàng trăm nghìn người phải nhập viện điều trị vì các bệnh liên quan. Tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương 1,3-3,3% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Hầu hết các gia đình ở Việt Nam (88,5%) đều có người uống rượu bia trong 12 tháng qua, 80% có người uống rượu bia trong vòng 30 ngày; đặc biệt trong đó có 46% hộ gia đình có ít nhất một người uống ở mức nguy hại (ít nhất 1 lần uống từ 6 đơn vị cồn trở lên - tương đương 6 lon bia, 6 cốc bia hơi, 6 ly nhỏ vang, 0,6 chén rượu mạnh).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận