07/09/2014 09:02 GMT+7

Người viết truyện bác Ba Phi đầu tiên

Vân Trường
Vân Trường

TT - Bác Ba Phi không sáng tác nhưng có vô số sách in truyện tiếu lâm của ông được phát hành. Sách nào cũng bán chạy.

Nhà văn Anh Động - Ảnh: V.Tr.
Nhà văn Anh Động - Ảnh: V.Tr.

Người đầu tiên sưu tầm, viết lại và in sách truyện bác Ba Phi là nhà văn Anh Động ở Kiên Giang.

Một bất ngờ nữa là có tới hơn 50% truyện tiếu lâm bác Ba Phi đang lưu hành là do nhà văn Anh Động tự... sáng tác!

Hai lần gặp bác Ba Phi

Từ nhà bác Ba Phi ở Cà Mau, chúng tôi vượt chặng đường 200km theo quốc lộ 63, băng qua vùng U Minh Thượng để đến TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) tìm nhà văn Anh Động. Ông chính là người đầu tiên viết lại một số mẩu truyện tiếu lâm của bác Ba Phi và in thành sách vào năm 1977.

Quyển sách này có tên Chuyện vui Ba Phi, ghi tên tác giả là Nguyễn Việt Tùng (tên thật của nhà văn Anh Động), do Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Minh Hải xuất bản. Ông nói thêm: “Quyển sách này là sự khởi đầu của nghề chữ nghĩa của tui đấy”.

Nhà văn Anh Động nói ông đã hai lần được gặp bác Ba Phi. Lần thứ nhất vào năm 1962. Khi đó ông làm giao liên, tải đạn ở chiến trường rừng U Minh.

Một hôm chiếc xuồng chở quân chạy ngang qua một ngôi nhà thì một anh bộ đội nói lớn: “Nhà bác Ba Phi đây nè”. Nghe vậy, ông Anh Động tự nhiên thấy rạo rực, bồi hồi rất khó tả. “Tui liền bảo anh em dừng lại cánh rừng gần nhà bác Ba Phi để nghỉ ngơi, nấu ăn. Mục đích chính của tui là đi gặp bác Ba Phi để nghe ông kể chuyện tiếu lâm. Tui đến lúc ông đang ngồi vót tre đan lọp bắt cá”.

Nhìn thấy cái tĩn (loại hũ sành có cổ, bụng to, miệng nhỏ dùng đựng nước mắm, mắm cá... ở nông thôn) ở góc nhà, ông Anh Động hỏi: “Bác Ba ơi, con thấy tĩn thường đi một cặp, sao nhà bác chỉ có một cái vậy?”. Bác Ba Phi cười lớn: “Tao đập bể cái kia rồi. Hôm bữa tao đi câu, xách cái tĩn đựng cá rô. Câu một hồi cá đầy cứng trong đó đâu có cách nào lấy ra được nên tao phải đập bể cái tĩn. Tiếc đứt ruột”. Câu nói của bác Ba Phi ngắn gọn và có vẻ bình thường, nhưng bất kỳ ai nghe cũng phải bật cười.

Nhà văn Anh Động giải thích: “Ý của bác Ba Phi là nói cá rô ở đây con nào con nấy to đùng. Muốn bỏ cá vô tĩn phải cho đầu nó vô trước, rồi dùng tay ấn mạnh xuống mới bỏ vô được. Đến khi cần lấy cá ra làm thịt thì vô phương lấy được, đành phải đập cái tĩn là vậy”. Mẩu đối đáp này sau đó được nhà văn Anh Động viết lại thành truyện tiếu lâm Cái tĩn Nam Vang lẻ bạn.

Lần thứ hai nhà văn Anh Động gặp bác Ba Phi là năm 1963. Khi đó, ông Anh Động tham gia đội chiếu bóng vào rừng U Minh chiếu cho bộ đội và người dân xem. Ông chọn khu vực gần nhà bác Ba Phi để dựng màn chiếu.

Chiều, ông đến nhà bác Ba Phi để xin đốn mấy cây tre dựng màn chiếu. Bác Ba Phi nói: “Bây cứ ra bụi tre đó mà đốn, bao nhiêu cũng được”. Thấy mấy cây tre nhỏ xíu, ông Anh Động hỏi: “Tre gì mà còi cọc, lùn tịt vậy bác?”. Bác Ba Phi cười: “Hồi nẳm trời hạn khô nước hết, chỉ cái ao nhà tao còn nước. Có con rồng bay đi tìm nước uống, nó thấy nước nên định đáp xuống. Tao lấy dây cột một đầu vô bụi tre, thắt dây thòng lọng nhử để bắt con rồng làm thịt ăn. Khi nó chúi đầu xuống uống thì la lên: “Rồng!”. Nó hoảng hồn vọt trở lên bị dây thòng lọng siết cổ. Nó giãy giụa quá khiến bụi tre lung lay, nghiêng ngả, bong gốc. Tao cầm một đầu dây cũng chịu không nổi nên buông cho nó bay đi. Cũng vì vậy mà tới giờ bụi tre đó lớn không nổi luôn”. Bác Ba Phi nói mà gương mặt tỉnh rụi. Còn ông Anh Động ngồi bẹp xuống đất ôm bụng cười. 

Đến năm 1964 thì bác Ba Phi bị bệnh qua đời. 

Bác Ba Phi thời hiện đại

Sau hai lần gặp gỡ, trò chuyện với bác Ba Phi, nhà văn Anh Động quả quyết: “Bác Ba Phi không hề sáng tác truyện tiếu lâm như thiên hạ đồn đại. Những câu chuyện tiếu lâm truyền khẩu trong dân gian đều xuất phát từ những tình huống người ta trò chuyện cụ thể với ông, nhiều nhất là bộ đội.

Bác Ba Phi vốn hài hước nên khi trò chuyện với ai ông thường phóng đại sự việc lên một chút cho vui chứ không châm chích, dè bỉu, nói xấu ai và càng không nói tục. Đó không phải là mẩu chuyện có đầu có đuôi như mọi người đọc được bây giờ. Điểm đặc biệt nhất là những điều ông nói phóng đại đều là con vật, sản vật trong phạm vi rừng U Minh”.

Từ một số mẩu truyện tiếu lâm nghe được từ miệng bác Ba Phi, nhà văn Anh Động cũng tự nghĩ ra nhiều chuyện hài hước tương tự và gắn thương hiệu “bác Ba Phi” để kể cho bộ đội nghe trong những buổi hành quân đêm vất vả. Nhưng kể riết mấy chuyện chim, cò, cá, mắm bộ đội cũng chán nên họ bắt ông phải kể những đề tài khác. Vì vậy mà ông lại có thêm một kho truyện tiếu lâm lận lưng làm vốn.

Nhà văn Anh Động nhớ có một buổi tối hành quân, trong đoàn có một số lính mới rất sợ đạn pháo của địch bay vù vù phía trên đầu. Để khích lệ anh em, ông nói họ cố gắng qua khỏi vùng nguy hiểm thì ông sẽ kể chuyện bác Ba Phi cho nghe.

Đến chỗ nghỉ, ông đã kể chuyện bác Ba Phi bắt đầu đạn 155 li của địch bằng... nách làm cho mọi người cười bò lăn và quên cả nỗi sợ trước đó.

“Chuyện tui kể thế này: tối, địch bắn đạn pháo cỡ 155 li vèo vèo. Bác Ba Phi ra sân đứng canh, viên đạn nào bay qua thì giở tay lên, chờ cho đầu đạn vừa lọt vào nách thì kẹp chặt tay lại. Chỉ một đêm ông đã cặp nách được một đống đầu đạn, được tặng giấy khen. Thật ra làm gì có chuyện bác Ba Phi nào dám cặp nách đạn pháo mà tự tui nghĩ ra để giúp anh em bộ đội đỡ buồn ngủ, đỡ sợ thôi. Cũng vì vậy mà anh em bộ đội gọi tui là truyền nhân của bác Ba Phi” - ông Anh Động nói.

Sau khi đất nước thống nhất, nhà văn Anh Động ra Hà Nội thì gặp nhà văn Nguyễn Tuân. Ông nói với nhà văn Anh Động thế này: “Mày sinh ra ở U Minh, được gặp bác Ba Phi, cũng hiểu rõ ngôn ngữ vùng U Minh thì chỉ có mày mới viết được truyện tiếu lâm bác Ba Phi mà thôi”.

Đầu năm 1977, báo Văn Nghệ TP.HCM chuẩn bị ra số đầu tiên. Nhà thơ Bảo Định Giang đặt hàng nhà văn Anh Động viết một số mẩu truyện tiếu lâm bác Ba Phi để đăng báo. Nhiều số báo sau đó bán chạy như tôm tươi do liên tục xuất hiện các truyện tiếu lâm bác Ba Phi.

Cũng năm này, nhà văn Anh Động tổng hợp lại khoảng 50 truyện đã đăng báo để in thành tập sách Chuyện vui Ba Phi (Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Minh Hải in). Trong số này chỉ có chừng 20 truyện được truyền khẩu trong dân gian được coi là xuất phát từ miệng bác Ba Phi nói ra, còn lại là truyện do ông sáng tác.

Thấy đề tài bác Ba Phi ăn khách nên nhiều nhà xuất bản đặt hàng nhà văn Anh Động viết tiểu thuyết về nhân vật này. Năm 1983, Nhà xuất bản Sông Bé in 82.000 cuốn và bán sạch. Năm 1992 Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản 72.000 cuốn có rút gọn lại nhưng cũng không đủ bán. Sau này một số nhà xuất bản đã tự góp nhặt, thêm thắt truyện tiếu lâm bác Ba Phi rồi in ấn, phát hành ra thị trường mà không hỏi ý kiến nhà văn Anh Động nên xảy ra kiện tụng, xích mích chuyện bản quyền. Một số nhà xuất bản sau đó phải xin lỗi và trả tiền tác quyền cho ông.

Những tác phẩm về bác Ba Phi của Anh Động - Ảnh: V.Tr.
Những tác phẩm về bác Ba Phi của Anh Động - Ảnh: V.Tr.

Viết kịch bản phim bác Ba Phi dài 52 tập

Nhà văn Anh Động nói những câu chuyện về bác Ba Phi gần như đã ăn vào máu của ông. Cho nên dù bây giờ đã nghỉ hưu, sức khỏe không tốt lắm nhưng ngày ngày ông và vợ vẫn miệt mài sáng tác về nhân vật bác Ba Phi.

Tháng 7-2014 vừa qua, ông đã hoàn thành kịch bản phim truyện bác Ba Phi dài tới 52 tập, mỗi tập 45 phút. Kịch bản phim này đã được gửi ra Hà Nội dự thi.

Nội dung xuyên suốt bộ phim nói về một nông dân bình thường ở rừng U Minh tên Ba Phi tham gia cách mạng. Ban đầu ông làm du kích xã rồi sau đó làm chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng xã Khánh Bình, lãnh đạo nhân dân tham gia phong trào Đồng khởi. Ông hi sinh ngày 3-11-1964 khi giải cứu thằng Đậu đang đu càng máy bay trực thăng và bị té trúng cây dừa.

“Tập phim nào cũng có nhiều cảnh hài hước đúng bản chất bác Ba Phi cả. Đặc biệt là có nhiều cảnh hoành tráng như: bác Ba Phi hàn, nối các lưỡi cưa cá mập gài trên sông. Tàu địch chạy qua bị cưa mất phần đáy nên bị chìm... Tui cũng đang ấp ủ kế hoạch viết tiểu thuyết bác Ba Phi dựa theo kịch bản phim này” - nhà văn Anh Động nói.

___________

Kỳ tới: Thằng Đậu là ai?

Vân Trường
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp