Bạn John La Salle - người Philippines, cựu sinh viên Trường đại học RMIT, TP.HCM - vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về những thói quen không nên có của một bộ phận người Việt, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc.
Phóng to |
Đồ ngủ cho dù có mới thì cũng chỉ nên mặc ở nhà - Ảnh minh họa |
Tôi đã sống ở TP.HCM hơn bốn năm và gặp gỡ nhiều người địa phương tuyệt vời, thú vị. Tuy nhiên trong thời gian sống ở đây, tôi quan sát thấy một số thói quen không đẹp của một bộ phận người Việt, chẳng hạn như xả rác bừa bãi, không chịu xếp hàng, thậm chí mặc đồ ngủ ra đường…
Theo tôi, những thói quen này khiến Việt Nam trông khá kỳ quặc trong mắt những người nước ngoài dù tôi và các bạn cùng sống ở khu vực Đông Nam Á vốn có nhiều tương đồng về con người và văn hóa.
Ở đất nước tôi cũng có tình trạng này nhưng rất hiếm.
Tôi cảm thấy không quen khi chứng kiến một số người đối xử với đường phố công cộng như thể đó là thùng rác cá nhân của họ. Họ vô tư xả rác mọi lúc mọi nơi. Những công nhân vệ sinh thường chỉ dọn dẹp một lần nhưng những người này lại xả rác nhiều lần. Thế nên đâu lại vào đấy.
Theo cảm nhận của tôi, những đống rác bị vứt bừa bãi không những nhìn rất chướng mắt mà còn gây ảnh hưởng đến xung quanh.
Cá nhân tôi nghĩ mọi thứ đều có liên hệ với nhau, chẳng hạn khi bạn vứt rác, nó sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng mà bạn đang sống, trong đó có gia đình bạn.
Tôi chỉ hi vọng mọi người không nghĩ chuyện nhặt rác hoặc giữ gìn vệ sinh chung là chuyện của người khác. Cũng mong rằng họ nhận ra các tác hại do thói quen xả rác bừa bãi như làm tắc nghẽn cống thoát nước và tạo nên một môi trường sống mất vệ sinh, không an toàn.
Thiết nghĩ vứt rác đúng chỗ là một công việc vô cùng đơn giản và không mất nhiều thời gian, nhưng tiếc là vẫn còn nhiều người không có thói quen này.
Một điều nữa là người Việt thường không có thói quen xếp hàng, hay chen lấn ở các quầy thu tiền, thang máy và nhất là ở chỗ giữ xe.
Gần đây nhất, khi tôi đang xếp hàng tại quầy tính tiền, một người đàn ông từ phía sau chen lên trên mà không xin phép. Dù khá bực mình vì hành động này nhưng tôi không biết làm gì ngoài lắc đầu ngao ngán vì người này lớn tuổi hơn tôi.
Một câu chuyện về văn hóa xếp hàng nữa là ở trạm dừng xe buýt tuyến Phú Mỹ Hưng, đường Đồng Khởi. Người ta cứ lao lên xe mà không biết ai đến trước, ai sau.
Tôi nghĩ cũng không nên trách họ bởi đâu có nội quy nào bắt họ phải xếp hàng lên xe. Ở Philippines có ban hành quy định yêu cầu mọi người phải xếp hàng lên xe và không được chen lấn.
“Đến trước được phục vụ trước” là quy tắc được ngầm hiểu ở hầu hết mọi nơi. Tôi nghĩ mọi người đều hiểu rõ quy tắc này nhưng có thể do thiếu kiên nhẫn họ lại cố tình quên đi. Xếp hàng có thể khiến bạn đi nhanh hơn nhưng cũng góp phần tạo ra sự hỗn loạn.
Người ta thường cảm thấy căng thẳng khi bị chen lấn và đôi lúc chen lấn còn gây tác dụng ngược khiến bạn tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Những người chen lấn thì lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng, nôn nóng trong khi những người xếp hàng thì trông thư giãn.
Nhưng có lẽ điều tôi cảm thấy sốc nhất trong thời gian ở Việt Nam là thường thấy một số người Việt mặc đồ ngủ ra đường.
Nhiều người mặc đồ ngủ lái xe máy và thậm chí còn đi dạo thành phố. Tôi nghĩ mặc đồ ngủ ra đường đòi hỏi nhiều can đảm lắm. Điều này dần dần trở thành một thói quen, nhất là ở những người lớn tuổi. Những người này có vẻ như không biết rằng quần áo họ đang mặc chỉ phù hợp ở nhà. Nhưng dù sao thì thói quen này cũng không phản cảm lắm và cũng không quá phổ biến ở VN.
(Người Philippines, cựu sinh viên trường ĐH RMIT, TP.HCM)QUỲNH TRUNGghi
Bạn suy nghĩ gì về những ý kiến của anh John La Salle, điều đó đúng hay sai? Hãy chia sẻ những suy nghĩ của bạn với chúng tôi qua địa chỉ email [email protected]. Xin cảm ơn. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận