TS Trần Hồng Quang, viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, trình bày dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia tại hội nghị ngày 26-7 - Ảnh: M.T.
Trình bày tại nội dung báo cáo quy hoạch tại hội thảo tham vấn ý kiến các tổ chức quốc tế, đơn vị tư vấn quốc tế về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, do Bộ Kế hoạch - đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, TS Trần Hồng Quang - viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - đầu tư) - đã đưa ra 3 kịch bản thu nhập người Việt vào năm 2030 và năm 2050.
Ông Quang cho hay vào năm 2030 dân số nước ta khoảng 105 triệu người, đến năm 2050 tăng lên 115 triệu người, GDP bình quân đầu người (thu nhập bình quân) của nước ta trong giai đoạn sắp tới cũng tăng lên khá nhanh.
Theo phương án 1, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nền kinh tế khoảng 6,34%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng 7.000 USD vào năm 2030.
Nếu nền kinh tế duy trì tốc độ tăng GDP bình quân 6,63%/năm trong giai đoạn 2031-2050, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 25.000 USD/năm.
Phương án 2, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,05%/năm trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 7.500 USD vào năm 2030.
Trong giai đoạn 2031-2050, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân nền kinh tế đạt 7,3%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2050 sẽ đạt 32.000 USD.
Còn theo phương án 2a, với nền tảng tăng trưởng GDP bình quân hằng năm đạt 7,05% trong giai đoạn 2021-2030, GDP bình quân đầu người năm 2030 sẽ đạt 7.500 USD.
Trong giai đoạn 2031-2050, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm của nền kinh tế chỉ đạt 6,7% thì GDP bình quân đầu người của cả nước vào năm 2050 sẽ đạt 27.000 USD.
Về mục tiêu lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Quang chia sẻ, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững.
Hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Cũng theo dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong giai đoạn từ nay đến 2030, nước ta sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đồng thời hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia như tam giác động lực Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; khu vực ven biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tứ giác động lực TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu, tam giác Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang.
Bên cạnh đó, để định hình không gian phát triển, bản quy hoạch tổng thể quốc gia do Bộ Kế hoạch - đầu tư xây dựng cũng đưa ra lấy ý kiến về 4 phương án phân vùng và liên kết vùng. Đó là giữ nguyên việc phân chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội như hiện nay.
Ba phương án còn lại là phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội theo hướng tách vùng Trung du miền núi phía Bắc hiện nay thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; hai phương án còn lại tách vùng Nam Trung Bộ thành 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận