05/12/2024 09:13 GMT+7

Người Việt sau đêm thiết quân luật ở Hàn Quốc

Nhiều người Việt Nam tại Hàn Quốc khẳng định khá bất ngờ trước việc tổng thống Hàn Quốc ban bố tình trạng thiết quân luật, song không quá lo sợ trước biến động chính trị này.

Đêm chấn động ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Người dân tuần hành trong ánh nến tại Seoul ngày 4-12-2024, lên án lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol và kêu gọi ông từ chức - Ảnh: REUTERS

Khoảng 22h30 khuya 3-12, lệnh thiết quân luật được Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố, đưa Hàn Quốc vào một tình trạng chưa từng có từ năm 1980.

Trong thời khắc đó, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc đã trải qua nhiều tâm trạng khác nhau, từ bất ngờ, lo lắng đến bình tĩnh tìm cách thích nghi. Dù lệnh đã được bãi bỏ chỉ sau 6 tiếng ban hành, dư âm của nó vẫn còn, từ nỗi bất an về chính trị, kinh tế đến cảm xúc cá nhân của mỗi người.

Thiết quân luật: Bất ngờ nhưng không quá căng thẳng

Ông Nguyễn Văn Thiện (đã đổi tên), nghiên cứu sinh về Hàn Quốc tại một trường đại học ở thủ đô Seoul, cho biết đã theo sát tình hình thời sự ở Hàn Quốc thời gian qua. "Tôi vẫn thức khi tổng thống công bố lệnh thiết quân luật và cảm thấy khá bất ngờ. 

Tuy nhiên, với những ai quen với mâu thuẫn chính trị ở các quốc gia đa đảng, điều này không phải là chuyện quá lo ngại". Cũng theo ông Thiện, mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền và đảng đối lập là chuyện thường tình ở Hàn Quốc và điều đó chưa tác động nhiều đến đời sống hằng ngày của ông.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hoàng Liên Thảo (25 tuổi), du học sinh Việt Nam tại Seoul, cho biết mọi việc diễn ra trong đêm và chị đã ngủ nên không nắm bắt được tình hình. Tuy nhiên khi thức dậy, chị nhận rất nhiều tin nhắn hỏi thăm từ gia đình, bạn bè. 

Theo quan sát cá nhân, chị Thảo nhận thấy sự kiện thiết quân luật chưa thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống của người Việt ở Hàn Quốc.

Không chỉ cộng đồng người Việt, người dân Hàn Quốc cũng trải qua nhiều cảm xúc khác nhau trong đêm xảy ra biến cố chính trị lớn. Nhiều người đã tập trung quanh tòa nhà Quốc hội để phản đối, yêu cầu bãi bỏ thiết quân luật. 

Tinh thần phản kháng mạnh mẽ được thể hiện qua phiên họp khẩn cấp của Quốc hội Hàn Quốc khi 190 nghị sĩ đã đồng thuận thông qua nghị quyết hủy bỏ lệnh thiết quân luật chỉ sau khi được tổng thống ban hành khoảng 6 tiếng.

Một số người dân như bà Lee Mi Gyeong và chị Yeong Ah thừa nhận đã trải qua những giờ phút lo âu khi nghĩ đến khả năng chiến tranh. "Tôi không cho các con ra ngoài vì lo sợ bất trắc", bà Lee nói. Những người mẹ có con đang thực hiện nghĩa vụ quân sự như chị Yeong Ah càng thêm bất an khi phải đối mặt với khả năng con mình bị điều động.

Đáng chú ý, vào sáng ngày 4-12, hình ảnh một số người mặc quân phục đi làm xuất hiện trên các phương tiện giao thông công cộng làm dấy lên nhiều tò mò. Theo ông Thiện, điều này không quá bất thường vì nam giới Hàn Quốc thường giữ lại đồng phục sau khi giải ngũ. Tuy nhiên không khí vẫn có chút căng thẳng, nhất là với những ai chứng kiến cảnh giao thông vắng vẻ và việc người dân kéo nhau đi mua hàng tích trữ.

Chị Đỗ Thị Song Hảo (24 tuổi) cho biết giao thông ở khu vực gần nhà chị trong sáng 4-12 rất vắng vẻ, khác với cảnh đông đúc nhộn nhịp thường ngày. Hầu hết người Hàn Quốc đều khá bình tĩnh trước tin thiết quân luật, song chị thấy vẫn có một số người mua hàng tích trữ đề phòng trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, các dịch vụ giao đồ ăn đều có thời gian phục vụ chậm hơn ngày thường đáng kể.

Lo hệ lụy kinh tế 

Dù lệnh thiết quân luật đã được bãi bỏ vào rạng sáng 4-12, những dư âm của nó vẫn còn rõ nét, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Ông Thiện cho biết trước mắt tỉ giá đồng won đã giảm mạnh, thị trường chứng khoán Hàn Quốc ngày 4-12 cũng giảm điểm. Ngoài ra, việc các đảng đối lập có động thái muốn luận tội tổng thống với cáo buộc ban hành thiết quân luật vi hiến cũng có thể dẫn đến biến động về chính trị.

"Vợ chồng tôi đã có một đêm mất ngủ. Mong rằng ác mộng về sự kiện lịch sử Gwangju không lặp lại lần thứ hai" - chị Lê Bình, người đã sống gần 30 năm tại Hàn Quốc, so sánh tình hình hiện tại với sự kiện lịch sử Gwangju và bày tỏ hy vọng những ám ảnh này sẽ không tái diễn. 

Sự kiện lịch sử Gwangju, hay Phong trào Dân chủ Gwangju, là cuộc biểu tình đòi dân chủ diễn ra tại thành phố Gwangju (Hàn Quốc) từ ngày 18 đến 27-5-1980, đã có hơn 200 người chết và hàng ngàn người bị thương trong sự kiện đó.

Một số người Việt, như chị Đỗ Thị Ngọc, lao động Việt Nam tại Seoul, vẫn rất bình tĩnh: "Mặc dù chính quyền náo loạn nhưng người dân chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường để lo sinh kế. Sáng nay lượng khách đến nhà hàng vẫn đông như ngày thường". 

Tuy nhiên những người mới sang Hàn Quốc như bạn Cao Thắng, một du học sinh, không giấu được lo lắng: "Em thấy rất lo lắng vì vừa mới sang Hàn Quốc học chưa được bao lâu, không biết sự việc này có ảnh hưởng nhiều đến du học sinh không. Đêm qua em đã nghĩ liệu có khi nào phải về nước không nhỉ? Bạn em chia sẻ ngày mai sẽ về Việt Nam nhưng lại lo nếu về rồi có khi nào không quay lại được không".

Trên mạng xã hội, các cuộc thảo luận vẫn sôi nổi, nhiều người động viên nhau giữ bình tĩnh. Cộng đồng người Việt hy vọng nếu tình hình tiếp tục leo thang họ sẽ nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng từ phía Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.

Đêm chấn động ở Hàn Quốc - Ảnh 2.Tổng thống Hàn Quốc bổ nhiệm bộ trưởng quốc phòng mới

Tổng thống Yoon Suk Yeol bổ nhiệm đại sứ Hàn Quốc tại Saudi Arabia làm tân bộ trưởng quốc phòng trước nguy cơ bị Quốc hội biểu quyết luận tội ngay rạng sáng 6-12.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp