12/08/2020 09:11 GMT+7

Người Việt ở quận Cam những ngày này...

MỸ TRÂM
MỸ TRÂM

TTO - Bên này, quận Cam đông đúc Việt nhất xứ cờ hoa mỗi ngày có thêm hơn 500 ca nhiễm mới, chết vài chục người. Nghe Việt Nam có những ca tử vong vì COVID-19 tim vẫn quặn thắt, lòng dạ toan lo như thể đang bên rào giậu cạnh nhà...

Người Việt ở quận Cam những ngày này... - Ảnh 1.

Bãi tắm vẫn nhiều người dù không đông như khi chưa xảy ra dịch - Ảnh: M.TRÂM

Hẳn rồi ngày đó sẽ đến, ngày con virus corona không còn đe dọa cả thế giới. Nhưng là nói để tin tưởng thêm một ngày thêm hi vọng. Chứ sau gần 4 tháng giãn cách xã hội toàn nước Mỹ, dịch COVID-19 chưa hề có dấu hiệu đi xuống. 

Gần như cả ba tuần tôi không nhìn thấy chị Hồng Lê trên nhóm tập thể dục online buổi sáng sớm. Tôi nghĩ chị đã về được Việt Nam.

Xáo trộn, hoang mang

Hơn tháng trước, mẹ chị Hồng phải chuyển vào cấp cứu ở Bệnh viện Đà Nẵng. Người nhà nói có thể bà cụ không qua khỏi. Là đứa con duy nhất của bà, chị Hồng sang Mỹ diện con lai hơn 20 năm trước, nhưng bà cụ nhất định ở lại Đà Nẵng một mình.

Chị cứ thế đi đi về về. Rồi COVID-19 ập tới, mọi thứ xáo trộn. Hai mẹ con ngăn cách. Bà cụ gần 90 tuổi, không biết điện thoại thông minh là gì. Rồi lại người già trở bệnh, bà nhập viện. Chị Hồng muốn về với mẹ. Nhưng mọi thứ đã xáo trộn! Chị hi vọng vào chuyến bay đưa người Việt trở về của Vietnam Airlines.

Nếu thuận lợi, từ tiểu bang Georgia, chị phải bay sang California và đợi chuyển tiếp ở Los Angeles - nơi đang là tâm dịch của California. Nếu về được, chị phải cách ly 14 ngày ở Sài Gòn, sau đó mới ra Đà Nẵng. Mà không biết mẹ chị chờ được con gái bao nhiêu ngày. Chị vẫn muốn về với mẹ! Bẵng một thời gian dài, tôi nghĩ chị đã về được quê nhà.

Đột ngột đại dịch lại bùng lên ở Đà Nẵng. Quê nhà tôi lại xáo trộn như nơi tôi đang ở. Đứa em gái tất tả đùm con cái về quê Quảng Nam cách đâu bao xa Đà Nẵng. Cái quán ăn nhỏ vợ chồng nó làm vừa mở lại nay lại đóng. Thôi cứ về quê, gạo nhà rau ruộng. Người hàng xóm sát vách là bệnh nhân chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mấy năm nay bị cách ly. Nhưng không biết người thân có thoát được F2, F3 gì đó?

Chị Hồng cũng không về Việt Nam được. May trời thương cho mạ chị xuất viện trước đó khá lâu. Thôi nghe cũng mừng. Mừng vì trong mớ hỗn độn của những xáo trộn lan rộng từ nước này sang nước khác, biết người quen còn yên an là mừng. 

Bên kia, chẳng ai ngờ khúc ruột miền Trung oằn mình vì bão lũ của tôi là nơi đại dịch trở lại. Bên này, quận Cam tập trung đông đúc người Việt nhất xứ sở cờ hoa mỗi ngày có thêm hơn 500 ca nhiễm mới, chết vài chục người. Báo đài Việt ngữ ra rả con số chết chóc ám ảnh. 

Vậy mà nghe Việt Nam có những ca tử vong vì COVID-19 tim vẫn quặn thắt, lòng dạ toan lo như thể đang bên rào giậu cạnh nhà.

Phải thực tế nhìn nhận như Mỹ còn không đủ sức lực cởi cái dây trói virus cứ ngày càng dài ra và siết chặt. Hai tuần, rồi mười lăm tuần, giãn cách vẫn chưa kết thúc. Không ai chết vì đói, không ai ở California này thiếu ăn, kể cả những người nhập cư bất hợp pháp. 

Vô gia cư được vô khách sạn ở, người thất nghiệp có trợ cấp, trẻ em có phiếu ăn, người già được cung cấp thực phẩm miễn phí tận nhà. Nhưng mọi người ngơ ngác, bấn loạn khi nhu cầu giao tiếp xã hội, thói quen làm việc, đi ra ngoài gặp gỡ cộng đồng bị cái con virus làm đông cứng.

Mỗi ngày, tin tức chẳng tốt lành gì lại ập tới. Cái xứ Mỹ tự do cũng lắm lạ kỳ. Ra lệnh ở nhà, giãn cách phòng lây nhiễm cộng đồng. Vậy mà phản đối, biểu tình, giấy phép biểu tình vẫn được cấp. Cái cớ quá chính đáng, nhiều người ào ra đường mà không ai rõ mục đích của mình là gì. Chính phủ tranh luận trợ cấp tiếp hay dừng lại, bao nhiêu là vừa đủ. Việc mang khẩu trang hay không đơn giản quá cũng cãi nhau ầm ĩ. Thế mới lạ.

Không biết rồi sau này khi qua đại dịch, người ta sẽ nhìn lại như thế nào. Chứ bây giờ, cái mớ xáo trộn, hoang mang này bắt chúng ta phải tự lựa chọn. Như gia đình nhỏ của tôi, sau hai tháng "stay-at-home", chồng tôi bắt đầu cân nhắc ở nhà hay trở lại công việc. 

Ở nhà an toàn, tiền hỗ trợ thất nghiệp mỗi tuần cao. Đi làm, khả năng bị lây nhiễm là có, tiền lương lại thấp hơn ở nhà không làm gì cả. Bởi vậy, con số xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần tăng chóng mặt.

Trên các diễn đàn người Việt ở Mỹ cãi nhau chí chóe chuyện không làm, ăn thất nghiệp. Tôi cũng không dại gì bị mạng xã hội chửi hội đồng nên lẳng lặng kể ở đây, quyết định quay trở lại công việc. Bởi dịch bệnh chưa thôi hung bạo, virus vẫn đâu đó khắp nơi, nhưng mùa xuân hoa vẫn cứ bung đầy cành, sang mùa hè nắng vẫn rực rỡ trên lá. 

Vậy tại sao chúng ta cứ mãi co duỗi trong thảng thốt và đầy nghi hoặc?!

Rồi sẽ sớm an yên

Theo dự báo ở Mỹ thì phải đến hết năm 2020 mới có tín hiệu lạc quan về vắcxin phòng virus. Nhưng hãy cứ vững tin vào sức mạnh con người. Chắc rồi ngày mai tươi sáng sẽ tới. Tôi cũng tin là quê nhà Quảng Nam - Đà Nẵng rồi sẽ sớm yên an khi đại dịch đi qua.

Người Việt ở quận Cam những ngày này... - Ảnh 3.

Dân Mỹ chạy bộ ngoài công viên những ngày giãn cách - Ảnh: M.T

Tìm nguồn năng lượng tích cực

Thay vào đó thì tự tìm nguồn năng lượng tích cực để giải tỏa bớt căng thẳng cho riêng mình. Tôi dắt bọn trẻ con ra công viên hít khí trời trong trẻo. Vòm cây xanh rợp mát. Bọn trẻ con được vận động thể lực, tạo ra năng lượng tích cực, quên đi tiếng thở dài khi lướt ngang trường học cũ cổng đóng im lìm. Không ít người tản bộ cách nhau 2m, mang khẩu trang.

Tôi để ý người Việt thường đến bức tượng Đức thánh Trần (tượng thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) vái tay khấn niệm. Người Việt dù ở đâu, trong máu tủy vẫn có niềm tin vào tiền nhân của dân tộc.

Có khi chúng tôi ra biển, vẫn người qua kẻ lại. Có khi chúng tôi bày trò trong khu vườn nhỏ sau vườn. Học một bà mẹ khác, tôi cho bọn trẻ tìm đồ chơi được giấu mỗi chỗ khác nhau rồi gợi ý theo màu sắc cho chúng đi tìm. Nếu bạn vẫn ở nhà, hãy thử vào cuộc chơi cùng bọn trẻ con, bạn sẽ tìm thấy nguồn năng lượng tích cực chúng tạo ra cho bạn, thậm chí người lớn còn phải học bọn trẻ.

Đứa em nhỏ vô ý khóa cửa trong và mấy mẹ con không thể vào được. Tôi bắt đầu cáu vì đã tới giờ cơm nước. Đứa con gái 4 tuổi nói cần phải bình tĩnh, sẽ có ai đó giúp, việc của mình là kiên nhẫn. Tôi không biết nó học đâu ra từ "be patient", hỏi ngược lại vì sao, nó nói "bởi vì mẹ là một người mẹ" (you are a mom)! 

Đúng là phải kiên nhẫn đợi đến khi ba đi làm về mới có chìa khóa vào nhà. Bởi vì bạn là mẹ nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn phải bình tĩnh và kiên nhẫn. Trẻ con đã dạy người lớn như thế!

Bạn tôi, Vian Trần, bạn đồng niên người Đà Nẵng. Cô đang ở tiểu bang Texas có cộng đồng Việt đông thứ hai sau California, nơi đang có số người nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba tại Mỹ. Mỗi ngày, tiểu bang có vài chục ngàn người nhiễm mới. Vian làm mẹ đơn thân, cậu con trai 2 tuổi gửi childcare (chăm sóc trẻ) từ lúc mới sanh, mẹ cứ thế bươn ra đi làm.

Khi dịch bệnh tràn tới, Vian Trần ở nhà với con và năng lượng tích cực cô có được là "sau mùa dịch, mình chẳng cần thiết tha gì cái danh xưng kỹ sư mà không biết đã tốn bao nhiêu tiền của, nỗ lực mới có được. Giờ chỉ cần làm vừa đủ, dành thời gian cho con cái và những người thân của mình là đủ rồi" - Vian Trần tâm sự.

Kể từ đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở Việt Nam, tôi tham gia nhóm yoga online miễn phí qua Zoom của cô bạn thời đại học. Tưởng chỉ là lớp tạm thời qua mùa giãn cách, nhưng đến nay tròn 4 tháng lớp yoga online này vẫn đều đặn mỗi ngày từ 5h15 mỗi sáng (giờ Việt Nam) dành cho những ai yêu thích, muốn tập bộ môn này của cô giáo Lê Thị Hồng Liên.

Dịch bệnh tăng trở lại, California đóng cửa tiệm nail, hớt tóc ở một số quận Dịch bệnh tăng trở lại, California đóng cửa tiệm nail, hớt tóc ở một số quận

TTO - Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, ngày 13-7 thông báo áp đặt trở lại một số lệnh cấm đã được nới lỏng trước đó do số ca bệnh COVID-19 tăng.

MỸ TRÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp