Ông Quoc Nguyen, anh trai của nạn nhân Tommy Le, phát biểu tại một sự kiện của cộng đồng người Việt ở Seattle hồi tháng 7 - Ảnh: LA Times
Trên nhiều khía cạnh, đó là một câu chuyện quen thuộc ở Mỹ.
Ngày 13-6-2017, vài người hàng xóm ở một khu ngoại ô thành phố Seattle gọi 911 báo một người đàn ông đang có hành vi đe dọa bằng vũ khí trên đường vào lúc trời tối.
Cảnh sát xuất hiện. Họ nghĩ họ trông thấy một con dao và yêu cầu người đàn ông bỏ nó xuống đất. Họ nói anh ta không nghe và cứ tiến về phía cảnh sát.
Một sĩ quan khai hỏa khẩu súng điện, rồi đến súng ngắn. Viên đạn cắm vào lưng người đàn ông, giết chết anh ta. Đó là một thanh niên 20 tuổi có nước da rám nắng, cao 1,62m, nặng 55kg.
Thay đổi
Điều khác biệt của câu chuyện là cái chết của anh Tommy Le, một người gốc Việt, xảy ra trong lặng lẽ. Không có video lan truyền, không biểu tình, không bắt bớ - những cảnh tượng thường thấy ở Mỹ nếu một người da đen nào nó bị cảnh sát bắn chết.
Ban đầu mọi thứ chỉ là nỗi buồn đau của một gia đình. Bố mẹ anh Tommy Le là những người nhập cư từ Việt Nam, và theo truyền thống, gia đình dành ra 49 ngày để tụng kinh cho con. Họ ít nói chuyện với cánh nhà báo xuất hiện trước cửa nhà hay các nhà hoạt động muốn làm lớn vụ việc.
"Nhiều người nhập cư và tị nạn trong cộng đồng chúng tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện chống đối hoặc thách thức nhà chức trách. Họ quan tâm hơn đến kế sinh nhai, và trên hết là sự biết ơn đối với một quê hương mới. Các phong trào quốc gia phản đối cảnh sát bắn người thật sự là mới mẻ đối với người Việt" - anh Jefferey Vu, kỹ sư hãng Boeing làm việc chung với một người bà con của anh Tommy Le, giải thích với báo Los Angeles Times.
Nhưng gần 4 tháng sau, một sự "thức tỉnh" đang xuất hiện trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Seattle. Các nhà hoạt động xã hội gốc Việt bắt đầu lên tiếng kêu gọi bang Washington dứt khoát xử lý lực lượng cảnh sát trong các vụ bắn người, yêu cầu cảnh sát phải mang camera trên người khi thực hiện nhiệm vụ...
Gia đình anh Tommy Le cũng không còn im lặng. "Tôi muốn công lý. Tôi tin vào chính quyền... Nhưng sự oán giận của tôi đối với cảnh sát thật sự rất lớn khi tôi nghe tin con trai bị giết" - ông Hoai Le, cha anh Tommy, bày tỏ.
Bố mẹ anh Tommy Le trong đám cúng 49 ngày của con trai hồi tháng 8 - Ảnh: LA Times
Ngày bi kịch
Anh Tommy Le là em út trong một gia đình gốc Việt có 6 người con ở Burien, thành phố ngoại ô cách Seattle khoảng 30 phút chạy xe. Thích đọc sách và chơi cờ, chàng thanh niên mơ trở thành một nhà khoa học, thợ hàn hoặc lính cứu hỏa, theo báo LA Times.
Cách đây vài tháng, Tommy nói với cha anh muốn sống tự lập và dọn ra một căn nhà chung với những người bạn trên cùng con đường. Ngoài giờ, anh đi làm thêm trong một sòng bài.
Buổi trưa ngày 13-6, Tommy vượt qua bài thi cuối cùng môn lịch sử và ra về trong tâm trạng phấn khởi, chuẩn bị cho buổi lễ tốt nghiệp ngày hôm sau. Anh chỉ không biết rằng 10 giờ sau, anh sẽ chết.
Văn phòng cảnh sát trưởng quận King cho biết họ nhận được một cuộc gọi 911 vào đêm đó, báo rằng một người đàn ông châu Á cầm dao đang rượt đuổi người trên đường phố Burien và la lên anh ta là "đấng sáng tạo".
Chủ một ngôi nhà ở hiện trường bắn phát một súng cảnh cáo xuống mặt đất để dọa người đàn ông rồi chạy vào nhà đóng cửa. Báo cáo của cảnh sát mô tả anh Tommy bắt đầu dùng dao đâm vào cửa nhà người đàn ông đó.
Khi 3 cảnh sát xuất hiện, họ nói anh Tommy từ chối buông vật thể trong tay xuống đất, buộc họ phải bắn hai phát súng điện. Anh này "xông về phía cảnh sát" trước khi một sĩ quan bắn một phát súng ngắn. Được chở nhập viện, anh Tommy Le qua đời vào ngày hôm sau.
Hơn một tuần sau, cảnh sát thay đổi báo cáo, mô tả lại vật thể anh Tommy cầm trong tay khi họ xuất hiện là một cây viết, không phải là dao. Nhà chức trách cho rằng anh này đã giấu dao ở nhà, vốn cách đó chỉ vài căn, trước khi họ đến nhưng chưa trưng ra bằng chứng cụ thể.
Ngoài ra, anh Tommy Le bị bắn tổng cộng 3 phát súng, không phải chỉ 1.
Cảnh sát phải là bạn của dân
Cái chết của anh Tommy Le chỉ là một trong vài trường hợp cảnh sát nổ súng gây chết người ở khu vực Seattle mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, trường hợp của hai người da đen - một phụ nữ 30 tuổi và một sinh viên 20 tuổi - nhận được nhiều sự chú ý hơn.
Cái chết của họ dẫn đến các cuộc biểu tình điển hình cho phong trào Black Lives Matter, nhấn mạnh vào sự phân biệt chủng tộc trong cách đối xử của cảnh sát đối với dân.
Ngược lại, cái chết của anh Tommy Le dẫn đến một phong trào phản đối được truyền thông Mỹ mô tả là "ít ồn ào hơn", tiêu biểu cho nét văn hóa của người nhập cư Việt Nam.
Theo báo LA Times, các nhà hoạt động gốc Việt mới xuất hiện, trong đó có kỹ sư, chính trị gia, chủ nhà hàng..., muốn biến sự giận dữ của họ thành những thay đổi trong chính sách về nhập cư và quyền dân sự ở bang Washington.
Chẳng hạn, ông Tuan Nguyen, 81 tuổi, kêu gọi cải thiện mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân. "Tôi rất phiền lòng khi chứng kiến cái cách lực lượng cảnh sát bị quân sự hóa trên khắp nước Mỹ. Nghĩa vụ trước tiên và trên hết của một sĩ quan đó là làm bạn với dân" - ông nhấn mạnh.
Gần đây, các nhà hoạt động Việt Nam đã đạt được một cột mốc thắng lợi: Dẫn trường hợp của anh Tommy Le, Hội đồng quận King hồi tháng 9 đã bỏ phiếu nhất trí yêu cầu Văn phòng cảnh sát trưởng đào tạo lại toàn bộ sĩ quan về thái độ làm việc và chuyên môn.
Hiện tại, trong khi chờ kết quả điều tra từ cảnh sát, gia đình anh Tommy Le đã chuẩn bị hồ sơ kiện quận King yêu cầu bồi thường 20 triệu USD vì cái chết của con trai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận