Hiện trường vụ tai nạn giao thông do tài xế uống bia vẫn lái xe đụng chết chị công nhân vệ sinh trên đường Láng, Hà Nội tối 22-4 - Ảnh: CHÍ TUỆ
Trong khi đó, chỉ cần uống 2 lon bia hoặc 2 ly rượu vang và lái xe, nguy cơ gây tai nạn tăng gấp 40 lần. Tuy nhiên, dự thảo mới của Luật Phòng chống tác hại rượu bia dự kiến trình Quốc hội vào ngày 23-5 đang bị đánh giá là "yếu đi" so với những dự thảo ban đầu.
Hội thảo xung quanh dự luật này được Bộ Y tế tổ chức chiều 6-5 vì thế rất sôi nổi.
Thiệt hại 450 USD/người/năm
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh - phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, thiệt hại liên quan đến rượu bia gồm 1/3 là các thiệt hại trực tiếp, 2/3 là các thiệt hại gián tiếp. Với chi tiêu cho rượu bia khoảng 5 tỉ USD/năm, theo bà Hạnh, các thiệt hại xung quanh rượu bia lên tới mức 450 USD/người/năm. Thiệt hại ở mức cao như vậy là tương đương với những quốc gia có thu nhập bình quân gấp 10 lần Việt Nam.
"Có ý kiến lo ngại nếu hạn chế rượu bia sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách, nhưng các tính toán cho thấy riêng thiệt hại do tai nạn giao thông đã lên tới 1 tỉ USD/năm, trong khi các công ty rượu bia chỉ đóng thuế khoảng 1,2 tỉ USD. Đặc biệt rượu bia còn liên quan vô số hệ lụy về kinh tế, trật tự xã hội, bạo lực gia đình và tổn thất sức lao động, bất bình đẳng xã hội và môi trường" - bà Hạnh phân tích.
Chiều 6-5, lại có thêm một vụ tai nạn liên quan đến rượu bia xảy ra ở Hà Nội. Lái xe đã bỏ trốn sau đó. Đây là vụ tai nạn thứ 4 liên quan đến rượu bia được truyền thông công bố trong khoảng 15 ngày qua tại Hà Nội, 3/4 vụ có thương vong (làm chết 3 người gồm một nhân viên vệ sinh, một giáo viên, một nhân viên phục trang của Nhà hát kịch Việt Nam và làm bị thương một tài xế xe ôm). Vụ tai nạn mới nhất chiều 6-5 đã gây tổn thất kinh tế do cày nát hàng chục xe máy.
Theo bà Trần Thị Trang - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khảo sát 100 bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vào Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, có xấp xỉ 60% ở lứa tuổi 15-29, 24% ở lứa tuổi 30-44, một tỉ lệ rất cao là không sống được thêm quá 30 phút tính từ khi vào viện. Những ảnh hưởng liên quan đến rượu bia đang ngày càng trầm trọng.
Hình ảnh hàng chục chiếc xe máy bẹp dúm sau khi bị xe tông hôm 6-5, lái xe cũng liên quan đến rượu bia - Ảnh: Đ.N.Q.
Nỗi lo dự luật yếu đi...
Ảnh hưởng của rượu bia, như phân tích tại hội thảo, là ngày càng nghiêm trọng, nhưng theo ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo dự luật phòng chống tác hại rượu bia, thì dự luật này lại ngày càng yếu đi.
Cụ thể, so với các dự thảo trước đó, dự thảo mới nhất cho phép bán rượu bia trên Internet mà không quy định về nồng độ cồn là rất dễ gây hệ lụy. Cụ thể, hạn chế giới trẻ tiếp cận bia rượu rất khó khăn do mua bán trên mạng khó kiểm tra độ tuổi.
Thứ hai, dự thảo mới không quy định về mức thuế thu thêm đối với rượu bia, do đó giá rượu bia ở Việt Nam vẫn ở mức rẻ nhất thế giới. Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, tại hội thảo, giá bia ở Việt Nam còn rẻ hơn ở Lào khoảng 5.000-10.000 đồng/chai. So với Thái Lan đang thu thuế ở mức 85% giá bán lẻ, Việt Nam chỉ thu thuế bằng 35% giá bán lẻ là mức thuế rất thấp.
Thứ ba, các quy định về hạn chế mức độ sẵn có của rượu bia đã được loại khỏi dự luật. Theo ông Quang, ở nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Mỹ... không thể mua rượu bia vào những giờ cấm bán, ngoại trừ việc mua sẵn về sử dụng, nhưng ở Việt Nam không quy định giờ cấm bán rượu bia thì mua lúc nào cũng được.
Thứ tư, mức phạt đưa ra rất nhẹ đối với người sử dụng rượu bia tham gia giao thông. "Nếu không bổ sung quy định xử phạt người sử dụng rượu bia tham gia giao thông ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia thì những quy định hiện hành trong Luật Giao thông đường bộ là quá nhẹ, cần phải tăng nặng mức phạt lên, ví dụ như thu hồi bằng lái xe vĩnh viễn, phạt tù người uống rượu bia và tham gia giao thông ngay khi phát hiện và chưa gây tai nạn..."- ông Quang đề xuất.
"Nếu luật được thông qua trong kỳ họp này thì đã tròn 14 năm kể từ khi có ý tưởng xây dựng luật, nhưng nếu có luật mà tác động yếu thì nguy cơ từ rượu bia vẫn còn nhiều" - bà Hạnh lo lắng nói.
Nguyên nhân hàng đầu tăng tai nạn giao thông
- Rượu bia "góp mặt" trong 70% số vụ phạm pháp hình sự ở nhóm dưới 30 tuổi.
- Là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới 15-49 tuổi. Mỗi năm Việt Nam có 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, 4.800 người trong đó có liên quan đến rượu bia. Dịp Tết Kỷ Hợi vừa qua có 60% trong số 500 ca cấp cứu nhập viện liên quan đến rượu bia.
- Gần 14% hộ gia đình có người sử dụng rượu bia không đủ sức lao động.
- Khảo sát ở 9 quốc gia Đông Nam Á cho thấy VN bị tác hại do bia rượu nhiều nhất.
Về thiệt hại tài chính: ước tính thiệt hại kinh tế do rượu bia chiếm 1,3 - 12% GDP. Tại Việt Nam nếu tính theo mức thấp của thế giới, thiệt hại liên quan đến rượu bia khoảng 65.000 tỉ đồng/năm.
(Nguồn: Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận