15/04/2019 08:01 GMT+7

Người Việt ngày càng hung hăng do môi trường họ đang sống

LƯU ĐÌNH LONG ghi
LƯU ĐÌNH LONG ghi

TTO - Người Việt không hung hăng nhưng có biểu hiện hung hăng gần đây. Trước khi nói tại sao người Việt ngày càng hung hăng, cần nhìn nhận rằng con người ai cũng có bản tính hung hăng khi họ gặp sự chống đối và cần phản kháng để bảo vệ mình.

Tiếp tục diễn đàn "Người Việt có hung dữ không?", Tuổi Trẻ Online giới thiệu thêm các ý kiến sau đây và mong nhận thêm nhiều ý kiến tranh luận khác của các bạn.

Bà Trần Xuân Quyên (giám đốc tư vấn đào tạo ẩm thực, TP.HCM): Cho nhau nụ cười, sự bao dung, tha thứ

hinh 2

Bà Trần Xuân Quyên

Theo quan sát của tôi, có 3 đối tượng luôn bộc lộ sự hung hăng cao độ.

Một là quan chức, người có quyền hành, hai là người có nhiều tiền. Khi gặp chuyện bất như ý, chẳng hạn chỉ va quẹt giao thông nhẹ, thay vì cho qua thì họ có quyền, có tiền nên sẵn sàng doạ nạt, thậm chí đánh nhau. 

Ba là những người ít học, thiếu hiểu biết, trong môi trường sống không tìm được sự công minh nên nghĩ rằng nắm đấm và sức mạnh có thể giải quyết vấn đề. Chuyện này gặp nhiều ở các quán nhậu và khu lao động.

"Một điều nhịn chín điều lành" là câu răn dạy rất sâu sắc. Theo đó, đứng trước một sự việc, ta cần suy xét thấu đáo để tránh gây ra thiệt hại, nhịn để tránh những phiền phức không đáng có làm mất công sức và tiền bạc, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ trong gia đình, bạn bè và xã hội.

Chữ "nhịn" rất đa nghĩa. Ta nhịn để kiểm soát cảm xúc tốt hơn, để ứng xử văn minh hơn. Ta không nhịn khi liên tục bị ức hiếp, khi chứng kiến sự bất công hay hành động gây tổn hại, những việc trái luân thường đạo lý.

Ứng dụng điều đó, tôi luôn cố gắng giải quyết dung hoà nhất, lấy nhu thắng cương, hoà nhã nhẹ nhàng trong mọi vấn đề, chấp nhận chịu thiệt thòi cho bản thân trước... Hung hăng chỉ gây thiệt hại cho bản thân, cho gia đình và xã hội, gia tăng bạo lực, sự tàn ác. Cho nhau nụ cười, sự bao dung, tha thứ thì mọi việc sẽ tốt đẹp hơn.

TS Trần Ánh Dương (ĐH Munich, Đức): Người Việt ở nước ngoài hiền hòa

anh duong

TS Trần Ánh Dương

Nhiều năm đi học và công tác ở Hàn Quốc, Mỹ, Đức…, tôi gặp nhiều người ở các nơi và cả người Việt tha hương.

Có thể do người Việt ở nước ngoài chủ yếu đi học, đi làm nên luôn nỗ lực và hóa giải khó khăn bằng sự kiên nhẫn. Vì thế không thấy có chuyện hung hăng, nhờ vậy thành công hơn.

Ở một số nước, có những vụ khủng bố, đánh bom liều chết, theo tôi đó mới là hung hăng. Còn người Việt phản ứng trong giao tiếp thường ngày vẫn nhu hòa và nếu có hiện tượng đánh nhau như dạo gần đây thì chỉ là những kẻ "anh hùng rơm", cần điều chỉnh cách ứng xử đó bằng giáo dục, dư luận cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.

Nhìn xa hơn, sự khoan dung của người Việt rất lớn. Ngay cả kẻ thù xâm lược mà khi họ làm hòa, muốn hợp tác ta cũng sẵn lòng gác lại quá khứ, cho thấy tính thiện của dân tộc Việt.

Con người thuộc một dân tộc như vậy thì không thể hung hăng được. Thiết nghĩ, thế hệ ngày nay cần lấy tinh thần đó của cha ông để sống!

Đại đức Thích Đồng Tâm (giảng viên Học viện Phật giáo Quốc tế Sri Lanka): Sống hòa nhã cho chính mình

hinh 1

Đại đức Thích Đồng Tâm

Người Sri Lanka cử xử hòa nhã, nhỏ nhẹ, nói năng và hành xử vô cùng lịch sự, nhẹ nhàng. Suốt 5 năm du học tại Sri Lanka tôi chỉ thấy vài lần người dân to tiếng cãi vã.

Trên phương tiện công cộng, mọi người luôn giữ im lặng và rất ít nói năng, nghe điện thoại cũng cố nhỏ tiếng. Trên đường nếu có xảy ra va chạm thì người ta chỉ giơ tay phải ra về phía người phạm lỗi ngụ ý "anh có lỗi nhé!", và người phạm lỗi chỉ im lặng nhận lỗi.

Kẹt xe thì họ vẫn kiên nhẫn chờ chứ không bóp còi thúc giục. Người đi bộ là ưu tiên số một, nếu thấy một người đi bộ băng qua đường phía trước thì tất cả các phương tiện sẽ dừng lại nhường đường cách đó 4-5m.

Sở dĩ người Sri Lanka hiền lành, hoà nhã là do thấm nhuần đạo đức Phật giáo. Năm giới là nền tảng đạo đức của xã hội, mọi người luôn cố gắng sống tốt và tránh tối đa cãi vã, bạo lực, thực hiện bố thí, giúp đỡ nhau như một cách tích luỹ công đức lành.

Giáo lý nhà Phật dạy rất nhiều về cách chuyển hoá giận hờn và bạo động bằng cách nuôi dưỡng lòng từ bi, hỉ xả, thực tập bố thí và giúp đỡ mọi người, thực tập thiền để chuyển hoá bạo động trong tâm.

Bên cạnh đó, Phật giáo đề cao chánh niệm trong việc tiêu thụ, tránh những loại thức ăn, văn hoá phẩm chứa nhiều bạo động, giận hờn khiến năng lượng bạo lực trong tâm chúng ta tăng trưởng.

Người Việt có hung dữ không?

TTO - Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị im lặng, cúi đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi nói: "Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng: người Việt của bạn là những người hung dữ".

LƯU ĐÌNH LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp