Một buổi sinh hoạt vui nhộn của CLB robotics, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Đức Thiện |
Thứ hai hằng tuần luôn là ngày được học sinh lớp 6A5 Trường phổ thông liên cấp Wellspring (Hà Nội) mong chờ nhất, bởi các em sẽ có hai giờ học đầy sôi động ở một môn học mới mẻ: robotics.
Từ học sinh...
Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Công Hiếu, các cô cậu học trò hào hứng tranh luận về chủ đề thầy giáo đã đưa ra trong giờ học.
Cả lớp được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 2 - 3 học sinh. Mỗi nhóm sẽ có một máy tính để phục vụ việc lập trình và một bộ robot để thử sức sáng tạo.
Để kết nối vào buổi học, buổi này các học sinh sẽ lắp ráp robot hoàn thiện, có tên là Baby robot. Một buổi học sẽ được triển khai theo bốn bước của phương pháp 4C (connect, construct, contemplate, continue): Bước 1, học sinh xem clip vui về sự ra đời của một chú robot
Bước 2, học sinh xây dựng, lắp ráp robot trước khi chuyển sang bước 3 là các em liên tưởng những biểu hiện của một em bé mới chào đời như khóc, biểu thị cảm xúc để lập trình tương ứng cho robot. Giáo viên hướng dẫn các em tìm hiểu phần mềm lập trình, các câu lệnh liên quan và lập trình cho Baby robot phát ra âm thanh, hiển thị lên màn hình.
Cuối cùng là đến bước 4 - dựa vào robot đã lắp, các khối lệnh đã được giới thiệu, học sinh kết hợp với nhau để tạo thành các hoạt động ngộ nghĩnh cho robot. Sau một hồi ầm ĩ, một số nhóm đã có thể thống nhất ý tưởng để bắt tay vào lắp robot. Hai tiết học trôi qua nhanh, chuông reo mà nhiều cô cậu vẫn lưu luyến, chưa muốn chia tay em Baby robot của mình.
Còn mỗi buổi sinh hoạt của CLB robotics, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thu hút khoảng 30 bạn học sinh, sinh viên tham gia. Bài học của buổi cuối khóa có chủ đề là “Robot của tương lai”. Các học viên chia thành tám đội thiết kế, lắp ghép robot để mô phỏng võ sĩ sumo thi đấu với nhau. Kết thúc khóa học, học viên được trao chứng nhận hoàn thành “Lập trình sáng tạo robot”.
Thầy Cao Xuân Nam, phụ trách CLB robotics, cho biết mỗi khóa học CLB tuyển khoảng 50% học sinh THPT và 50% sinh viên (năm 1 và năm 2). Mỗi buổi sinh hoạt sẽ có một chủ đích rõ ràng kiểu như hoàn thành một dự án. Ở những buổi trước, các học viên thực hiện làm robot kỹ sư, robot tìm đường và robot tư duy.
“Khóa học giúp các em có tư duy logic về lập trình, cũng như khơi gợi sự sáng tạo qua các mô hình thiết kế và ý tưởng. Các em học sinh phổ thông thể hiện sự sáng tạo và nhanh nhạy nhiều khi hơn cả các anh chị sinh viên. Chỉ cần được tạo điều kiện, các em sẽ phát huy rất nhanh năng lực của mình” - đó là nhận xét của thầy Nam về tiềm năng của các học viên tham gia khóa học.
Dù chỉ mới thành lập hồi tháng 6-2015 nhưng CLB đã mở được hai khóa đào tạo và trình bày nhiều buổi hội thảo về lập trình sáng tạo robot, thu hút hàng trăm lượt học sinh của các trường THPT trong TP tham gia như: Chuyên Lê Hồng Phong, Phổ thông năng khiếu. Học viên của CLB cũng vừa đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng robot TP.HCM 2015 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, và được chọn tham dự cuộc thi World Robot Olympiad diễn ra vào tháng 11-2015 tại Qatar.
Đến nghiên cứu trong trường ĐH
Ngoài Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), phong trào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo robot ở các trường học khác diễn ra rất sôi nổi. Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Lạc Hồng... là những nơi có phong trào sáng tạo robot rất mạnh với nhiều hoạt động liên tục diễn ra.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc thi về sáng tạo robot từ cấp trường đến cấp TP thường xuyên được tổ chức. Nhiều robot do các bạn trẻ là học sinh, sinh viên tạo ra đã có tính ứng dụng thực tiễn rất cao.
Chẳng hạn tại Liên hoan sáng tạo trẻ lần 5 (tháng 11-2014), người tham dự đã được tận mắt chứng kiến rất nhiều sản phẩm như: robot thu thập dữ liệu, robot điều khiển từ xa của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM; robot vẽ tranh, robot nhảy nhót của ĐH Sư phạm kỹ thuật; robot vận chuyển thức ăn trong nhà hàng của ĐH Tôn Đức Thắng...
Trong đó, điểm nhấn thể hiện khả năng nghiên cứu, sáng chế robot của giới trẻ Việt Nam chính là cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương (ABU). Với năm lần vô địch kể từ năm 2002 đến nay, trong đó có hai năm liên tiếp gần đây là 2014 và 2015 đã cho thấy khả năng sáng tạo của người trẻ Việt Nam không hề thua kém ai trên thế giới.
Thuộc một đơn vị có nhiều đề tài về robot, TS Nguyễn Tiến Đông - phó viện trưởng Viện cơ khí (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) giới thiệu với chúng tôi hai nghiên cứu mới nhất là robot hàn và robot thiết bị y tế, hỗ trợ tập khuỷu tay và khớp vai cho người bị chấn thương.
Trong đó, qua một năm triển khai thiết bị y tế sử dụng công nghệ robot đã có kết quả bước đầu: là mô hình có thể hỗ trợ người chấn thương tập khuỷu tay và khớp vai, trong quá trình trị liệu phục hồi sau phẫu thuật. Theo TS Đông, xuất phát từ hai mục tiêu mong muốn sinh viên có đề tài nghiên cứu và có ứng dụng trong thực tế đời sống, các thầy trong Viện cơ khí đã tìm kiếm đề tài từ chính thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều đề tài tương tự mà các nhóm nghiên cứu robot của viện đã triển khai, quá trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm của robot thiết bị y tế đang phụ thuộc nhiều vào kinh phí. Với giới hạn là nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học trong trường ĐH quá hạn hẹp, nên nhóm nghiên cứu chưa thể phát triển sản phẩm một cách triệt để. “Điều chúng tôi cảm thấy hài lòng nhất về những nghiên cứu của viện là đã liên tục có các đề tài để thu hút, tạo cơ hội cho sinh viên từ năm thứ nhất tham gia” - TS Đông nhìn nhận.
Đưa robotics vào trường học Với trang thiết bị tốn kém, cần đầu tư nhiều cho chương trình và giáo viên..., nên tuy đã có những trường phổ thông đi đầu trong việc đưa robotics vào chương trình học chính khóa, nhưng đây vẫn chưa thể là một nội dung mà các trường phổ thông công lập có thể triển khai đại trà. Hiện nay, nhiều trường học ở Hà Nội đã áp dụng mô hình phối hợp với một số đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ phần trang bị, lẫn chương trình, tập huấn cho giáo viên (hoặc thậm chí cung cấp trọn gói cả giáo viên) để đưa một số nội dung STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học) và robotics vào các trường cho học sinh làm quen. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận