19/05/2020 12:35 GMT+7

Người Việt làm nail ở Mỹ trong đại dịch: Tương lai xa tít, bất ổn rất gần

HOÀI LÊ (từ Mỹ)
HOÀI LÊ (từ Mỹ)

TTO - Làm nail (làm móng) là một nghề khá thịnh hành ở Mỹ và không thể phủ nhận sự khéo léo, tính cần cù của người Việt đã làm cho nghề này phát triển mạnh không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước châu Âu.

Người Việt làm nail ở Mỹ trong đại dịch: Tương lai xa tít, bất ổn rất gần - Ảnh 1.

Thợ nail phục vụ khách ở Austin, Texas, sau khi bang này dần mở cửa kinh tế trở lại - Ảnh: Reuters

Cũng chính từ nghề làm đẹp cho tay chân này đã giúp rất nhiều gia đình Việt đủ sống và sống khá ở đất nước thứ hai của họ. Nhưng đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn tất cả và mang lại nhiều dự báo bất ổn cho nghề này hậu dịch bệnh.

Đảo lộn từ tháng thứ 2

Cộng đồng làm nail ở Mỹ, đặc biệt là ở bang California, đang bức xúc trước phát ngôn không kiểm chứng của ông thống đốc bang California Gavin Newsom rằng ca lây nhiễm virus corona đầu tiên trong cộng đồng ở bang này xuất phát tại một tiệm nail. Ngay lập tức, tin tiêu cực này khiến nghề nail bị mặc nhiên coi là một nghề nguy hiểm.

Thống đốc Gavin Newsom cho biết các cửa hàng như tiệm hớt tóc, làm đẹp, làm nail sẽ không được hoạt động lại cho tới giai đoạn 3 trong kế hoạch mở cửa lại của bang này. California đang thực hiện mở cửa giai đoạn 2/4 giai đoạn từ ngày 8-5.

Tại Illinois, theo thông báo của chính quyền địa phương, bang hiện nay có gần 1.000 tiệm làm nail, phần lớn do người Việt làm chủ. Ngày thường, các tiệm nail đã đóng góp một phần không nhỏ cho gói ngân sách từ thuế của tiểu bang này. 

Tính chung, các tiệm nail cũng là nơi giải quyết công ăn việc làm cho gần 100.000 lao động và đương nhiên là với cả trăm ngàn gia đình thì tiền ăn, tiền học, tiền nhà và hàng chục khoản chi phí khác phụ thuộc vào người thợ làm nail.

Đại dịch ập đến, tiệm nail là cơ sở đầu tiên bị đóng cửa. Trên thực tế, rất ít tiệm nail và thợ làm nail đóng thuế theo W2 (trả lương theo hình thức nhân viên) để được nhận lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp. Phần lớn đều khai thuế theo mẫu 1099 (hình thức thuế khoán). Có nghĩa là những nhân viên được khai theo mẫu 1099 sẽ không được hưởng bảo trợ thất nghiệp.

Sau khi tiệm đóng cửa, nghỉ làm, tất cả mọi chi phí sinh hoạt chỉ còn trông cậy vào khoản tiền 1.200 USD trong gói hỗ trợ của chính phủ. Tháng đầu tiên "được ở nhà", có chút tiền để dành cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, cuộc sống xem ra ấm áp không khí gia đình.

Nhưng bước vào tháng thứ hai, các khoản chi ra dường như vẫn đều đặn trong khi không hề có nguồn thu nào khác. Ngay lập tức, cuộc sống chính thức bị đảo lộn.

Mong ngày đi làm lại

Theo thông báo từ IDES (tạm dịch: Sở An toàn công ăn việc làm tiểu bang Illinois), ngày 11-5, lần đầu tiên IDES bắt đầu cứu xét đến các trường hợp khai theo mẫu 1099. Theo số liệu của chính quyền, đến thời điểm này toàn bang có khoảng 1 triệu người thất nghiệp.

Nếu trả đủ tiền trợ cấp thất nghiệp cho số lượng này, ngân sách bang mỗi tháng chi ra tối thiểu 800 triệu USD. Trong khi đó, quỹ thất nghiệp của tiểu bang còn chưa tới 1,5 tỉ USD. So sánh để thấy việc bang Illinois chi đủ tiền trợ cấp cho người thợ nail bị buộc phải ở nhà vì đại dịch giống như bịt mắt đi trên cầu thăng bằng.

Không thể trông cậy vào tiền thất nghiệp, cả chủ và thợ nail chỉ còn trông mong vào ngày mở cửa để được đi làm. Nhưng đi làm sau đại dịch sẽ không còn như ngày trước và đã khó càng thêm khốn. Để giữ an toàn cho cả khách và thợ, các chủ tiệm nail bắt buộc phải đầu tư tấm chắn ngăn giọt bắn mang virus (giá từ 70-100 USD) trên bàn làm việc của thợ và cả các ghế làm chân.

Dân làm nghề nail thường nói đùa nghề của mình là nghề "nhậu" alcohol và acetone bởi sự cần thiết của các dung dịch này với nghề. Nhưng hiện nay các sản phẩm này có giá trên trời bởi được sử dụng như một dung dịch kháng khuẩn rộng rãi trong cộng đồng.

Ngoài ra, theo lệnh giãn cách xã hội, các tiệm nail sẽ không được nhận khách tối đa như trước đây. Trong giai đoạn đầu được mở cửa, các tiệm nail chỉ được làm cho khách đã lấy hẹn và không quá 10 người trong tiệm (kể cả thợ và khách). Như vậy, với các tiệm nail gia đình (khoảng 6 bàn trở xuống) sẽ ổn, nhưng các tiệm "đại gia" từ 10 bàn trở lên coi như "héo hàng".

Chưa hết, những tiệm nail có thâm niên thì còn thoi thóp, nhưng những tiệm mới mở xem như khóc hết nước mắt. Nhiều ông bà chủ gom hết gia tài mở tiệm hòng đổi đời nay cận kề phá sản. Không có nguồn thu trong khi tiền thuê mặt bằng, tiền gas, tiền điện đóng đủ. Trước đây, tiệm lớn (từ 10 ghế trở lên) được gọi là đại gia, giờ theo quy định mới hạn chế có 5 khách, có mở cửa chắc cũng chỉ đủ trả tiền... thuê nhà.

Theo kế hoạch, dự báo khoảng 2-4 tuần nữa tiệm nail có thể được mở cửa (tùy từng khu vực). Nhưng với đà giảm rất chậm số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 như hiện nay, cũng chẳng có gì chắc chắn.

Nhiều dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi rất mạnh sau đại dịch, nhưng đối với câu cửa miệng của người làm nail bây giờ là "thời huy hoàng nay còn đâu". Tương lai xa tít, trong khi sự bất ổn lại đang ở rất gần.

Người Việt ở California bức xúc phát biểu "COVID-19 lây ở tiệm nail" của thống đốc Người Việt ở California bức xúc phát biểu 'COVID-19 lây ở tiệm nail' của thống đốc

TTO - Cộng đồng người Việt ở bang California, Mỹ đang rất lo ngại khi thống đốc Gavin Newsom nói ca lây nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng ở bang này xảy ra tại một tiệm nail.

HOÀI LÊ (từ Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp