Còn đối với không ít người, ăn nói lớn tiếng như một thói quen khó sửa.
Không khó để nhìn thấy điều này từ nhà hàng, quán ăn, trên máy bay, xe buýt… cho đến công sở, bệnh viện, bảo tàng…
Đến khu nội trú của các bệnh viện, tiếng nói cười, “tám chuyện” của thân nhân người bệnh mặc nhiên phá đi sự yên tĩnh cần có của nơi này.
Ngay cả những nơi thanh tịnh như chùa chiền, người đi cúng bái cũng không điều tiết được “âm lượng” giọng nói oang oang của mình.
Không thể phàn nàn chuyện đi dự tiệc, chúng ta tay bắt mặt mừng, hô hào chúc tụng nhau. Đó là những cử chỉ rất đẹp vì người Việt thường e dè khi một mình, còn khi tập trung thành nhóm thì chuyện trò rất hăng say, thân thiện. Điều đáng nói là việc thực khách hò hét, cười “tẹt ga”, đồng thanh hô khẩu hiệu cụng ly… lại như một chuyện đương nhiên ở các đám tiệc. Kết hợp với tiếng nhạc sống, tiếng MC thì có lẽ đó không còn là bữa tiệc ẩm thực mà là bữa tiệc âm thanh hỗn độn.
Người nước ngoài vẫn thường than phiền và gán cho người Việt một đặc điểm nhận dạng là cười nói to tiếng nơi công cộng. Điều này khiến du khách đến đất nước chúng ta khá khó chịu, ngay cả bản thân người Việt cũng không hề thoải mái về thói quen này.
Có một số bạn cho rằng ăn to nói lớn vốn là truyền thống văn hóa của Việt Nam. Vì đất nước chúng ta xuất thân từ nền nông nghiệp lúa nước, không thể cứ thì thầm nói chuyện với nhau được. Tôi không dám cho đó là một ý kiến bảo thủ, bởi không thể nào đem văn hóa của chúng ta so đọ với văn minh Tây phương một cách khập khiễng.
Nói năng điềm đạm không phải là đánh mất “uy thế” của mình, mà là cách gầy dựng một ấn tượng đẹp về giao tiếp trước người khác. Không phải không có nguyên do khi nhiều nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên qua cách sử dụng điện thoại. Người ta hay bông đùa là đừng để đầu dây bên kia kéo điện thoại xa nửa mét vẫn nghe thấy tiếng bạn!
Song từ xa xưa, ông cha ta cũng không quên căn dặn con cháu: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng nhẹ nhàng dễ nghe, Lời nói gói vàng, Nói ngọt lọt đến xương… Đủ biết lời nói quan trọng thế nào trong giao tế hằng ngày.
Vì thế, tôi nghĩ lên tiếng phê phán thói quen ăn nói lớn tiếng nơi công cộng của người Việt, kêu gọi cách trò chuyện nhỏ nhẹ, nền nã rõ ràng không phải là hành động “mất gốc”.
Và tôi cũng không dám nói “ăn to nói lớn” nơi công cộng là thói xấu. Điều đó chỉ không phù hợp nơi công cộng và trong một xã hội đang hướng đến sự văn minh.
Bạn muốn là một người Việt văn minh? Bạn muốn xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về đất nước mình, tại sao bạn không thay đổi từ một thói quen nhỏ nhất: điều chỉnh âm lượng giọng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận