Ngày 20-9, Bộ Y tế tổ chức hội thảo Sự cần thiết phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường vì lợi ích sức khỏe cộng đồng tại Hà Nội.
Tác động của thuế với sản phẩm có hại cho sức khỏe
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được lấy ý kiến bổ sung một số hàng hóa có tác hại đến sức khỏe, cụ thể như thuốc lá sợi, thuốc lào và các dạng thuốc khác; nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml...
Chia sẻ tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), khẳng định việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm có hại cho sức khỏe có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân. Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) lần này đã đưa các mặt hàng này vào. Đây là tín hiệu đáng mừng, bà Thủy nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, khẳng định ba sản phẩm thuốc lá, rượu bia và đồ uống có đường đang gây hại trực tiếp cho sức khỏe cũng như hệ lụy trong tương lai.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ra 11 loại ung thư và hàng loạt các bệnh mạn tính khác. Đặc biệt sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh.
"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên giải pháp này đang thực hiện rất thấp ở Việt Nam. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất, chỉ đứng sau Lào và Campuchia. Thái Lan là quốc gia có giá thuốc lá cao nhất", ông Lâm cho hay.
Ông Lâm dẫn chứng tỉ lệ đóng góp của các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá trong việc giảm số người hút thuốc tại Thái Lan trong đó có tới 61% do thuế, 22% cấm quảng cáo, khuyến mại, còn lại là những biện pháp cảnh báo sức khỏe và truyền thông khác.
Trong khi đó tại Việt Nam giá thuốc lá trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm. Còn giá thực của bia rượu giảm đáng kể trong khoảng 10 năm gần đây. Ông Lâm cho rằng việc tăng thuế hiện nay đang áp dụng không tác động đến buôn lậu thuốc lá, giảm tiêu thụ bia rượu tại Việt Nam.
Cần tăng thuế để thay đổi hành vi
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết phương pháp tính thuế hỗn hợp và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng.
Cần tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Với đồ uống có đường, dự thảo đưa ra mức thuế suất 10% trên giá bán ra của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, theo tính toán với mức thuế suất này chỉ làm tăng 5% giá bán lẻ. Mức tăng giá bán lẻ như vậy là không đáng kể, chưa đủ để tác động làm thay đổi hành vi tiêu dùng.
Ví dụ sản phẩm nước giải khát đang có giá 10.000 đồng/chai sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt có giá bán là 10.500 đồng/chai.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho hay WHO khuyến nghị cần tăng thuế với các sản phẩm có hại cho sức khỏe thường xuyên, sao cho mức tăng cao hơn mức tăng của lạm phát và mức tăng thu nhập. Theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế có tác động đáng kể để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Riêng với đồ uống có đường, Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ trình thuế đồ uống có đường để đạt mức thuế chiếm 20% giá bán lẻ (tức là tăng 40% giá bán ra của nhà sản xuất) theo khuyến nghị của WHO toàn cầu, để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Về lâu dài, nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng hoặc ngưỡng đường để khuyến khích sản phẩm giảm đường.
Dự kiến tháng 10 dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5-2025.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận