18/12/2016 19:05 GMT+7

Người Việt đọc khoảng 1 quyển sách mỗi năm

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đó là một trong những ý được ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chia sẻ tại Đường Sách TPHCM chiều 18-12.

"Những xu hướng xuất bản" là chương trình The Sofa cuối cùng khép lại năm 2016 - Ảnh: L.Điền

Sách giấy vẫn còn được tín nhiệm

Ông Trần Phương (Kho sách điện tử Alezaa) ghi nhận cách đây năm năm, từ những mạng phát hành lớn như Amazon đến các nhà xuất bản trong nước có cái nhìn lạc quan về sự phát triển của sách điện tử - eBook. Tuy nhiên, “đến nay đồ thị phát triển của loại hình sách này đã là đường nằm ngang”.

Đây là xu hướng chung của các thị trường sách. Ông Phương cho biết đến nay chỉ có ở Mỹ sách điện tử chiếm tỷ trọng 28% trong toàn thị trường quốc gia, còn ở Đông Nam Á, con số này chỉ mấp mé 3%, riêng Việt Nam eBook chỉ chiếm 0,5% thị trường sách.

Ông Lê Hoàng cho rằng xuất bản chính thức cung cấp cho người đọc độ khả tín của tác phẩm bởi có nơi chịu trách nhiệm về chất lượng nội dung. Còn ông Trần Phương cho rằng tự thân một bản thảo cũng như một kịch bản phim, nó rất cần biên tập và hoàn thiện các khâu sau đó để đến với độc giả.

Bên cạnh đó, việc xuất bản sách giấy ở Việt Nam đang có những tín hiệu lạc quan. Ông Lê Hoàng cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, ghi nhận từ hai hệ thống phát hành lớn nhất nước là Fahasa và Phương Nam cho thấy sách giấy bán ra tăng hơn 20%. 

Về số lượng bản sách in thì năm ngoái (2015) tăng 11% so với năm 2014 trước đó. “Như vậy, ngành xuất bản của chúng ta đang phát triển tốt”, ông Lê Hoàng nhận định.

Các thương hiệu sách tư nhân đang mạnh lên

Xu hướng xuất bản được mọi người chú ý là các công ty tư nhân sách ở ta sẽ nhiều hơn và mạnh lên. Điều này diễn ra song song với một loạt các nhà xuất bản đang gặp khó khăn và suy yếu.

Trong khi đó, khối các công ty sách tư nhân đang mạnh lên và hình thành những thương hiệu sách uy tín, tạo được độ tin cậy đối với bạn đọc, có vị trí trong cộng đồng bạn đọc Việt Nam hiện nay.

Ông Lê Hoàng nhắc lại chính cơ chế liên kết xuất bản đã tạo động lực để các công ty sách tư nhân lớn dần lên. Đến nay, những đơn vị làm sách này đã có năng lực như một nhà xuất bản thực thụ. 

Họ nhạy bén trong tìm kiếm bản thảo và đàm phán mua tác quyền, họ cũng có ý thức trong việc tìm kiếm dịch giả tốt cho từng chủng loại sách, cũng như chăm chút bản thảo, tổ chức hiệu đính các sách khảo cứu, và thực hiện các chương trình truyền thông để quảng bá sách một cách nghiêm túc.

“Phải công nhận là các công ty tư nhân khai thác đề tài tốt, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội, có những đầu sách tốt, chính là niềm hãnh diện cho ngành xuất bản nói chung”

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

Ông Lê Hoàng (phải) và ông Trần Phương cùng nhận định các công ty sách tư nhân sẽ còn lớn mạnh nữa - Ảnh: L.Điền
Ông Lê Hoàng (phải) và ông Trần Phương cùng nhận định các công ty sách tư nhân sẽ còn lớn mạnh nữa - Ảnh: L.Điền

Vấn đề đáng lo ngại là thói quen đọc sách của người Việt chưa cao. Có hai nguyên nhân dẫn đến thực trạng khó cải thiện này, là các ông bố bà mẹ ít chịu đọc sách cho con để hình thành thói quen cho con em từ bé; thứ hai là giáo dục của chúng ta không ổn: truyền đạt một chiều, dạy theo văn mẫu... trong khi các nước đã dùng phương pháp tương tác, sinh hoạt nhóm.. để dạy và học, trong đó chắc chắn các học sinh phải tìm đọc trong sách mới hoàn thành việc học.

Ông Lê Hoàng nêu con số sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Và nếu bỏ ra khỏi rổ sách của người dân hai loại sách này, số còn lại chia đều trên số dân đọc sách chỉ được khoảng 1 quyển/ người/ năm.

Ông Hoàng cũng đưa ra con số so sánh: một người Việt Nam chi 2 USD mỗi năm để mua sách; một người Trung Quốc chi 10 USD và ở các nước phát triển thì bình quân mỗi người chi 200 USD mua sách hằng năm

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp