18/10/2017 16:57 GMT+7

Người Việt chưa giàu đã già lại gánh nợ công quá lớn

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Ngưỡng nợ công 65% GDP đã thực sự bị phá vỡ nếu tính đúng, tính đủ. Thường thì các quốc gia giàu mới vay nợ nhiều, còn Việt Nam chưa giàu đã già mà lại gánh nợ lớn.

Người Việt chưa giàu đã già lại gánh nợ công quá lớn - Ảnh 1.

Nợ doanh nghiệp nhà nước không được tính vào nợ công của Việt Nam. Trong ảnh là một con tàu của Vinashin - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội thảo về thực trạng nợ công ở Việt Nam và các khuyến nghị chính sách, tổ chức ngày 18-10 tại Hà Nội.

Việt Nam nợ những ai?

Tiến sĩ Vũ Sĩ Cường, Học viện Tài chính, cho rằng từ năm 2011, nợ công tăng rất nhanh, mức tăng trung bình 5 năm qua là 18,4%, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đến năm 2016, nợ công của Việt Nam khoảng 64,3% GDP, sát ngưỡng cho phép của Quốc hội là 65% GDP.

Theo ông Cường, nợ công của Việt Nam tập trung chính vào 3 chủ nợ, trong đó vay Ngân hàng Thế giới với 274.200 tỉ đồng vào cuối năm 2015, tăng 11 lần so với năm 2001.

Chủ nợ thứ hai của Việt Nam là Ngân hàng Phát triển châu Á. Số tiền mà chính phủ vay của tổ chức này năm 2001 là 7.500 tỉ đồng, đến năm 2015 là 151.000 tỉ đồng.

Chủ nợ thứ ba là Nhật Bản. Số tiền mà Chính phủ vay của Nhật Bản tăng từ 35.900 tỉ đồng năm 2001 lên 243.900 tỉ đồng vào cuối năm 2015.

So với quy mô nợ tính trên GDP của Việt Nam và quốc tế, theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì nợ công ở Việt Nam cao hơn hầu hết tất cả các nước.

Người Việt chưa giàu đã già lại gánh nợ công quá lớn - Ảnh 2.

Nợ công của Việt Nam năm 2015 - Nguồn: Bản tin Nợ công số 5, Bộ Tài chính

Nợ công của Việt Nam có quá nhiều rủi ro

Thực tế, theo đánh giá của ông Cường, nợ công của Việt Nam có rất nhiều rủi ro gồm nghĩa vụ trả nợ chính phủ trên thu ngân sách là có xu hướng tăng cao.

Chính vì vậy, theo ông Cường, Việt Nam phải dùng kỹ thuật "đảo nợ", nghĩa là vay nợ mới để trả nợ cũ. Điều này có nghĩa ngân sách đã không đủ nguồn để trả nợ gốc.

"Thông thường các nước có nợ công cao là các nước giàu nhưng chúng ta lại rơi vào nghịch lý là nước có thu nhập trung bình. Dân số đang già quá nhanh, năng suất lao động bình quân thấp tạo ra nguy cơ chưa giàu đã già mà vay nợ nhiều. Trong khi đó, các nước ở trình độ phát triển như Việt Nam thì vay nợ rất thấp", ông Cường lo ngại.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng cần phải thực sự chấm dứt được sự tùy tiện, lỏng lẻo và các sơ hở để gây nên "núi nợ công".

"Thực tế, về chính sách thu, khi tăng sắc thuế này, thuế kia, phía Bộ Tài chính thường hay lý giải tăng theo thông lệ quốc tế. Nhưng thông lệ quốc tế về chi thì ít ai nói đến. Các nước quy định về chi hết sức chặt chẽ, chặt chẽ đến mức tàn nhẫn", ông Doanh nêu.

Do đó, theo ông Doanh, Việt Nam cần phải có tham khảo thông lệ quốc tế về chi ngân sách vì thực tế trong nhiều năm bội chi tăng cao, dẫn đến phải đi vay nợ để chi cho đầu tư phát triển.

"Chi thường xuyên lên đến 71%, chi trả nợ bằng 24,5% tổng chi ngân sách. Cộng hai khoản này lại thì chi đầu tư còn rất ít ỏi. Và chi đầu tư hoàn toàn dựa vào khoản vay, có lúc chi thường xuyên cũng phải đi vay. Đây là điều hết sức lo ngại", ông Doanh nói.

Người Việt chưa giàu đã già lại gánh nợ công quá lớn - Ảnh 3.

Thực trạng ngân sách Việt Nam 2010-2016: Tổng chi 2016 gấp đôi năm 2010 - Nguồn: Bộ Tài chính

Để nợ công tính theo thông lệ quốc tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề nghị cần phải tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công.

Theo ông Doanh, lý do là có nhiều khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ thì ngân sách đã phải đứng ra trả nợ thay.

"Nếu tính đúng tính đủ thì nợ công của Việt Nam đã vượt trần cho phép vì những khoản nợ như nợ xây dựng cơ bản thì vẫn thuộc phạm vi ngân sách thanh toán", ông Cường cho biết.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp