31/01/2017 12:05 GMT+7

Tòa Lãnh sự Việt ở Cầu Kho bí mật chống Pháp

TS HỒ TƯỜNG
TS HỒ TƯỜNG

TTO - Quận 1, TP.HCM ngày nay có 2 con đường mang tên là Nguyễn Thành Ý và Trần Doãn Khanh, tên 2 viên chánh, phó lãnh sự của triều đình nhà Nguyễn làm nhiệm vụ tại tòa Lãnh sự đặt trong vùng đất Cầu Kho.

Vị vua yêu nước Thành Thái (1879-1954 - đứng giữa, hàng đầu) và một số vị quan triều Nguyễn năm 1890 - Ảnh tư liệu

Sau khi hiệp ước 1874 ký kết giữa Pháp và triều đình Huế nhượng đứt 6 tỉnh Nam kỳ cho Pháp, triều đình Huế đặt Tòa Lãnh sự Đại Nam (quốc hiệu nước ta từ 1839-1945) tại Paris và Cầu Kho (Sài Gòn).

Tòa lãnh sự Đại Nam ở Cầu Kho có nhiệm vụ bênh vực quyền lợi cho người dân từ Bắc, Trung  vào mua bán trên đất Nam Kỳ thuộc địa. Gặp trường hợp phạm pháp, Tòa Lãnh sự được can dự vào để xem chính quyền Nam Kỳ có làm đúng pháp lý hay không.

Ngược lại, tàu thuyền người Pháp, Âu, Việt cư ngụ ở Nam Kỳ ra Trung, Bắc cần được chính quyền Nam Kỳ và Lãnh sự Đại Nam ở Cầu Kho kiểm nhận trước.

Cảng Cầu Kho khi Pháp mới chiếm Gia Định - Ảnh tư liệu

Nhà ngoại giao đầu tiên của Việt Nam chống Pháp ngay trên đất Cầu Kho

Tòa Lãnh sự Đại Nam đặt tại Cầu Kho từ gần cuối năm 1874 đến giữa năm 1883. Suốt thời gian khá này, chức vụ lãnh sự giao cho Nguyễn Thành Ý và có giai đoạn ngắn là Nguyễn Lập. Chức vụ phó Lãnh sự do Phan Khiêm Ích và sau là Trần Doãn Khanh.

Nguyễn Thành Ý người Quảng Nam, đậu cử nhân, từng làm quan ở Định Tường. Pháp đánh Sài Gòn vào lúc Nguyễn Thành Ý làm tri phủ, coi phủ Tân Bình (Sài Gòn, Chợ Lớn, Hóc Môn) nên am hiểu tình hình và quen thuộc nhiều nhân sĩ.

Một số nhân vật đang cộng tác với Pháp, như Tôn Thọ Tường, Tổng đốc Phương, Đốc phủ Trần Tử Ca đều là thuộc hạ nhỏ bé của Nguyễn Thành Ý lúc trước.

Khi đại đồn Chí Hòa thất thủ 1861, Nguyễn Thành Ý về miền Trung, giữ chức hải phòng ở Quảng Nam. Phan Khiêm Ích, quê ở Biên Hòa, đang giữ chức chủ sự bộ Binh.

Tòa Lãnh Sự Đại Nam hoạt động ngay sau khi ký hiệp ước Việt Pháp 1874, trụ sở đặt tại đường Dưới (đường Võ Văn Kiệt ngày nay), vào khoảng góc đường Đề Thám hiện nay (P. Cô Giang, Q.1, TP.HCM).

Đó là một tòa nhà trệt, khang trang, có nơi cho quân hầu trú ngụ, có chuồng ngựa. Khi ra ngoài, người của Tòa Lãnh sự dùng xe song mã, phương tiện sang trọng nhất bấy giờ.

Về mặt nổi, tháng 12-1878, Tòa Lãnh sự Đại Nam mướn tàu Pháp chở gạo ra giúp nạn nhân bão lụt ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Năm 1883, nhiều người từ Quảng Ngãi theo ghe buôn vào đất Gia Định để mưu sinh, sống bềnh bồng đã bị người Pháp bắt giao trả hơn trăm người. Tòa Lãnh sự lo chẩn cấp cho họ về quê.

Từ tháng 8 năm 1874, Nguyễn Thành Ý vội đến Sở Ba Son tuyển mộ năm người thợ có tay nghề để mộ về Huế làm việc cho triều đình Huế.

Những năm sau đó, thỉnh thoảng có người từ Huế, Đà Nẵng vào hoc những nghề nghiệp mới, như coi máy tàu thủy, học chữ Pháp, cách sử dụng máy điện tín, ngành chích ngừa bệnh dịch...

Ngược lại, phía người Pháp yêu cầu triều đình Huế cung cấp cho vài thợ giỏi về nghề xà cừ, làm sơn mài.

Ngoài ra, nhiều nho sĩ, điền chủ, hương chức làng từ Gò Vấp, Vĩnh Hội và từ hai tỉnh Gò Công, Biên Hòa thường ra vào Tòa Lãnh sự ở Cầu Kho.

Tòa Lãnh sự cũng bảo đảm cho nhiều nho sĩ, quan lại ở Quảng Nam, Bình Định, Huế... được vào Nam, lưu trú vài tháng để chịu tang cha mẹ, bán đất ruộng, thăm dòng họ.

Bí mật mua súng đạn, liên kết người Việt

Viên lãnh sự Việt Nam ở Cầu Kho cũng đã kín đáo liên lạc với lãnh sự các nước Anh, Đức để bàn việc mua súng ống, đạn dược chở về Huế, tăng cường sức mạnh quân sự cho quân đội nước Nam thời bấy giờ.

Chánh, phó lãnh sự Đại Nam ở Cầu Kho cũng thường lui tới nhà Trương Vĩnh Ký, Tổng Đốc Phương, Huỳnh Tịnh Của…

Nhà Trương Vĩnh Ký ở Chợ Quán (hiện trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) nơi lui tới của chánh, phó lãnh sự Đại Nam ở Cầu Kho - Ảnh: HỒ TƯỜNG

Một số hộ trưởng (một chức vụ quản lý các Sài Gòn - Chợ Lớn thời Pháp mới chiếm Sài Gòn - Gia Định) của Sài Gòn và Chợ Lớn công khai bày tỏ cảm tình với Lãnh sự quán Đại Nam. Một số thương gia, mại bản liên lạc để làm ăn vì Tòa Lãnh sự ở Cầu Kho thường xuyên mua sắm đồ đạc ở Chợ Lớn, với số lượng lớn đưa ra Huế.

Xóm Cầu Kho làm cơ sở cho nho sĩ từ miền Trung vào tạm trú trước khi đi Vĩnh Long, nơi chí sĩ Nguyễn Thông từng giữ chức đốc học. Nguyễn Thông lập Đồng Châu xã tổ chức của những người quê quán ở Nam Kỳ gom ra Bình Thuận để chuẩn bị lực lượng đánh Pháp.

Một số đông nho sĩ, hộ trưởng, hương chức hội tề gom lại bến tàu ngày 2-5-1883 đón rước vài quan chức từ Huế vào, được các vị ấy nhắn nhủ: “Sống làm tướng, thác làm thần”, nghĩa là hãy giữ sự bất khuất dưới sự cai trị của Pháp.

Chánh, phó lãnh sự Đại Nam bị Pháp trục xuất khẩn cấp trong vòng 24 tiếng

Tất nhiên, mọi hoạt động của Tòa Lãnh Sự Đại Nam ở Câu Kho luôn bị mật thám Pháp theo dõi. Tham biện Pháp lúc ấy gửi phúc trình trong ngày 9 và 10-6-1883 cho Cảnh sát trưởng Sài Gòn để kết luận rằng lãnh sự Đại Nam đã lạm dụng quyền hạn, lạc quyên tiền bạc gửi về triều đình, loan tin thất thiệt, ủng hộ các hội kín có mục đích gây loạn.

Do đó, ngày 22-6-1883 thống đốc Nam Kỳ ra lệnh trục xuất chánh và phó lãnh sự Đại Nam, cấm trở lại Nam Kỳ và phải rời đi trong vòng 24 tiếng.

Khi chánh, phó lãnh sự, nhân viên và gia đình xuống tàu về Huế, khá nhiều hương chức ở Phú Lạc, Đa Phước (thuộc tỉnh Chợ Lớn xưa, nay nằm trên huyện Bình Chánh, TP.HCM), một số hộ trưởng của Chợ Lớn, thân hào ở Gò Vấp công khai đến gặp, dâng những lá thơ chia buồn, tạm biệt.

Vài viên chức nhỏ của Tòa Lãnh sự xin ở lại Sài Gòn, hoặc xin về Lục tỉnh; loan tin tình hình sắp thay đổi, thuận lợi cho đất nuốc, vì vậy thực dân hoảng sợ, trục xuất Lãnh sự quán.

Đáng ca ngợi trong thời kỳ này là Phan Văn Trị (Cử Trị), nhà thơ chiến đấu từng lên án công khai Tôn Thọ Tường ngay lúc ông còn nắm chút ít quyền hạn.  Cử Trị từng liên lạc với hai viên chức Tòa Lãnh sự Cầu Kho.

Một người là ký Toán bị Pháp theo dõi vì nhiều lần tiếp xúc với lính tập người Việt trú đóng tại thành Ô Ma (nay là khu vực Bộ Công an trên đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM), số này sửa soạn đi Bắc kỳ tham chiến.

Một lính tập người Việt trong quân đội Pháp  và các con - Ảnh tư liệu
Lính Trung đoàn dã chiến Nam Kỳ (Régiment de marche de Cochinchine) bên ngoài khu vực cổng trại lính chủ lực của quân Pháp khi mới chiếm đóng Gia Định. Dân Sài Gòn lúc ấy gọi là trại Săng-đá (soldat), hiện nay nằm trên đường Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM). Rừng cây phía trước hiện là khu vực đường Tôn Đức Thắng - Ảnh tư liệu

 

Người thứ nhì là Nho từng đi Gò Vấp nhiều lần để bày tiệc, tạo cơ hội bàn chuyện chống Pháp.

Mặc dầu tòa lãnh sự bị giải tán, thực dân Pháp chính thức khủng bố nhưng Cử Trị đã cất công lặn lội từ Gò Vấp (quê quán của ông) đến Sài Gòn để gặp Nho, nhờ tìm cách liên lạc với ký Toán, bấy giờ mới hay Toán đã trốn vì thực dân đang tìm bắt khi phát hiện những cơ sở hoạt động mà ông này tổ chức ở Bà Rịa, Mỹ Tho, Gò Công.

Tóm lại, tòa lãnh sự Việt Nam đặt tại vùng đất Cầu Kho của Sài Gòn xưa, tuy chỉ 9 năm, nhưng đây chính là nơi tập trung, nuôi dưỡng tinh thần và vật chất của những người Việt yêu nước, chống Pháp thuở đầu tiên Pháp đặt ách thống trị.

TS HỒ TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp