Đối với nhiều người Việt thì chuyện bỏ thừa thức ăn không có gì lạ nhưng với người dân các nước phát triển tại phương Tây, đây không chỉ là sự lãng phí mà còn đáng chê trách khi trên thế giới còn rất nhiều người thiếu ăn.
Những năm gần đây, khuynh hướng chống lãng phí thực phẩm phát triển mạnh mẽ trong khối Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt tại Đan Mạch và Anh. Đến năm 2017, khuynh hướng đó đã trở thành phong trào vì không chỉ tiết kiệm tiền bạc, nguyên vật liệu, giờ công mà còn giảm chất tẩy rửa, nhiên liệu, khí thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Nhận thực phẩm thừa từ siêu thị ở Pháp - Ảnh: AFP
Theo Tổ chức Liên Hiệp Quốc, mỗi năm có tới 1/3 lượng lương thực được sản xuất trên toàn thế giới bị lãng phí, tương đương 1.000 tỉ USD! Quá trình sản xuất ra số lương thực bị lãng phí này cũng góp phần thải ra 3,3 tỉ tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, hay hàng triệu tấn chất độc vào bầu khí quyển!
Còn theo Trung tâm quốc gia Chống lãng phí thực phẩm của Đan Mạch, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra chỉ tiêu tới năm 2030 phải giảm lượng thực phẩm lãng phí tính trên đầu người toàn thế giới xuống một nửa so với năm 2015.
Không thiếu những hành động cụ thể
Tất nhiên để chống lãng phí thực phẩm thì phải có những biện pháp cụ thể, chứ không thể chỉ tuyên truyền hay hô hào suông. Trong lĩnh vực này, Đan Mạch là quốc gia có nhiều sáng kiến đơn giản mà hữu hiệu để giảm lãng phí từ nguyên vật liệu tới các bữa ăn. Bộ trưởng Thực phẩm Đan Mạch Eva Kjer Hansen cho biết mỗi năm đất nước Bắc Âu 5,5 triệu dân này đã bỏ đi khoảng 700.000 tấn nguyên vật liệu, thực phẩm vẫn còn dùng được - một sự lãng phí tài nguyên cực lớn.
Cũng như tại Pháp, Anh, Thụy Điển, các siêu thị Đan Mạch thường dành một quầy bày bán giảm giá những món hàng sắp hết hạn sử dụng nhưng vẫn đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm (theo luật EU thì ngày hạn chót sử dụng được in trên bao bì phải cách thời hạn thật một thời gian nhất định, tùy loại sản phẩm).
Một tổ chức tại Pháp trưng bày những thực phẩm còn dùng được nhưng bị vất bỏ để tố cáo nạn lãng phí - Ảnh: AFP
Bữa ăn chất lượng giá rẻ cho người nghèo
Sáng kiến "Too good to go" hiện đã phát triển thành một mạng lưới quốc tế, hoạt động tại Đan Mạch, Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Thụy Sĩ, với sự tham gia của hơn 4.000 cửa hàng, nhà hàng, khách sạn. Đến cuối năm 2017, ứng dụng này đã giúp tiêu thụ được 2,5 triệu phần ăn lẽ ra đã bị bỏ đi.
Riêng tại Vương quốc Anh, hằng năm có hơn 6.000 tấn thực phẩm bị các nhà hàng vứt bỏ. Nhờ chương trình "Too good to go", người tiêu dùng tại các thành phố London, Leeds, Birmingham, Manchester và Brighton có thể mua một bữa ăn đầy đủ với giá chỉ 2 bảng tại một tiệm ăn trong hệ thống trước giờ đóng cửa.
Đan Mạch còn có các tổ chức như "Ngân hàng thực phẩm" (FødevareBanken) chuyên liên hệ với các siêu thị, công ty sản xuất thực phẩm xin nguyên vật liệu, sản phẩm bị loại bỏ để tặng hay bán rẻ trên xe lưu động cho người nghèo, người vô gia cư. Tổ chức "Bàn tròn" liên hệ với các công ty tổ chức lễ tiệc xin thực phẩm còn thừa lại sau những buổi lễ rồi tặng các nhà nuôi người vô gia cư, trung tâm cứu trợ hay tị nạn.
Hồi tháng 2-2016, tổ chức "Nhà thờ cứu trợ" thuộc Giáo hội Tin Lành Đan Mạch đã khai trương siêu thị xã hội đầu tiên trên thế giới mang tên "Wefood" tại thủ đô Copenhagen. Wefood chuyên bán các mặt hàng thuộc loại "dùng được nhưng không bán được" như rau, trái cây bị loại vì trông hơi xấu, thực phẩm sắp hết hạn hay bị loại do dán nhầm nhãn, nhãn in hỏng hay sai, bao bì bị móp méo trong quá trình vận chuyển... với giá được giảm 30-50%.
Tới tháng 11-2017, ở thủ đô Copenhagen đã có thêm cửa hàng Wefood thứ hai. Sau khi trừ chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, tiền lời thu được sẽ được dùng giúp các nước nghèo như Nam Sudan, Ethiopia và Bangladesh. Theo ban quản lý Wefood, sau một năm hoạt động, họ đã tiêu thụ được hơn 100 tấn thực phẩm, đóng góp 1,2 triệu kroner (tương đương 195.000 USD) cho quỹ từ thiện.
Một sáng kiến đáng chú ý khác là "Too good to go" giúp các siêu thị, nhà hàng, tiệm ăn, quán cà phê tiêu thụ được các phần ăn chế biến sẵn, bánh mì, bánh ngọt còn dư lại trước giờ đóng cửa thay vì bỏ đi nhờ một ứng dụng di động. Các cửa hàng giảm được tình trạng lãng phí, còn người tiêu dùng có thể mua thực phẩm vẫn đảm bảo vệ sinh với giá được giảm 50-75%.
Theo bà Mette Lykke - một trong năm thành viên sáng lập, từ khi đi vào hoạt động từ năm 2015 tới hết 2017, họ đã giúp 1.200 tấn thực phẩm tại Đan Mạch khỏi bị vất vào thùng rác.
Cửa hàng cho thuê túi xách hàng hiệu ở Pháp. Dịch vụ này được xem là đóng góp vào việc chống lãnh phí - Ảnh: AFP
Xài đồ cũ mới thời thượng
Tôi từng đọc trên một tờ báo mạng Việt Nam một bài báo viết là nữ công tước Catherine của xứ Cambridge (vợ hoàng tử Anh William) "bị phát hiện" mặc một áo khoác nhiều lần, dùng đi dùng lại một đôi giày màu be khi xuất hiện trước công chúng. Một số người Việt có thể coi đây là biểu hiện hà tiện hay cố tỏ vẻ tiết kiệm, nhưng với người Anh thì điều này lại thể hiện sự tinh tế của "Kate" vì có thể dùng một món trang phục nhiều lần mà trong trường hợp nào cũng đẹp và thanh lịch.
Hơn thế nữa, nếu như bên ta quần áo đã qua sử dụng, còn gọi là "hàng sida", bị xem là dành cho những người có thu nhập thấp thì tại các nước Bắc Âu, việc dùng lại quần áo, giày dép cũ là chuyện đáng cổ vũ vì vừa tiết kiệm, chống lãng phí lại góp phần bảo vệ môi trường.
Chẳng hạn Bộ Môi trường Đan Mạch từng thông tin nhắc nhở người dân rằng trung bình một người dân nước này dùng khoảng 16kg quần áo mỗi năm, và để sản xuất mới số quần áo này phải dùng tới gần 50kg hóa chất!
Một điểm bán trang phục đã qua sử dụng của Hội Chữ thập đỏ, một hình ảnh thường thấy tại Đan Mạch - Ảnh: QUẾ VIÊN
Nếu như trước đây việc thu gom, bán quần áo cũ do các tổ chức từ thiện phụ trách, tiền thu được dùng cho các hoạt động xã hội thì nay tại các thành phố lớn Đan Mạch đều có những cửa hàng chuyên bán quần áo cũ.
Tại Copenhagen, có những nơi người ta có thể bán lại, gửi bán, mua hay thuê các món "hàng hiệu" chính cống, trang phục dạ hội, thời trang cao cấp đã qua sử dụng. Họ còn in ấn brochure giới thiệu hàng hóa, tổ chức những show trình diễn thời trang đồ cũ.
Còn theo trang web chuyên mua bán hàng cũ DBA.dk của Đan Mạch, trong năm 2017 có tới 60% người Đan Mạch từng mua bán hàng đã qua sử dụng, cao nhất trong các nước Bắc Âu. Thanh niên nam nữ tại đây còn có "mốt" phối quần áo mới với các món được thừa hưởng từ cha mẹ, cô chú, thậm chí ông bà, để khoe khả năng phối hợp, thể hiện cá tính mà không lo... đụng hàng.
Họ cũng có thể mua, bán hay trao đổi qua các trang mạng như Tradono, Trendsales, Den Blå Avis (DBA - nhật báo Xanh) được thành lập từ năm 1981. Mạng xã hội Facebook cũng nhập cuộc triển khai chức năng mua bán hàng cũ trên Facebook vào tháng 10-2016 tại các nước Mỹ, Anh, Úc và New Zealand. Tới nay, dịch vụ này của Facebook đã có trên 17 quốc gia. Nhà đồng sáng lập Facebook, tỉ phú Mark, cũng tham gia rao bán quần áo cũ của mình trên Facebook. Những người dùng "hàng sida" tại Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào mình đã đi trước thời đại!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận