Cơ quan chức năng đang làm việc trong vùng bị phong tỏa tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội - Ảnh: PHẠM HÙNG
Các điểm dịch hiện nay ở Hà Nội
Theo thông báo của Sở Y tế Hà Nội, đến chiều 4-2, Hà Nội ghi nhận 21 bệnh nhân COVID-19 và đang có các khu vực sau được coi là điểm dịch:
- Tầng 12A T6 Times City (nơi bệnh nhân 1581 sinh sống).
- Nhà 58/92 Nguyễn Khánh Toàn, Q.Cầu Giấy (nhà bệnh nhân 1654).
- Nhà 479 Phúc Diễn, phường Xuân Phương, Q.Nam Từ Liêm (nhà bệnh nhân 1694).
- Nhà máy Z153 Cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), địa chỉ tại thị trấn Đông Anh, địa chỉ nhà trọ: tổ 11 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội (bệnh nhân 1695 và 2 người khác).
- Nhà 479 Phúc Diễn, phương Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, nơi ở của các bệnh nhân là vợ, bố mẹ vợ và con trai của bệnh nhân 1694. Vợ bệnh nhân làm việc tại khu C tòa nhà Golden Mark, số 136 Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm. Con bệnh nhân học lớp 3E Trường tiểu học Xuân Phương, Q.Nam Từ Liêm. Cả lớp và cô giáo đều đã được cách ly tập trung.
- Bệnh nhân F1 của 1694, công nhân Z153, nhà trọ tại Phan Xá, Uy Nỗ, Đông Anh, hàng ngày có về nhà bố mẹ đẻ ở tổ 7 thị trấn Đông Anh, đưa con đi học tại Trường Archimedes ở Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh.
- Thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội, liên quan bệnh nhân 1814 (nữ 35 tuổi, F1 của bệnh nhân 1694) cùng bố mẹ và chồng của bệnh nhân.
- Phòng 1010 chung cư Dream Land, 23 Duy Tân, Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội (nhà bệnh nhân 1814 và 1815).
- Số 342 đường Phúc Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, liên quan bệnh nhân nữ làm nghề cắt tóc, gội đầu, là F2 của bệnh nhân 1694.
- Số nhà 12 khu 18-4 ngõ 84 Duy Tân, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội (nhà bệnh nhân 1866).
- Phòng 601 N03 Lạc Trung, Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội (nhà bệnh nhân 1833, công chứng viên).
- 51/49 tổ 21 phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (nhà bệnh nhân 1819).
Theo quy định hiện hành, những khu vực có rào chắn, đang bị phong tỏa hay cách ly y tế được coi là điểm/ổ dịch. Ngoài các vùng này, phòng dịch bằng cách áp dụng 5K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, khai báo y tế, không tập trung), không yêu cầu cách ly người ngoài điểm/ổ dịch.
Tuy nhiên trong hai ngày vừa qua, đã có nhiều địa phương có văn bản thông báo cách ly 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm với người đến từ các quận huyện có công bố điểm dịch. Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng quy định hiện hành không "ngăn sông cấm chợ".
"Trường hợp 1 phường có bệnh nhân dương tính thì tòa nhà, ngõ nơi gia đình bệnh nhân sinh sống sẽ bị phong tỏa và được coi là ổ dịch. Chỉ cấm đi lại từ ổ dịch, còn đi lại trong phường này và ngoài phạm vi phường là bình thường, không được cấm đoán, nếu có tình trạng cấm đoán hãy báo lên Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia", một chuyên gia cho biết.
Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo ở đâu?
Vài ngày nữa là Tết Nguyên đán, năm nay vì dịch COVID-19 đã có khuyến cáo thực hiện 5K và không di chuyển nhiều, nhưng có những trường hợp vì lý do riêng vẫn phải di chuyển. Vì quy định cách ly 21 ngày mỗi nơi một kiểu, không có danh sách các ổ/điểm dịch, khu vực đang bị phong tỏa... như kể trên, những người này sẽ gặp khó.
Tuy nhiên lúc này lại chưa thấy Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo chống dịch quốc gia có ý kiến chính thức về việc thế nào là "điểm dịch", "ổ dịch", "vùng dịch", khi nào phải cách ly, khi nào được di chuyển... Đang có tình trạng mỗi tỉnh một cách hiểu, người dân không biết như thế nào mới đúng, phù hợp, băn khoăn không biết hỏi ai.
"Chống dịch như chống giặc" nhưng phải phù hợp quy định hiện có và không ảnh hưởng đến đời sống người dân. Lúc này hình như Bộ Y tế đã "quên" mất đang có một vấn đề chưa rõ ràng, làm người dân băn khoăn và khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận