Tôi nghỉ công việc đầu tiên có được sau tốt nghiệp đại học. Có vẻ như là sai lầm: nó phù hợp với ngành học của tôi; thời điểm đó kinh tế bắt đầu suy thoái; tôi vừa được thăng chức; tôi không có tài sản nào để dành...
Nhưng hóa ra đó là lựa chọn nghề nghiệp tốt nhất tôi từng đưa ra. Chỉ có từ bỏ công việc phóng viên chính trị ở thủ đô Washington, tôi mới có thể dọn đến Ý và theo đuổi ước mơ trở thành phóng viên mảng du lịch.
Tất nhiên, lúc đầu tôi không biết mọi thứ sẽ diễn ra như vậy. Nghỉ việc cũng không phải là lý do duy nhất dẫn đến kết quả đó, nhưng đó là một điểm khởi đầu cần thiết (và đáng sợ).
Nghỉ việc là một quyết định khó khăn đối với đa số - Ảnh minh họa
Đôi khi phải biết từ bỏ
Người ta thường nói: "Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc, người bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng". Dù là trong công việc, mối quan hệ hay một ước mơ, chúng ta được dạy rằng "bỏ cuộc" đồng nghĩa với "thất bại".
"Điều không ai nhắc đến đó là, thỉnh thoảng, bỏ cuộc là lựa chọn tốt. Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, nếu bạn không bao giờ từ bỏ, bạn sẽ không có đủ thời gian cho những thứ thật sự có ý nghĩa" - ông Eric Barker, tác giả quyển sách best-seller "Barking up the wrong tree" (tạm dịch: Đừng sủa nhầm cây), chia sẻ quan điểm.
Kiên nhẫn là một tố chất quan trọng, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần phải cân nhắc lại giá trị của "bỏ cuộc" thay vì mặc định đó là lựa chọn cuối cùng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra nếu làm vì những lý do đúng đắn, rời khỏi một công việc, mối quan hệ hoặc thậm chí là tham vọng, có thể giúp con người hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công hơn.
Thực tế, đa số mọi người ban đầu đều lựa chọn sai. Dù mục tiêu đó từng có lúc đúng đắn, vài năm sau nó có thể không còn phù hợp. "Nếu tôi không chịu từ bỏ gì hết, có thể bây giờ tôi vẫn còn chơi bóng chày và nghịch với mấy con người máy" - tác giả Barker nói đùa.
Nhưng khi nhận ra mong muốn thay đổi, hầu hết chúng ta đều cảm thấy khó khăn để rời bỏ con đường đang đi. Đó là khuynh hướng "sợ tổn thất". Bạn chấp nhận mất 5 USD hay từ chối một cơ hội kiếm 5 USD khác?
Lựa chọn sau luôn dễ hơn dù kết quả là như nhau. Chúng ta không biết điều gì chờ đợi nếu đi con đường khác, nhưng chúng ta biết rõ mình sẽ mất gì nếu từ bỏ những thứ đang có.
Nguyên nhân trên cũng giải thích tại sao một người với tấm bằng cấp "đắt đỏ", chẳng hạn như Luật hay Y dược, khó từ bỏ con đường nghề nghiệp dù họ có khổ sở với nó đến mấy.
Phóng viên - chuyên gia kinh tế người Mỹ Stephen Dubner giải thích: "Cứ mỗi giờ hoặc số tiền mà bạn tiêu xài cho một thứ gì đó, bạn bỏ qua cơ hội dùng nó cho một thứ khác - thứ có thể khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn, nếu như bạn đừng quá lo lắng về cái giá".
Nếu bạn nghe lời khuyên của một cái gối, có lẽ đã đến lúc chọn người thầy khác - Ảnh minh họa
Bỏ cuộc vẫn thành công
Nhà kinh tế học Henry Siu phát hiện ra người trẻ thường nhảy việc sẽ có thu nhập nhiều hơn sau này. Ngoài sự năng động của nhóm người này, ông Siu đặt ra thêm một giả thuyết: bằng cách thử nhiều con đường nghề nghiệp khác nhau, một người có thể tìm thấy "tiếng gọi lớn" cho mình, từ đó họ trở nên giỏi và giá trị hơn.
Trong một cuộc khảo sát trên 12.500 cựu sinh viên của Đại học Stanford (Mỹ), những người có ít hơn 2 vai trò công việc trong 15 năm có 1/50 cơ hội trở thành lãnh đạo cấp cao; những người có từ 5 vị trí trở lên có xác suất trở thành quản lý cao hơn 9 lần...
Thế còn bỏ việc để mở công ty? Cũng được nhưng phải cẩn thận. Tất cả chúng ta đều biết chỉ một số ít công ty khởi nghiệp có thể trụ vững và tồn tại.
Thay đổi không chỉ là sự giải thoát, đôi khi nó sẽ mang lại thành quả lớn hơn. Ít người biết mạng xã hội Twitter ngày xưa chỉ là một nền tảng nghe audio, Youtube là một trang web hẹn hò hay Android chỉ là hệ điều hành máy ảnh...
Nhà thiết kế thời trang Vera Wang bắt đầu sự nghiệp là một vận động viên trượt băng nghệ thuật, sau đó trở thành biên tập viên cho tạp chí Vogue; nhà sáng lập Alibaba Jack Ma nộp đơn xin việc không thành công hàng chục lần trước khi bắt đầu thiết kế website; nhà bác học Charles Darwin ban đầu học nghề bác sĩ, rồi sau đó là cha xứ...
Từ thất bại đến trở thành người tiên phong. Nhà bác học Darwin từng học để làm bác sĩ và cha xứ - Ảnh minh họa
Chiến lược bỏ cuộc
Từ bỏ một công việc "vô ơn" hay mối quan hệ xấu là một chuyện, từ bỏ giấc mơ còn khó hơn. Nhưng dù khó cỡ nào, nó vẫn tốt cho người đó - ít nhất khi ước mơ họ vươn tới không thể đạt được.
Nhiều nghiên cứu phát hiện những ai chịu từ bỏ những thứ ngoài tầm tay sẽ có sức khỏe và cuộc sống tốt hơn. Ngược lại, những người kiên quyết đấu tranh dễ bị căng thẳng và trầm cảm.
"Từ bỏ giấc mơ" thật sự không dễ nuốt trôi. Chúng ta ai cũng nghe kể về tác giả JK Rowling bị 12 nhà xuất bản từ chối trước khi tìm được một đơn vị chịu in sách Harry Potter, hay Walt Disney bị sa thải khỏi công việc sản xuất hoạt hình do không đủ sáng tạo...
Vậy thì khi nào nên kiên trì và khi nào nên bỏ cuộc?
"Đây là khó khăn của cuộc sống. Chúng ta đơn giản là không biết câu trả lời" - nhà tư vấn tâm lý Stever Robbins nhận xét.
"Nhưng bạn chỉ nghe các câu chuyện trong đó nhân vật chính kiên trì và thành công. Không ai lại đi kể về những người kiên trì để rồi chết cô độc trong một xó xỉnh nào đó chỉ vì họ quá cứng đầu trong một thời gian dài. Tôi cho là đa số thuộc về trường hợp sau" - ông Robbins bổ sung.
Nên nhớ rằng kiên trì và bỏ cuộc không hẳn là trái ngược nhau. Nếu bạn từ bỏ một thứ mà bạn biết không phù hợp, bạn sẽ có thời gian cho những thứ khác tốt đẹp hơn.
Eric Barker, tác giả quyển sách "Barking up thr wrong tree"
"Người chiến thắng" có bỏ cuộc, nhưng thay vì xem đó là thất bại, họ dồn năng lượng cho một chuyến khám phá mới. Tùy vào cách nhìn, "bỏ cuộc" có thể là khởi đầu của một thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận