01/09/2022 13:27 GMT+7

Người trồng kỳ hoa Đà Lạt ở đảo ngọc

SƠN LÂM - THÁI LỘC
SƠN LÂM - THÁI LỘC

TTO - Năm 2000, khi người yêu cẩm tú cầu chỉ có thể "đến xứ lạnh Đà Lạt mua về" thì kỳ hoa dị thảo này đã nở trong vườn ông Bảy Ễnh dưới chân núi Bãi Bổn, đảo Phú Quốc.

Người trồng kỳ hoa Đà Lạt ở đảo ngọc - Ảnh 1.

20 năm đam mê, ông Bảy Ễnh hiểu rõ đặc tính cẩm tú cầu và tạo ra giống có thể ra hoa quanh năm ở các vùng khí hậu khác nhau của Việt Nam - Ảnh: SƠN LÂM

Câu chuyện lão nông trồng rau mà "thuần hóa" được kỳ hoa xứ lạnh nghe khó tin nhưng có thật.

Hơn 20 năm đam mê những chùm hoa tròn kết tinh từ vô vàn bông hoa bốn cánh mỏng tuyệt đẹp với đủ màu sắc trắng, hồng, xanh, tím, ông Võ Tấn Châu (biệt danh Bảy Ễnh, ở ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, Kiên Giang) đã thành công trong việc tạo ra giống "cẩm tú cầu nhiệt đới Phú Quốc" để cung cấp khắp nơi.

Ai đó nhân giống cẩm tú cầu được như tui, tui cũng vui và sẵn sàng chia sẻ tận tình bí quyết.

Ông Võ Tấn Châu

Thầy giáo bất đắc dĩ

Cơn mưa cuối hè vừa ráo nước, chúng tôi đã tìm được vườn của ông Bảy Ễnh trên đường Đông Đảo, nằm ở khu vực đông dân cư nhất ấp Bãi Bổn. 

Trong khu vườn rộng hơn 3ha với những thảm cỏ, ao nước sạch đẹp được chia khu vực bởi các con đường rãi đá sỏi ngăn nắp, hoa cẩm tú cầu khoe sắc khắp nơi.

Từ những chùm hoa to tròn bằng mấy vốc tay người lớn trên những bụi xanh cao cả mét được trồng thành hàng dưới đất đến những bông hoa nhỏ nhắn nở trên một chồi cao chưa đầy gang tay mới được ươm trên giàn. 

Dường như cả ngàn cây cẩm tú cầu trong vườn đều trổ hoa. Chúng tôi có cảm giác như mình đang lạc giữa miền sương lạnh Đà Lạt.

"Trước đây tui trồng nhiều loại cây lắm, cả vườn miền Tây nằm đây mà. Nhưng vài năm gần đây thì bỏ hết, ưu tiên cho cẩm tú cầu thôi" - ông Bảy Ễnh tươi cười khi dẫn khách đi tham quan mấy khu vực gieo trồng cẩm tú cầu khác nhau, từ giàn ươm trong nhà lưới đến giàn ươm dưới bóng rừng cây dầu...

Năm nay đã 65 tuổi, ông Bảy Ễnh bắt đầu gắn bó với vùng Bãi Bổn (Phú Quốc) bằng "nghề thầy giáo bất đắc dĩ". 

Ông kể: "Nhà tui ở Tân An, Long An. Hồi năm 1991, cuộc sống còn khổ quá. Nghe có ông anh vợ sống ngoài này, bảo biển ở đây lắm cá tôm, dễ sống. Vậy là vợ chồng khăn gói ôm con ra với Phú Quốc".

Bãi Bổn lúc đó chưa có đường nối về trung tâm Phú Quốc, không thể chạy xe máy chưa đầy 30 phút là tới nơi như giờ. 

Chốn rừng hoang mà thò chân ra biển chỉ có chừng hơn 40 gia đình tập trung sống nửa bờ nửa thuyền. Ông Bảy Ễnh lúc mới ra cũng tham gia đăng lưới, đánh bắt cá tôm. 

"Nhưng dù gì mình cũng không phải dân biển, đánh cá đâu phải thế mạnh. Lúc đó, ở đây có một trường tiểu học cho con em người dân phổ cập nhưng thiếu giáo viên lắm. 

Biết tui đã học xong cấp III, người ta kêu dạy học. Chủ yếu dạy cho bọn trẻ biết cộng trừ, biết chữ. Người ta bảo một em góp 5.000 đồng trả tiền công cho thầy. Tội nghiệp bọn trẻ, nên tui dạy không công luôn", ông Bảy Ễnh kể. 

Không lấy tiền công nhưng ông thầy bất đắc dĩ lại được địa phương cho khẩn hoang khoảng đất để "canh tác tăng gia thêm".

Nhờ có khu vườn, ông Bảy Ễnh sử dụng hết vốn liếng nông học có từ thời phổ thông và những gì đã quan sát được sau một thời gian ngắn bôn ba các miệt Tiền Giang để đem đủ thứ xoài, ổi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng... từ đất liền ra trồng. 

Ao thì ông thả rau muống, rau nhút, cá rô, cá lóc, kèo nèo... Rồi thêm cả "đồ chợ" hằng ngày như đậu, bí, dưa, cà... 

Chẳng mấy mùa, đôi quang gánh của ông bà Bảy Ễnh nổi tiếng cả vùng biển Bãi Bổn vì lúc nào cũng có trái cây, mớ rau, con cá đồng mang hương vị đất liền cho đỡ nhớ quê.

Thậm chí, nhờ buôn bán sản vật đồng quê miền Tây ở xứ đảo biển mà ông Bảy Ễnh còn chắt góp mua luôn được một miếng đất ở ấp Bãi Bổn. 

"Từ đó, tui mới có điều kiện nghiên cứu, mày mò nhân giống cả ngàn lần để thuần hóa giống cẩm tú cầu vốn là bông xứ lạnh thành cây sống khỏe được khắp nơi", ông Bảy Ễnh cười giòn.

Người trồng kỳ hoa Đà Lạt ở đảo ngọc - Ảnh 3.

Hoa cẩm tú cầu nở rực rỡ ở Phú Quốc - Ảnh: SƠN LÂM

Dẹp vườn rau để chơi kỳ hoa

Cả khu vườn đủ loại rau trái miền Tây từng nuôi sống gia đình một thời gian khó nhưng hiện nay đều đã được ông Bảy Ễnh dọn sạch sẽ. 

"Mỗi thứ như xoài, ổi, thanh long chỉ giữ lại một hai cây thôi, để dành đất cho cẩm tú cầu hết", ông Bảy Ễnh cười nói.

Từ lần đầu nhìn thấy sắc cẩm tú cầu, ông Bảy Ễnh đã dành tất cả đam mê cho loài kỳ hoa này. 

"Tui không biết nguồn gene của loài này như thế nào, chỉ biết sơ hình như từ năm 1970 Trường đại học Cần Thơ từng lai tạo mà rồi gián đoạn nên không thành công. 

Cặp hoa đầu tiên của tôi được người bạn ở Đà Lạt tặng, tui trồng nó lớn rồi mà chẳng chịu ra hoa. Sau đó, tui mày mò lấy giống cây từ Đà Lạt này đem ghép gốc với giống cẩm tú cầu lùn của Nhật. 

Mười mấy năm, không nhớ ghép bao nhiêu bận, dùng chữ F để tính đời thì cũng không xuể nữa. May mà vợ tui cũng mê hoa cẩm tú cầu nên hổng ghen", ông Bảy Ễnh tếu táo.

Miệt mài ghép cây, đợi lớn, quan sát, nhân giống, ông Bảy Ễnh đã tạo ra một giống cẩm tú cầu cho riêng mình có thể nở hoa quanh năm. 

"Một số giống cẩm tú cầu thường bị ngủ đông ở xứ lạnh, không ra hoa mùa này. Riêng giống cẩm tú cầu của tui thì xứ nóng xứ lạnh, mùa đông mùa hè gì cũng có thể ra hoa", ông Bảy Ễnh nói đầy tự hào.

Khoe khu vườn kỳ hoa cẩm tú cầu rực rỡ đủ loại màu sắc, ông Bảy Ễnh vui vẻ chia sẻ: "Bông thường đổi màu theo thời gian. Khi mới ra là nó tươi, sau đổi màu dần đậm. 

Độ pH của đất cũng ảnh hưởng lớn màu của bông, pH nhiều thì màu hồng, pH ít thì bông màu tím, điều chỉnh pH thấp nữa thì ra màu xanh dương... 

Và khi bông già, chuyển dần thành màu xanh lá cây thì không chuyển màu nữa. Một vòng đời bông như vậy khoảng ba tháng...".

Dường như ông Bảy Ễnh không bao giờ hết chuyện khi nói về cẩm tú cầu. 20 năm đam mê, hiểu được một loài hoa và thuần hóa được nó là một niềm vui lớn trong đời. 

Cách đây hơn ba năm, ông Bảy Ễnh đăng lên Internet chia sẻ niềm vui của mình với những chùm bông cẩm tú cầu đầy màu sắc. 

Thế là giống kỳ hoa của lão nông thuần hóa trên đảo ngọc Phú Quốc bắt đầu hành trình mới đến khắp miền đất nước.

"Khởi đầu tui đâu định kinh doanh, chỉ muốn làm một vườn hoa cẩm tú cầu đủ mọi màu để ai có cùng niềm yêu thích với mình thì tới tham quan. 

Nhưng sau người ta hỏi mua nhiều quá nên tui bán. Ban đầu tui chỉ gọi tên là cẩm tú cầu nhiệt đới, nhưng sau thấy nhiều người cũng cung cấp giống lấy tên y vậy nên phải thêm chữ Phú Quốc vào. 

Gọi là cẩm tú cầu nhiệt đới Phú Quốc để mọi người biết mà phân biệt. Vì giống của tui trồng được quanh năm và mọi thời tiết", ông Bảy Ễnh cười xòa.

Sài Gòn, Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang..., những đơn hàng đặt ông Bảy Ễnh cung cấp hoa vẫn tiếp tục đổ về khi ông đang ngồi trò chuyện với chúng tôi...

Không dùng thuốc trừ sâu độc hại

"Tui không dùng thuốc hóa học, việc trừ sâu tui cũng chỉ dùng cách thức sinh học. Từ hồi còn làm vườn trái cây, rau màu để bán cho người ta tui cũng đã nói không với thuốc, phân bón hóa học.

Bởi suy cho cùng tui cũng đâu có áp lực về số lượng, doanh thu, khách hàng gì đâu", ông Bảy Ễnh nói.

Những người trồng hoa đầu tiên ở Đà Lạt Những người trồng hoa đầu tiên ở Đà Lạt

TT - Để Đà Lạt được mệnh danh là “vương quốc hoa” sau 120 năm kể từ ngày bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin tìm ra TP này là cả một hành trình nhọc nhằn của bao thế hệ. Lịch sử xứ hoa đã ghi nhận những di dân đầu tiên đến Đà Lạt lập làng Hà Đông (P.8, Đà Lạt) là dân từ sáu làng hoa nổi tiếng quanh hồ Tây (Hà Nội).

SƠN LÂM - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp