Ông Tạ Văn Nhân dọn rác trong ô Quuan Chưởng - Ảnh: QUANG THẾ
Ông là (phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Với ông, trông coi không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào...
Tự nguyện
Ô Quan Chưởng hơn 20 năm trước nhiều cây dại mọc hoang, mùa mưa rễ cây bám xum xuê ra cả tường gạch rêu phong.
Là cửa ô cuối cùng của kinh thành Thăng Long xưa, qua bao thời gian cửa ô này vẫn giữ nét cổ kính nhưng gần gũi, thân thương.
Cửa ô nằm giữa ngã tư phố Ô Quan Chưởng - Hàng Chiếu - Thanh Hà, trải qua nhiều lần trùng tu. Trước đây cửa ô thường bị lấn chiếm, phóng uế, cơ quan chức năng "chiêu mộ" bao nhiêu người tới trông coi nhưng cứ đến rồi đi mà không ai bám trụ được lâu.
Trong lúc cơ quan chức năng đang "đỏ mắt" tìm người thì ông Nhân xung phong đến trông coi cửa ô. Hằng ngày ông không chỉ quét dọn lá cây mà còn ngăn không cho hàng rong, cửa hàng lấn chiếm mặt tiền di tích.
Công việc từ 6h sáng đến 6h chiều cứ tưởng dễ nhưng khó vô cùng...
"Có nhiều lần tôi nhắc nhở không cho bán hàng, xả rác ra di tích nhưng bị người ta chửi lại. Nhiều lúc giận lắm nhưng cũng đành gạt đi để làm việc chung..." - ông Nhân kể.
Không ít người quen khuyên ông kiếm công việc khác để làm, vừa nhẹ vừa ít va chạm nhưng ông Nhân quyết bám trông nom cửa ô.
Có thời gian liên tục cứ sáng ra ông phải thu nhặt cả kim tiêm của mấy người nghiện quăng ở mặt tiền di tích.
"Không biết các đối tượng này từ đâu đến mà có ngày tôi thu dọn cả bốc kim tiêm còn nguyên máu. Phải dọn vì hằng ngày không chỉ người dân qua lại mà du khách nước ngoài còn ghé tới" - ông Nhân nói.
Nhiều hôm có công việc ở quê ông cũng phải thu xếp đi thật nhanh để về với cửa ô. "Lớn lên đã thấy rồi, đi học ngày nào cũng phải qua cửa ô. Xa thì nhớ lắm. Nhiều ngày gặp chuyện buồn tôi lại lên cửa ô nhìn xuống phố phường sầm uất để vợi đi những suy tư...".
Ô Quan Chưởng ngày nay - Ảnh: Q.THẾ
Gắn bó hàng chục năm
Tháng đầu tiên trông nom cửa ô, ông Nhân chỉ nhận được hơn 100.000 đồng, đến nay tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
"1,8 triệu đồng 20 năm trước thì còn đủ ăn tiêu chứ bây giờ chỉ vừa tiền điện, gạo, nước... Còn tiền đám cưới, đám ma thì phải xoay cách khác" - ông Nhân nói.
Hằng ngày sau khi dọn dẹp cửa ô, ông Nhân lại tranh thủ đi kéo hàng thuê cho người dân ở chợ cóc trên phố Thanh Hà.
Một năm 365 ngày ông làm đủ cả, kể cả mùng 1, mùng 2 tết. "Tết nhất cũng không dám nghỉ đâu, ngày lễ nhưng có khách nước ngoài chụp ảnh. Bẩn ai mà chụp được, họ như mình thôi, phải sạch đẹp mới chụp. Khách nước ngoài đến chơi cũng thiện cảm, yêu Hà Nội hơn..." - ông nói.
Ông Nhân bảo còn khỏe sẽ phục vụ cho đến nơi đến chốn, khi nào không thể làm được nữa thì để phường thuê người khác. Với ông Nhân, ô Quan Chưởng như mái nhà của mình, nơi chôn giấu bao kỷ niệm.
Sau khi đi bộ đội trở về địa phương ông sống tại phố Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm). Có lẽ ông Nhân là người đặc biệt, dù sống giữa phố phường sôi động vẫn giữ nét bình dị từ cách ăn mặc đến nếp sống thường nhật.
Ông sinh được ba người con, hai trai, một gái. Vợ mất sớm, ông Nhân đi bước nữa. Người sống lâu năm ở phố Hàng Chiếu bảo rằng ô Quan Chưởng sạch đẹp, không bị lấn chiếm, chủ yếu nhờ vào người đàn ông gác cửa ô này hàng chục năm qua...
Di tích lịch sử quốc gia
Theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, ô Quan Chưởng nằm trong tổng 82ha khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Riêng ô Quan Chưởng còn được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, hiện đang được Sở Văn hóa - thể thao TP Hà Nội quản lý.
Ô Quan Chưởng là cửa ô cuối cùng trong 21 cửa ô đất kinh thành Thăng Long xưa. Đây là công trình có phong cách kiến trúc Nguyễn, kiểu vọng lâu.
Trước đây ô Quan Chưởng được tính làm ranh giới ngoại thành và nội thành. Ban đầu cửa ô luôn mở và đóng theo giờ nhưng cuộc sống thay đổi, cửa gỗ được kéo về bên để thuận tiện đi lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận