Một góc thư viện của TS Nguyễn Tiến Hữu - Ảnh: Đ.HÀ
Ông nói đây là cách, là con đường ông chọn để tri ân đất mẹ Việt Nam.
"Gia tài" của TS Hữu đưa về nước là khoảng 8.000 cuốn sách, tạp chí, tài liệu... chứa trong container 40 feet.
Đã bước sang tuổi 80 nhưng từng giờ, từng ngày TS Nguyễn Tiến Hữu vẫn còn nguyên lòng đam mê nghiên cứu, đọc sách, tra cứu, tìm hiểu.
Những tháng cuối năm 2018, TS Hữu cũng bận bịu với giáo trình Ẩm thực Việt Nam và thế giới mà ông viết cho một trường đại học để giảng dạy cho sinh viên.
Cảm ơn ông Trần Bạch Đằng!
Căn nhà của TS Hữu trên đường Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đầy sách quý. Đó là "gia tài" của ông tích cóp được sau 40 năm học tập, giảng dạy ở nước ngoài.
Ông tâm sự cuộc đời mình gắn với sách, đi đâu là sách theo đó. Ông Hữu nói rằng để đưa được về nước khoảng 8.000 cuốn sách, tạp chí, tài liệu... là một công việc không hề đơn giản vì rất nhiêu khê.
"Để số sách báo này "nhập cảnh" được vào Việt Nam năm ấy, tôi thực sự rất biết ơn ông Trần Bạch Đằng. Có ông ấy thì sách mới vào Việt Nam được. Mà có sách thì mới có tôi. Thực sự nếu sách không về được thì tôi không biết phải làm gì" - ông Hữu tâm sự.
TS Hữu nhớ lại năm 2000 ông về trước, còn container sách, báo, tạp chí cùng tư liệu viết tay theo về sau. Tuy nhiên, việc "nhập cảnh" một lượng sách báo, tạp chí, tài liệu lớn mà chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp không hề dễ dàng.
Cán bộ hải quan và cả cán bộ văn hóa ra cảng để kiểm hóa không thể thẩm định được sách. Muốn thông quan phải xin phép trung ương và phải có thẩm định nội dung. Nhưng với một container sách, báo, thẩm định biết bao giờ mới xong.
Rất may, TS Hữu có quen biết qua công việc với TS Quách Thu Nguyệt, giám đốc NXB Trẻ lúc đó, nên tìm đến nhờ tìm cách. TS Quách Thu Nguyệt nói với ông rằng nên gặp nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng mới có thể giải quyết nhanh.
Sau khi trình bày với ông Trần Bạch Đằng về nguyện vọng đưa sách quý về nước, nhà nghiên cứu rất hồ hởi.
Bởi đây là một lượng tài liệu rất lớn dùng cho việc nghiên cứu mà chính ông và nhiều nhà nghiên cứu khác hiện nay cũng như thế hệ sau này của Việt Nam đang cần tới.
Thế là bằng nỗ lực của mình, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết thư gửi ban, ngành chức năng TP.HCM.
Chính ông cũng đứng ra "bảo lãnh" container sách quý này. Sau khi kiểm tra, rà soát, container sách được thông quan sau một số thủ tục gọn nhẹ.
Muốn "trả nợ" cho đất nước
TS Hữu tự nhận mình là người may mắn, có phúc đức nên cả tuổi thanh xuân được học tập, làm việc ở nước ngoài mà không sống trong chiến tranh, bom đạn.
Vì lẽ đó mà từ những ngày đầu sang phương Tây du học, ông đã cảm thấy rằng mình nợ bố mẹ, nợ quê hương, đất nước.
Nghĩ vậy nên ông luôn để quê hương, đất nước trong tâm trí, trong công việc của mình.
Đó là lý do tại sao trong khi nhiều người Việt đi học ở nước ngoài thường chọn ngành y, tin học, kỹ thuật để dễ kiếm việc làm, còn ông lại chọn môn học về dân tộc mình - Việt Nam học.
"Đó là con đường tốt nhất để sau này tôi về với quê hương, Tổ quốc mình" - TS Hữu xúc động nói.
Để thực hiện tâm nguyện của mình, trong những năm nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên nước ngoài tại các ĐH Munchen và Passau, ông tìm mua rất nhiều sách báo, tài liệu nghiên cứu về Việt Nam để vừa có tư liệu giảng dạy, nghiên cứu học tập, vừa để tâm trí luôn tiếp cận với quê hương, đất nước.
Để có được những tài liệu quý về Tổ quốc, về đất nước, TS Hữu cho biết ông phải dùng tư cách giáo sư, tiến sĩ để sao chụp dùng cho nghiên cứu.
Những năm ở nước ngoài, ông tích cóp tiền để mua lại những quyển sách quý của người nước ngoài viết về Việt Nam, trong đó có những tài liệu giá rất đắt.
Không chỉ sưu tầm sách báo viết về quê hương, trong 40 năm ở nước ngoài, TS Hữu đã xuất bản hàng chục đầu sách và viết hàng trăm bài báo, nội dung chủ yếu về văn hóa, con người, lịch sử, ẩm thực truyền thống Việt Nam bằng tiếng Đức, Pháp, Anh.
Ngoài ra, TS Nguyễn Tiến Hữu cũng là người kết nối, tổ chức và điều phối viên hội thảo "Hồ Chí Minh và sự phát triển phong trào cộng sản ở Việt Nam" vào tháng 6-1990 tại Đức.
Hội thảo này diễn ra để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo đã thu hút nhiều nhà khoa học thế giới tham luận và phát biểu.
Đoàn của Việt Nam sang dự hội thảo có những nhà sử học nổi tiếng như GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm.
"Theo tôi được biết, vào lúc ấy, đó là hội thảo khoa học quốc tế duy nhất trên thế giới về Hồ Chủ tịch" - TS Hữu cho biết.
Sau đó, từ những bài tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Tiến Hữu đã chủ biên, xuất bản cuốn sách Hồ Chí Minh - hồn dân tộc do NXB Trẻ phát hành năm 1999.
Gần 20 năm qua khi đã về nước, ông tiếp tục tham gia giảng dạy ở các trường đại học tại TP.HCM và là thành viên nghiên cứu về văn hóa, du lịch của các trung tâm, viện nghiên cứu, câu lạc bộ chuyên về văn hóa, du lịch, ẩm thực.
Chuyển về Long Điền sống gần 10 năm nay, TS Hữu luôn mở rộng cửa nhà mình để ai cũng có thể đến đây đọc sách, nghiên cứu.
"Tôi muốn để lại kho tàng sách quý này cho thế hệ mai sau. Đó là điều quan trọng để tôi quyết định về nước và mang theo gia tài này. Tôi rất muốn, rất mong ai đó sẽ khai thác hết kho tư liệu quý giá này" - ông nói.
Những quyển sách, tư liệu quý của TS Hữu:
TS Nguyễn Tiến Hữu và một cuốn sách cổ, quý - Ảnh: Đ.H.
* Tonkin (tiếng Hà Lan, xuất bản 1644-1645), viết về Việt Nam thế kỷ 17.
* Dictionarium Latino - Annamiticum (Từ điển Latin - An Nam) xuất bản năm 1880.
* L’Annamite mère des langues (Tiếng An Nam - mẹ các ngôn ngữ) xuất bản năm 1892.
* Annamites et Exrême Occidentaux (dịch tiếng An Nam và các ngôn ngữ Đông Nam Á, xuất bản năm 1894).
* Tập tư liệu sao chụp tại kho lưu trữ quốc gia Pháp về lịch sử Việt Nam cận đại, đặc biệt là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và Đông Kinh Nghĩa Thục.
* Bản photocopy và phim về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam lưu trữ tại Pháp.
* Ba bộ sách, báo quý với hàng trăm tập lưu trữ bằng microfilm của Viễn Đông Bác Cổ, của Hiệp hội nghiên cứu Đông Dương từ 1883-1965.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận