Hành trình trái tim mang ánh sáng tri thức đến trẻ em vùng Tây Bắc
Trong chặng đường về với miền núi cao Tây Bắc, "Hành trình Từ trái tim – Hành trình Lập chí vĩ đại – Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt" của Trung Nguyên Legend đã tiếp sức, truyền động lực để người trẻ ở Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thực hiện ước vọng đẹp ấy.
Khát vọng nơi chân đèo Pha Đin
Vượt qua những khúc cua hiểm trở, chinh phục đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, Hành trình Từ trái tim đã đến với tỉnh biên giới Sơn La.
Đối lập với bức tranh hùng vĩ của thiên nhiên nơi đỉnh đèo là cái khắc nghiệt của đói nghèo: những mái nhà sàn liêu xiêu, những đứa trẻ chân trần, áo mỏng giữa cái lạnh se sắt. Tuy nhiên ở đây luôn đau đáu khát vọng vươn lên, đưa bản làng thoát nghèo của những người trẻ.
Những bạn nhỏ tại tỉnh biên giới Sơn La đón nhận những cuốn sách như những món quà đặc biệt
Anh Cà Văn Tân, cán bộ y tế bản Ỏ, xã Chiềng Ngần (Sơn La) học xong ra trường đã quay về cống hiến cho quê hương. Đường đi lại gian nan nhưng ngày ngày anh vẫn băng qua các bản làng xa gần để khám chữa bệnh cho bà con. "Mình có thể tìm việc ở một nơi tốt hơn, đồng lương cao hơn. Nhưng mình giàu trong khi người dân quê mình nghèo thì giàu đâu có ý nghĩa gì. Điều kiện quê mình còn nghèo thì mình còn cố gắng", chàng trai trẻ bộc bạch.
Anh Cà Văn Tân học xong quay về cống hiến cho quê hương, ngày ngày băng qua các bản làng xa gần để khám chữa bệnh cho bà con
Cũng tốt nghiệp đại học và quay về quê hương, chị Lường Thị Thoa, người dân tộc Thái hiện đang là giáo viên giảng dạy tại trường mầm non Hoa Hồng, xã Chiềng Ngần (Sơn La). Cô giáo trẻ này tâm niệm "phải dốc hết trái tim và trí óc để dạy cho các cháu nhỏ, giúp các cháu có thêm những hiểu biết về xã hội rộng lớn bên ngoài". Chị Thoa nói: "Tôi chỉ mong cho các cháu sau này thành người hữu ích, cùng quay về xây dựng quê hương mình".
Các bạn nhỏ xã Chiềng Ngần (Sơn La) say sưa đọc những cuốn sách quý từ Hành trình
Để mang thêm tri thức đến những cô cậu học trò, chị Thoa luôn cố gắng đọc thêm sách. Tuy nhiên với xã nghèo như Chiềng Ngần thì rất khó để tìm được những đầu sách đa dạng. Hành trình Từ trái tim về đây với những tủ sách quý đã giúp sức để ước vọng trong trẻo của chị sớm thành hiện thực.
Sách quý từ Hành trình tiếp động lực cho người trẻ Tây Bắc vươn lên trong cuộc sống
Tấm lòng người lính quân hàm xanh
Tại "trạm dừng chân" Pa Vệ Sử, một xã biên giới xa xôi nhất của huyện Mường Tè (Lai Châu), một lần nữa mọi người hiểu hơn về khó khăn của miền núi Tây Bắc. Nơi đây, bà con dân tộc thiểu số La Hủ và người Mảng sống trong nhà vách gỗ tạm bợ, nằm chênh vênh trên sườn núi. Mới đây một cơn gió lốc đã thổi bay nhiều căn nhà như thế.
Cái ăn, cái mặc chưa đủ nên việc đi học với người dân càng càng gian nan. Trình độ dân trí thấp khiến đời sống còn lạc hậu, kinh tế chậm phát triển. Chính điều ấy đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Vệ Sử tìm cách giúp dân, để người dân được tiếp cận tri thức.
Chiến sĩ tại đồn biên phòng Pa Vệ Sử vui mừng nhận sách đổi đời từ Hành trình, trang bị thêm vào tủ sách quý của mình
"Tri thức vẫn là nền tảng gốc rễ để phát triển kinh tế, xã hội. Giải quyết cái ăn cái mặc trước mắt thì dễ nhưng để người dân có được nhận thức, kiến thức cho họ tự phát triển thì lại khó. Càng khó càng phải bắt đầu sớm, vì nếu hôm nay không làm thì ngài mai vẫn sẽ nghèo đói" - thiếu tá Đinh Quang Học, Chính trị viên Đồn biên phòng Pa Vệ Sử đau đáu.
Khi nhận tủ sách Nền Tảng Đổi Đời bao gồm 5 đầu sách: Khuyến học, Quốc gia khởi nghiệp, Nghĩ giàu làm giàu, Đắc nhân tâm, Không bao giờ là thất bại tất cả là thử thách, các chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Vệ Sử không giấu nổi niềm vui. Những cuốn sách này sẽ cho họ thêm tri thức để vận dụng hướng dẫn, hỗ trợ bà con nơi đây. Thiếu tá Đinh Quang Học cho biết thích nhất cuốn Quốc gia khởi nghiệp, đây sẽ là nguồn cảm hứng để anh và đồng đội tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, giúp đỡ đồng bào vươn lên thay đổi nghịch cảnh, thay đổi cuộc sống.
Hành trình gặp gỡ các chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Luông
Trước đó, tại tỉnh Điện Biên, Hành trình cũng gặp gỡ các chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Luông. Cũng tấm lòng ấy vì dân ấy, ngoài công tác bảo vệ biên giới, những người lính biên phòng đã giúp đỡ bà con người Thái, Khơ Mú ở các xã Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa (huyện Điện Biên) trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Họ trích lương, các khoản phụ cấp hỗ trợ các em nhỏ khó khăn được đến trường với chương trình "Nâng bước em tới trường".
Các chiến sĩ đồn biên phòng Thanh Luông và bà con, trẻ em huyện Điện Biên vui mừng nhận sách từ Hành trình
Đặc biệt, những người lính đã vận động sách từ các thư viện để tặng cho học sinh. Thiếu tá Nguyễn Văn Thọ - Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Luông, cho rằng: "Sách là nguồn tài liệu quý, là nền tảng quan trọng để trang bị kiến thức cho bà con phát triển tư duy, từ đó mới có thể phát triển kinh tế được. Còn với các em nhỏ thì sách sẽ giúp các em trở thành công dân có ích".
Hành trình Từ trái tim - Hành trình Lập chí vĩ đại - Khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt" năm 2019 đã vượt qua các tỉnh Tây Nguyên để đến miền Trung, Nam Định. Tiếp sức và kết nối những trái tim luôn khát vọng vì một quê hương giàu mạnh, Hành trình vừa dừng chân ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc Sơn La, Điện Biên, Lai Châu trao hàng ngàn cuốn sách Nền tảng đổi đời và lập các tủ sách tại Đồn biên phòng, trường mầm non…
Hành trình Từ trái tim năm 2019 diễn ra trong 21 ngày (từ 2-4 đến 22-4). Hành trình sẽ tổ chức buổi giao lưu, trao tặng sách quý đến bạn trẻ, các gia đình, cộng đồng, thôn xóm, các trường đại học, cao đẳng, thư viện, nhà văn hóa trên khắp cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận