Lớn lên trong thời Internet, vừa chớm trưởng thành đã gặp ngay cú sốc COVID-19, Gen Z (thế hệ Z, sinh năm 1997 trở lại) có đủ nguyên nhân khách quan và chủ quan để có suy nghĩ về tiền bạc và các mục tiêu tài chính khác với thế hệ cha anh.
"Tôi rất lo rằng tương lai mình sẽ giống như những người tốt nghiệp giữa cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 - Maya Tribitt, sinh viên năm 3 tại Đại học Nam California, trả lời Business Insider - Bạn bè đồng trang lứa với tôi cũng sốt sắng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, phần nhiều vì sợ phải đối mặt những câu chuyện đang sợ mà những người đi trước chúng tôi 10 năm đã gặp phải. Thật rùng rợn khi nhận ra rằng chuyện ấy có thể xảy ra với chúng tôi”.
Những lo lắng của Tribitt không phải là vô căn cứ. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), lao động trẻ từ 15-24 tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng việc làm năm 2020 tại Mỹ, với 8,7% thất nghiệp so với mặt bằng chung 3,7%. Một báo cáo khác của Bank of America Research còn chỉ ra rằng đại dịch sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính và sự nghiệp của Gen Z tương tự như cuộc Đại suy thoái cuối thập niên 2000 với thế hệ Millennial (hay thế hệ Y, sinh năm 1980-1995).
“Cũng giống với một thập kỷ trước, vết thương kinh tế của thời kỳ suy thoái sẽ đánh mạnh nhất vào những người trẻ và thiếu kinh nghiệm” - báo cáo “OK Zoomer” (một cách thậm xưng khi nhắc đến thế hệ Z) nhận định. Thị trường việc làm biến động, giá nhà đất tăng phi mã có thể khiến cho mọi kế hoạch đạt đến tự do tài chính của người trẻ trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết.
Thế nhưng, “nhờ” việc phải đối mặt với khó khăn - từ môi trường, kinh tế đến xã hội từ khi mới chào đời, Gen Z đang cho thấy một sự chuẩn bị về tài chính cá nhân kỹ càng hơn hẳn so với các thế hệ đi trước. Những người trẻ này cũng có một lợi thế khác: họ biết các thế hệ trước đã trải qua những gì - thế hệ X vật lộn vì cuộc Đại suy thoái, và thế hệ Millennial chật vật theo đuổi ước mơ sự nghiệp với khoản nợ sinh viên khổng lồ - để có thể tìm cách tránh vết xe đổ.
“Nhờ tiếp thu kiến thức về những sai lầm trong quá khứ, thế hệ Z đã trở thành một lực lượng khôn ngoan khi nói đến các quyết định, kế hoạch về tài chính” - trang Money Fit nhận xét trong bài “Thế hệ Z và tiền” tháng 10-2021.
Chẳng hạn, các sinh viên thế hệ Z đang nhìn nhận việc học đại học một cách thực tế và dài hơi hơn thay vì tư duy “theo đuổi đam mê” theo kiểu thế hệ Millennial. Thế hệ Millennial tiết kiệm được nhiều tiền hơn, nhưng Gen Z lại gánh ít nợ hơn. Chỉ có 21% Gen Z muốn vay vốn sinh viên và việc học đại học chính quy (với số nợ sinh viên khổng lồ) không phải lựa chọn hàng đầu của người trẻ, theo Money Fit.
Cũng từ chỗ nhìn vào khó khăn của thế hệ cha mẹ trong thời đại suy thoái, thế hệ Z giờ đây sẵn sàng bỏ công sức trên thị trường lao động để đổi lấy an toàn về mặt tài chính. Một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018 cho thấy 58% sinh viên sẵn sàng làm thêm giờ và cuối tuần, 77% đang làm tự do hoặc bán thời gian kiếm thêm thu nhập, trong khi 35% cho biết đã (hoặc sắp) bước chân vào con đường khởi nghiệp.
Những khó khăn của đại dịch khiến thế hệ Z biết tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu tốt hơn. Theo báo cáo State of Gen Z năm 2020, 54% trong số 1.000 người được hỏi cho biết đã bắt đầu tiết kiệm nhiều hơn so với trước khi có đại dịch.
Vốn được coi là thế hệ “bản địa Internet”, Gen Z cũng cho thấy độ thức thời tài chính sớm hơn hẳn Millennial. 38% người được hỏi trong báo cáo State of Gen Z cho biết có mở tài khoản đầu tư online và 39% có tài khoản ngân hàng. Còn theo báo cáo năm 2019 của Next Gen Personal Finance, tỉ lệ Gen Z sở hữu chứng khoán đã lên tới 28%, cao hơn hẳn mức 18,7% của Millenial cùng tuổi năm 2004. Góp công lớn trong sự dịch chuyển này là sự xuất hiện của các ứng dụng đầu tư như Robinhood hoặc các robot tư vấn tài chính như Wealthfront, đã tạo điều kiện cho những người trẻ sành công nghệ trở thành nhà đầu tư mà không cần đăng ký nhiêu khê.
Không dừng lại ở đó, Gen Z còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt với quỹ lương hưu - ngay từ khi mới bắt đầu đi làm. Theo một khảo sát năm 2021 của TransAmerica Center, 70% thế hệ Z đã bắt đầu kế hoạch tiết kiệm hưu trí, với độ tuổi trung vị là 19 (thế hệ Y chỉ bắt đầu lo hưu trí ở tuổi 25, trong khi con số này ở thế hệ X và Boomer (sinh từ 1946-1964) lần lượt là 30 và 35). Có lẽ do sớm thấm thía câu "thời gian là tiền bạc", Gen Z đã biết cách hành động sớm hòng có được cuộc sống viên mãn hơn khi về già.
Nhưng ai đã dạy người trẻ cách hoạch định tương lai tài chính như đã kể? Chắc chắn không phải nhà trường - nhiều người tốt nghiệp đại học cũng chưa chắc biết lãi suất kép hay thị trường chứng khoán hoạt động thế nào. Câu trả lời, ngạc nhiên thay, có thể là TikTok.
Xu hướng sử dụng mạng xã hội để học đầu tư vốn không mới. Thế hệ Millennial đã sử dụng Facebook (57%) và Instagram (53%) để tra cứu thông tin và tìm lời khuyên tài chính, theo khảo sát của Công ty tư vấn tài chính Credit Karma. Tuy nhiên, TikTok lại trở thành lựa chọn hàng đầu của Gen Z khi tìm hiểu về đầu tư và tài chính cá nhân, có lẽ do không khí thoải mái và kết cấu ngắn gọn mà các video trên nền tảng này thường mang lại.
Với nội dung đa dạng từ giảng giải khái niệm tài chính, hướng dẫn chơi chứng khoán đến khoe nhà, khoe xe, các video gắn hashtag #moneytok trên TikTok đã thu về tổng cộng 11,5 tỉ lượt xem. Nổi bật trong số này là các video của nhà đầu tư 28 tuổi Tori Dunlap, người đã đạt được hơn 2 triệu lượt theo dõi với các video ghi hình bản thân vừa nhún nhảy theo nhạc vừa trình bày các khái niệm như IRA (tài khoản hưu trí cá nhân) đến các công dân Mỹ nhỏ tuổi.
Theo Dunlap, thế hệ Z được tiếp cận với nguồn thông tin tài chính dồi dào hơn nhiều lần so với thời cha mẹ chúng, nhưng thứ gì quá cũng không tốt. Phần lớn lời khuyên kiểu “ngừng uống cà phê, ăn vặt để giàu” không chỉ thừa thãi, mà còn đầy phán xét và coi thường. “Không có một giải pháp toàn năng nào, mỗi người cần có một hành trình tài chính riêng” - cô khuyên.
Thế nhưng, lời khuyên của Dunlap cũng thường bị bỏ quên. 37% Gen Z được Credit Karma hỏi cho biết họ tiếp thu lời khuyên tiền bạc trên mạng mà không cần kiểm chứng. Dù mang vẻ chân thành như những người bạn “bỏ nhỏ” nhau thông tin mật, phần lớn các video #moneytok được chế tác kỹ càng với mục tiêu kiếm view là trước hết. Các thông tin đi kèm ít khi được dẫn nguồn và chuyện chúng kiếm được tiền hay không cũng chẳng ai kiểm chứng.
“Tôi thật sự khuyên mọi người nên sử dụng loại video này như một cánh cửa để bắt đầu tìm hiểu về tài chính cá nhân, sau đó tiến tới nói chuyện với các chuyên gia” - Colleen McCreary, lãnh đạo Credit Karma, nhắn nhủ.
Thông thạo công nghệ nhưng còn nhẹ dạ, biết lo nghĩ cho tương lai nhưng tình cảnh bấp bênh kéo dài, có lẽ còn quá sớm để biết Gen Z có trở thành một thế hệ thành công về mặt tiền bạc hay không. Tuy nhiên, chỉ riêng sự chủ động và táo bạo của lớp trẻ, điều giúp chúng làm những điều mà các thế hệ trước không làm được, có lẽ đã đủ để ta đặt niềm tin.
12 năm miệt mài đèn sách để đến được cổng trường đại học, nhiều người trẻ không có thời gian chuẩn bị cho bài toán cuộc đời: chi tiêu ra sao để “sống sót” trong thời sinh viên, tức giai đoạn “quá độ” trước khi chấm dứt phụ thuộc tài chính vào gia đình.
Trần Nguyễn Quốc Bảo (18 tuổi, quê Quảng Ngãi), sinh viên năm nhất ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), đang nhận 100% “ngân sách” từ gia đình với hạn mức 3 triệu/tháng - con số đã được cả nhà ngồi lại thảo luận kỹ lưỡng nhưng sớm “lạc hậu” trước các cơn bão giá.
Mối lo lớn nhất là mỗi lần có việc từ KTX ĐH Quốc gia TP.HCM ở TP Thủ Đức vào nội ô: vừa tốn tiền xăng xe vừa ăn uống đắt đỏ - một chầu nước ở trung tâm TP tệ gì cũng mất 40.000- 50.000 đồng, bằng cả một ngày ăn ở làng đại học.
Với những sinh viên như Bảo, ngoài thắt lưng buộc bụng là điều tất yếu, nhiều bạn trẻ cũng nghiêm túc theo dõi thu chi, hoặc thử sức với các hình thức “tiền đẻ ra tiền” như vàng hay chứng khoán, thậm chí chơi hụi, để gánh nặng cơm áo không ảnh hưởng chuyện học hành.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, chị làm lao động chân tay mất việc, Hồ Ngọc Thương (18 tuổi, quê Long An) lên Sài Gòn nhập học Trường ĐH Tài chính - marketing vào giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 vừa mới qua đỉnh, với chưa đầy chục triệu trong túi - là số tiền cả gia đình dành dụm lâu nay.
Thời gian đầu chỉ phải học online nên Thương đóng xong tiền học là tạm khỏe. Tết Nhâm Dần vừa dứt, trường cho học trực tiếp, không may lại tiếp nối bằng những ngày giá cả biến động, mỗi hạng mục chi tiêu của Thương đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Thương nghĩ ra cách quản lý hiệu quả bằng cách lập bảng tính Excel, ghi lại từng khoản tiêu xài trong ngày - tiền ăn, tiền mua vật dụng cá nhân và đồ dùng chung cho phòng trọ 4 người ở TP Thủ Đức, cũng như khoản thu - tiền công bưng bê cho một quán ăn (khoảng 20.000 đồng/giờ).
Nhằm tối ưu tài chính, cả 4 sinh viên trong phòng trọ của Thương đề ra những “quy tắc vàng”. Thứ nhất, nấu ăn 1 lần cho cả ngày, thường tốn chưa tới 100.000 đồng/ngày cho cả phòng. Thứ hai, hạn chế ăn ngoài. Thứ ba, tận dụng những món hàng mà gia đình mỗi bạn gửi lên như gạo, mắm, muối… Thứ tư, mỗi người sẽ thay phiên đi chợ, hết bao nhiêu “ghi nợ” vào một bảng Excel của phòng đến cuối tháng thanh toán một lượt.
Vì vậy mà giờ đây, Thương chỉ tốn không đến 3 triệu/tháng, chưa tính tiền học phí. “Vất vả nhất là tiền xăng, có tính toán chi li đến mấy cũng không ngờ lại tăng cao đến vậy. Mới tháng trước mình làm thêm ở Bình Tân, mỗi ngày đi đi về về Thủ Đức, đổ 50.000 đồng xăng xài được hơn 2 bữa. Giờ xăng lên cao quá đổ 50.000 không đủ một chặng đi - về” - Thương nói.
Ngoài cân đối chi tiêu, Thương cũng tiết kiệm thêm bằng cách chơi… hụi. Với đóng hằng tháng là 800.000 đồng, thông qua chị ruột ở Long An vào một dây hụi gồm những người quen, Thương xem đây là “một cách tiết kiệm vừa phải với cuộc sống sinh viên và số tiền mình làm thêm có được”.
Có lợi thế hơn những bạn ngoại tỉnh, Viên Anh Vy (21 tuổi, quê TP.HCM) không phải lo một số khoản tiền cố định như nhà ở, ăn uống. Mỗi tháng Vy chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng cho các nhu cầu cá nhân như đi lại, ăn ngoài với bạn bè hay mua sắm một số món đồ lặt vặt. Từ khi là sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Vy cho rằng đã đến lúc mình phải tự làm chủ chuyện tiền nong, dừng xin tiền bố mẹ.
Nhận thêm một số công việc marketing, Vy đủ trang trải những khoản chi cần thiết và còn dư ra một khoản độ 1 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này được Vy để nguyên trong tài khoản ngân hàng, không đụng đến, để dành cho những lúc bất trắc hay những chuyện khẩn cấp.
Vy kể bà nội bạn khuyên nếu tiền để không mà không làm gì thì nên mua vàng nhưng với Vy, chuyện bảo vệ tiền khỏi mất giá vẫn chưa quan trọng lắm. “Có lẽ những khoản tiền của mình còn nhỏ nên mình chưa nghĩ sâu xa đến chuyện tích lũy hay đầu tư” - Vy nói.
Trong khi đó, Phạm Vũ Tú Quỳnh (21 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), lại khá nghiêm túc với những bài toán tài chính cá nhân. Từ khi vào đại học đến nay, mỗi tháng tổng cộng Quỳnh chi khoảng 4 triệu cho tiền nhà, ăn ở và sinh hoạt phí. Mỗi khi nhận tiền tháng từ gia đình (khoảng 5 triệu), Quỳnh bỏ ngay 1 triệu vào quỹ tiết kiệm cho “chắc túi”.
Đến đầu năm 3, khi số tiền từ khoản tiết kiệm này đã tương đối lớn, theo sự chỉ dẫn của bạn bè, Quỳnh dùng cho đầu tư vào cổ phiếu để “tiền sinh ra tiền”. Quỳnh kể lúc đầu chơi chứng khoán theo phong cách lướt sóng, “chọn mặt gửi vàng” vào những cái tên sẽ có biến động trong ngắn hạn sau đó được giá thì nhanh chóng bán kiếm lời. Sau một thời gian, Quỳnh nhận thấy mình là dân xã hội lại dành quá nhiều thời gian để canh cổ phiếu, nhưng chốt lời ngắn hạn cũng không được bao nhiêu.
Hiện tại, Quỳnh chuyển sang chơi kiểu dài hạn, bỏ tiền vào những tên tuổi lớn có độ an toàn cao. Mỗi tháng kiếm được tiền từ các công việc làm thêm, ngoài các khoản chi cố định, Quỳnh để tiền vào một khoản tiết kiệm (dành cho những lúc bất trắc cần tiền ngay) và một khoản đầu tư (cổ phiếu). Tỉ lệ giữa 2 mục tiêu này hiện khoảng 3-7, tức cô nàng đang nghiêng về đầu tư. “Đầu năm đến nay thế giới nhiều biến động nên chứng khoán cũng lên xuống thất thường lắm. Tính ra đến lúc này, mình còn đang âm tiền chứng khoán” - Quỳnh nói.
Những người trẻ vì hoàn cảnh phải tính đến chuyện tiết kiệm, theo dõi chi tiêu từ sớm có thể sẽ duy trì thói quen đó đến khi đi làm và cuộc sống khá giả hơn. Nhưng cũng có người khởi đầu muộn hơn, bởi áp lực cơm áo gạo tiền chỉ đến khi họ đã qua tuổi trưởng thành.
“Cha mẹ mặc định là khi mình đi làm, mình sẽ tự biết để dành và quản lý tiền bạc cá nhân. Thỉnh thoảng, họ hỏi mình tiết kiệm được bao nhiêu và mình không thể có câu trả lời, vì mình thật sự không tiết kiệm được gì cả” - Lê Quỳnh (32 tuổi) chia sẻ thật lòng.
Sinh ra trong gia đình có cha mẹ làm kinh doanh, trong một thời gian dài Quỳnh không bị các áp lực về tài chính. Quỳnh chia sẻ tuy không thuộc nhóm những gia đình quá khá giả, cô vẫn không thiếu thốn thứ gì và luôn được cha mẹ xây dựng sẵn môi trường khiến Quỳnh cảm thấy an toàn, không phải quan tâm quá nhiều đến vấn đề tiền bạc.
Bên cạnh đó, bản thân là người không thích các vấn đề liên quan đến tính toán, “đụng” phải những con số. Ngay từ thời đi học, Lê Quỳnh đã có xu hướng né tránh những môn về kế toán, tài chính. Cô chỉ học đủ để biết và sau khi kết thúc môn, Quỳnh gần như không đọng lại kiến thức nào.
“Nhiều khi đi làm, mỗi tháng mình cũng chỉ nhận lương chứ không quan tâm gì mấy. Nói về kiến thức để quản lý tài chính cá nhân bài bản thì gần như mình không có. Thỉnh thoảng mình biết về những kiến thức cơ bản như vàng, ngân hàng là thông qua các cuộc trò chuyện với cha mẹ, bạn bè. Tuy nhiên, mình không để tâm đến việc đầu tư kiếm lời, phát sinh lợi nhuận. Nhìn chung, mình khá thờ ơ và tính tự lập về tài chính không cao” - Quỳnh nói.
Từ khi bắt đầu đi làm, Quỳnh cũng không thể để dành tiền tiết kiệm từ tiền lương hằng tháng. Dù không phải là người đua đòi nhưng thỉnh thoảng Quỳnh cũng “vung tay quá trán” khi chi tiêu vì không có ý thức và kỹ năng tiết kiệm.
Mọi thứ vẫn ổn cho đến năm ngoái, khi cha mẹ cô không còn kinh doanh nữa, đồng thời gia đình gặp biến cố về tài chính khiến hầu hết số tiền tiết kiệm bị thâm hụt. Em gái của Quỳnh đang học cấp III và chưa thể tự đi làm để phụ giúp cha mẹ.
“Mình đối diện với áp lực lớn về cân đối tiền bạc. Lúc đó mình mới thật sự phải học cách tiết kiệm. Đó là năm mình đã 31 tuổi. Mình cũng thay đổi nơi làm việc, và may mắn hiện nay lương mình ở mức có phần dư dả hơn trước kia để hỗ trợ gia đình” - Lê Quỳnh cho biết.
Tuy nhiên, để thay đổi toàn bộ thói quen và nâng cao kỹ năng quản lý tài chính một cách đột ngột, gấp rút không phải là điều dễ dàng. Đến nay, Quỳnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng cho bản thân. Cô tự nhận mình cũng khá lười tìm tòi để đọc thêm từ các nguồn thông tin và vẫn có xu hướng tránh né những chủ đề liên quan đến tính toán, tài chính.
“Mình hiểu rằng đây là điểm yếu rất lớn, nên thời gian gần đây mình cũng đã tập dạy cho em gái để em biết quan tâm hơn về vấn đề quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, hiện tại mình nhận thấy cả em gái mình cũng không hề để tâm đến kỹ năng này, dù nhiều lúc mình tìm mọi cách để trau dồi cho em” - Quỳnh trải lòng.
Dù bị ảnh hưởng lớn từ cách dùng tiền của cha mẹ - đa số là quan sát thói quen chi tiêu của gia đình, nhiều người trẻ cho biết không nhận được sự chia sẻ và giáo dục bài bản về quản lý tài chính từ các bậc phụ huynh.
Trần Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ ở nhà, mình chỉ được nghe những lời căn dặn rằng nên tiết kiệm, đừng hoang phí, cứ thế dần hình thành một tâm thế “phòng thủ”: Được nhận “ngân sách” 3 triệu thì trước hết phải xoay xở làm sao cho được trong mức 3 triệu ấy, thay vì sẽ kiếm thêm 1-2 triệu nữa để tiêu xài thoải mái hơn.
Viên Anh Vy cho rằng người có ảnh hưởng đến phong cách dùng tiền với bạn là bà nội. Không phải vì những buổi bà cháu hàn huyên tâm sự, cắt nghĩa về tiền bạc mà là từ việc quan sát hành vi chi tiêu của bà. Một thói quen có phần “truyền thống” đó là cân nhắc thiệt hơn cho từng lần xuất tiền. “Giờ đây khi được rủ rê một kèo đi đâu đó, mình đều lượng sức xem có đủ hay không. Trung bình nếu một kèo ăn uống mà trên 500.000 đồng, mình thường từ chối” - Vy nói.
Với Phạm Vũ Tú Quỳnh, từ bé cô nàng đã được dạy phải tiết kiệm. Chẳng hạn, nếu muốn mua một món đồ nào đó, bố mẹ của Quỳnh sẽ đặt ra chỉ tiêu cho con tự để dành trong khoảng 3 tháng (từ tiền bố mẹ cho sinh hoạt). Phần còn thiếu để đủ mua món đồ, bố mẹ sẽ giúp Quỳnh bù vào. “Mình nghĩ nhờ đó mà đến nay mình khá có ý thức về những vấn đề tài chính của cá nhân mình” - Quỳnh chia sẻ.
Sống trong gia đình có truyền thống tiết kiệm chi tiêu, từ nhỏ đến lớn Lao Minh Quân (30 tuổi) đều có xu hướng để dành, đến năm 25 tuổi thì bắt đầu có ý thức nhiều hơn về vấn đề tăng thêm thu nhập cá nhân để phục vụ cho cuộc sống về sau. Tuy nhiên, hầu hết các kiến thức về chứng khoán, tài chính, quản lý chi tiêu cá nhân… Quân đều học từ đúc kết của những người đi trước thông qua mối quan hệ bạn bè, sách, tài liệu online và YouTube thay vì được cha mẹ dạy.
“Cha mẹ không đồng tình nhiều với quan điểm tài chính của mình vì khoảng cách thế hệ dẫn đến góc nhìn và phương pháp cũng khác nhau. Nếu như trước kia, việc sở hữu tài sản chỉ cần tích cóp là đủ thì hiện nay nhiều người trẻ còn phải biết cách quản trị rủi ro và làm chủ cảm xúc khi đưa ra quyết định” - Minh Quân nói.
Nhận các dự án freelance từ khi vừa ra trường, sau đó làm quen với chứng khoán và liên tục học hỏi, đến nay Quân tự trau dồi cho mình được kiến thức khá ổn định về các lựa chọn đầu tư như vàng, nhà đất, chứng khoán… Theo Quân, càng nhiều kiến thức càng giúp có góc nhìn đa chiều để đưa ra quyết định phù hợp với bản thân nhất.
Tương tự, Lê Quỳnh chia sẻ trong suốt thời gian từ bé đến những năm đại học, cha mẹ cô chưa từng đề cập đến vấn đề quản lý chi tiêu cá nhân. “Cha mẹ mình xuất thân là những người lao động. Họ làm ra tiền, nhưng ở góc độ dạy dỗ con cái về năng lực quản lý tài chính cá nhân thì không hề có kiến thức bài bản. Hầu hết những gì cha mẹ trao đổi với mình là những câu chuyện kể chứ không phải là kiến thức hay kỹ năng. Họ nói về những khái niệm khá chung chung, ví dụ như đi làm thì phải tiết kiệm, nhưng về cách thức sắp xếp tài chính, đầu tư ra sao thì mình không được cung cấp kiến thức” - Quỳnh chia sẻ.
Trước khi tôi đi làm, gia đình tôi còn thuộc diện nghèo. Lớn lên với tài chính gia đình như vậy nên tôi không có chút ham muốn nào với hàng hiệu, thời trang hay công nghệ. Nhu cầu đơn giản thành ra tôi cũng chẳng hề có ham muốn kiếm tiền.
Nhưng nói vậy không có nghĩa tôi chưa bao giờ có khủng hoảng tài chính. Năm 2018, tôi chuyển ra ở riêng, kèm theo một số bước ngoặt trong sự nghiệp đã khiến tôi lần đầu tiên đổ nợ. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai, giai đoạn đó tôi đã chấp nhận làm tất cả mọi thứ có thể, cả việc thích lẫn không thích. Tuy khó khăn nhưng nó cho tôi nhiều cơ hội, trải nghiệm và bài học và cũng giúp rèn giũa các kỹ năng của tôi, giúp tôi nhận ra trong tay mình đang có những “cần câu cơm” nào có thể thỏa mãn được tất cả các nhu cầu chính: kiếm ra tiền, có niềm vui, hữu ích cho cuộc sống.
Hiện giờ thuật ngữ FOMO (Fear of Missing Out, sợ bỏ lỡ) đã rất phổ biến trong tài chính, đầu tư, giải trí… Còn tôi đã biết về trạng thái đó từ mười mấy năm trước khi đi du học Singapore nhưng là bằng tiếng Phúc Kiến - kiasu, hiểu đơn giản là “nỗi sợ mất”.
Tôi luôn kiasu với trải nghiệm mỹ học. Dù là trong giai đoạn thoải mái hay khó khăn, tôi chưa bao giờ bỏ lỡ một vở opera, ballet, đêm nhạc hay mùi nước hoa tôi yêu thích. Có một lần tôi được mời làm phiên dịch với giá 2 triệu một giờ. Đó là số tiền không nhỏ với một người trẻ mới đi làm và yêu cầu công việc cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng tôi đã từ chối vì nó trùng giờ với một buổi hòa nhạc.
Khỏi phải nói, gia đình lẫn bạn bè khi biết chuyện đều ít nhiều phản đối quyết định này. Nhưng tôi thì không hối hận. Vì không nhận việc đó, tôi vẫn có thể kiếm ra tiền cách khác, không được nhiều như vậy nhưng cũng sẽ cho tôi nhiều kinh nghiệm. Còn buổi hòa nhạc thì chỉ diễn ra có một lần mỗi năm. Đến lúc đi xem xong tôi mới biết buổi diễn hôm đó cũng là buổi diễn cuối cùng của nghệ sĩ Cho Haeryong, giảng viên Nhạc viện TP.HCM và cũng là huấn luyện thanh nhạc của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Chị đã tạm biệt Việt Nam để trở về quê hương Hàn Quốc.
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra sự quan trọng của mỹ học trong triết học và trong cuộc sống. Với tôi thì những trải nghiệm nghệ thuật và cái đẹp khiến tôi có một lăng kính khác về mọi thứ xung quanh và thế giới trẻ nên sâu sắc, tươi đẹp hơn trước rất nhiều. Có một câu nói trên mạng là: tiền không thể mua được hạnh phúc, nhưng thứ làm bạn hạnh phúc thì có thể mua được bằng tiền. Tôi nghĩ câu nói này chính xác với tôi và tôi mua trải nghiệm để khiến bản thân hạnh phúc.
Tất nhiên hạnh phúc là một cái mốc rất tượng trưng và nhu cầu con người thì chẳng có điểm dừng. Tôi đã không ít lần vung tay quá trán, cố đấm ăn xôi chỉ vì quá sợ mất, đến mức bất chấp cái giá phải trả. Vì tôi biết tôi có khả năng kiếm được tiền, cho nên cũng chẳng thiếu những lần ỷ y, tiêu pha rồi sau này kiếm ra trả lại. Bởi thế nên nếu có bất trắc xảy ra thì lúc ấy mới tá hỏa.
Tôi cũng chịu nhiều áp lực từ gia đình lẫn xã hội, đặc biệt khi xung quanh đầy tin nhan nhản về các tỉ phú trẻ thành công, bạn bè thì hết người này đến người kia bàn về kế hoạch đầu tư, mua bán. Tôi có thể lờ mờ nhận ra có những người bạn dần dần không còn thân thiết nữa vì cả hai không chung mối quan tâm.
Cũng có lúc ham muốn có nhiều tiền hơn trong tôi trỗi dậy nhưng khi đâm đầu vào guồng quay thì tôi cảm thấy bản thân như bị vắt kiệt và những điều thường ngày như giao tiếp, ăn uống chẳng còn mang đến chút niềm vui nào. Tôi trở nên cáu bẳn với người thân, căng thẳng và chán ghét cuộc sống. Vậy là tôi lại rút khỏi những điều đó, quay về một cuộc sống “bình thường”.
Hiện tại, tôi chia thu nhập thành các khoản riêng theo thứ tự ưu tiên: nhu cầu căn bản, sau đó là tiết kiệm, trải nghiệm và từ thiện. Thay vì đốt hết tiền cho một trải nghiệm nào đó, tôi sẽ cân nhắc lại và suy nghĩ xem cái “hạnh phúc” của tôi nó đặt ở đâu. Giữa việc có ngay một chai nước hoa nữa hay là để phần đó cho một dự án giáo dục mà tôi có thể chia sẻ nhiều trải nghiệm tuyệt vời với những người chưa có cơ hội được tiếp cận, điều gì sẽ khiến tôi vui hơn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận