Tầng 2 của Hàng được chủ quán ưu ái dành cho một lớp học đặc biệt, để từ đó những giai điệu say đắm được cất lên. Điểm chung duy nhất của cả thầy và học trò ở lớp học này là sự đam mê với quan họ và mong muốn duy trì, tiếp nối những giá trị đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Người thầy của lớp quan họ là bà Nguyễn Như Chính - người được các bạn trẻ gọi với cái tên thân thương là "U Hai". Bà là người Hà Nội nhưng lại có thời gian dài sống ở Bắc Ninh - cái nôi của quan họ. Những làn điệu quan họ, văn hóa quan họ thấm vào bà từ thời thanh xuân và gắn bó với bà đến bây giờ.
Bà Nguyễn Như Chính là chủ nhiệm câu lạc bộ Tri âm, tri kỷ tại Hà Nội, một nơi sinh hoạt quan họ thường xuyên và kết nối để tổ chức nhiều canh quan họ cổ ở Bắc Ninh.
Quan họ gen Z
"Liền anh, liền chị" trong lớp quan họ của U Hai đều ở tuổi gen Z. Nhưng cũng có những bạn trẻ học y, học các ngành kỹ thuật công nghệ không hề dính dáng gì đến nghệ thuật hay ca hát.
Lý do của Hương Giang, cô gái sinh năm 1997, là sự khám phá mới về bản thân: "Người trẻ bọn tôi đều có điểm chung là thích những thứ hiện đại, tốc độ.
Nhưng tình cờ dự một buổi dã ngoại với các bạn thích quan họ, được mặc trang phục của liền chị, chít khăn mỏ quạ, tôi chợt nhận thấy mình đang sống chậm rãi hơn, nữ tính hơn. Có thể nói một "tôi" khác vừa được khám phá. Tôi theo quan họ từ đó".
Trần Đắc Minh Đường, chàng trai sinh năm 2003 là một trong những học viên hiếm hoi của lớp quan họ học nhạc chuyên nghiệp. Đường đang học ngành biểu diễn nhạc cụ của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.
Đường bảo: "Khi thực hành nghệ thuật truyền thống, tôi nhận ra để thực sự hiểu và đưa nghệ thuật truyền thống vào âm nhạc thì lý thuyết và phân tích là không đủ.
Mà cần có thời gian học hỏi để ngấm, để làn điệu dân gian, văn hóa truyền thống thực sự là của mình, giống như lời nói hằng ngày vậy.
Tới lúc đó có thể tôi sẽ giải mã được điều tôi muốn tìm là định hình một phong cách của riêng tôi".
Nguyễn Đình Thuận sinh năm 2003, đang là sinh viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, là "trai Bắc Ninh" chính hiệu nhưng vẫn dành thời gian đi học quan họ bởi khi tìm đến nơi có những người đồng trang lứa cùng sự yêu thích, Thuận thấy như được trở về nhà.
Nguyễn Thế Đức, 17 tuổi, quê ở Sóc Sơn (Hà Nội) là em út của lớp học quan họ, thì dùng một câu quan họ để nói về lý do theo học của mình: "Có thương nên phải đi tìm". Mỗi tối thứ bảy, Đức phải vượt qua một chặng đường rất xa để đến lớp học.
Bạn trẻ đang học lớp 12 này cũng khiến mọi người bất ngờ khi em "găm" rất nhiều bài tự học qua việc nghe các nghệ nhân hát. Em thích hát, thích hỏi. Không chỉ hỏi trong lớp mà tiếp tục hỏi U Hai sau buổi học dù giọng còn chưa chuẩn chỉ.
Về "vẻ đẹp gốc"
Theo bà Nguyễn Như Chính, điểm chung của các học viên gen Z là sự say mê và ham học hỏi. Các em hỏi rất nhiều, hỏi cặn kẽ, muốn đi đến cùng vấn đề.
Là người từng gặp khó khăn rất nhiều khi tiếp cận lối dạy truyền khẩu của các cụ, phải tự mình đúc rút ra cách học, bà Chính cho biết:
"Để xóa nhòa khoảng cách thế hệ, tôi cũng phải hiểu tâm lý các bạn trẻ, cũng phải học ở các bạn ấy nhiều thứ, nhất là công nghệ. Vì thế mà tôi cố gắng tìm ra phương pháp để dạy, giúp các bạn trẻ bây giờ đỡ khó khăn như mình trước đây".
Mỗi câu quan họ đều có lời thơ cổ và đằng sau đó là một câu chuyện, một điển tích được người thầy uốn nắn đều để phù hợp với nếp nghĩ, nếp ứng xử, lời ăn tiếng nói ý tứ, tinh tế của người quan họ.
Và học quan họ không phải chỉ học hát mà học sống, học ứng xử, học từ những việc nhỏ nhặt như cách chít khăn mỏ quạ, cách cầm nón, cách nhường nhịn, thể hiện tình cảm với nhau...
Đó là những gì bà Như Chính muốn dạy học trò.
Nguyễn Hoàng Hiệp, thành viên điều hành Chèo 48h - Chèo về quê hương thế hệ kế cận và hiện là chủ nhiệm các lớp xẩm, quan họ, chia sẻ:
"Tiếp cận được giá trị gốc để không bị nhầm lẫn với những thứ đã bị phôi pha trong cuộc sống hiện đại là điều chúng tôi muốn khi tổ chức lớp học".
Trong hành trình trải nghiệm với quan họ, Hương Giang chỉ có một câu nhận xét về quan họ là "đẹp". Bạn giải thích không phải vẻ đẹp của hình thức, không chỉ là vẻ đẹp của làn điệu mà một vẻ đẹp nhân sinh. Còn Thuận chia sẻ: " Em thấy bình yên khi đắm chìm vào giá trị truyền thống".
Đinh Thảo, cô gái thuộc thế hệ đầu của dự án Chèo 48h - Chèo về quê hương, thì nói đến một điều khác: Những bạn trẻ yêu giá trị nghệ thuật truyền thống có thể tìm thấy nhau ở điểm chung để kết bạn, để trở thành tri âm, tri kỷ và để "trở về" mỗi khi gặp sóng gió trên đường đời.
Chân dung người trẻ từ một lớp học quan họ là như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận