Các bạn trẻ xả rác trên cầu Bình Lợi (Q.Thủ Đức, TP.HCM) vào tối 7-5 - Ảnh: Ngọc Hiển |
Để làm được điều này, những người trẻ cần phải ý thức được vai trò của mình để thay đổi nếp sống từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày.
Thói quen nhếch nhác
Đại lộ Mai Chí Thọ (Q.2, TP.HCM) thu hút hàng trăm bạn trẻ trải chiếu ngồi ăn uống dọc hai vỉa hè hằng đêm. Khi đã chè chén no nê, không ít bạn trẻ phơi bày cách ứng xử kém lịch sự của mình. Có nhóm để nguyên cả bãi rác trên vỉa hè, có nhóm cuốn cả chiếu thức ăn thừa hất xuống lùm cây ven đường rồi phủi tay ra về.
Tương tự, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), mặc dù UBND TP đã cấm các hành vi ăn uống từ ngày 18-4 nhưng đến đầu tháng 5 các bạn trẻ vẫn vô tư ngồi ăn uống giữa phố đi bộ. Đáng trách hơn, các bạn trẻ vẫn xả ra giữa phố đi bộ những vỏ chai, ly nhựa dù thùng rác chỉ cách đó vài bước chân.
Cầu Thủ Thiêm (Q.2) và cầu Bình Lợi (Q.Thủ Đức) cũng là nơi thu hút nhiều người đến hóng mát về đêm. Các bạn trẻ dựng xe ngay trên cầu, bày thức ăn, nước uống rồi xả bao nilông, chai nhựa, hộp xốp đựng thức ăn thừa... xuống ngay dưới chân mình.
Thậm chí có người còn thản nhiên ném rác xuống sông Sài Gòn. Hình ảnh nhếch nhác này cứ lặp đi lặp lại hằng đêm như một thói quen của giới trẻ.
Mới đêm 6-5, trên đường đi làm về, tôi chứng kiến một nhóm khoảng chục thanh niên đá bóng giữa đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn gần cầu Calmette.
Ít ai có thể hình dung được một hình ảnh hết sức nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng luật giao thông như thế lại xảy ra ngay giữa Q.1, trung tâm của TP.
Đáng buồn hơn, người vi phạm lại chính là những bạn trẻ. Những đoàn ôtô đã phải đi chậm lại, lách ra giữa đường để tránh tốp thanh niên và bóp những hồi còi dài tỏ thái độ nhưng bóng vẫn cứ lăn với hiểm nguy rình rập cả người chơi bóng lẫn người tham gia giao thông.
Thay đổi để vươn lên
Khi tôi hỏi tại sao lại xả rác trên cầu, một nữ sinh dạo chơi trên cầu Bình Lợi đã trả lời: “Quanh đây chẳng có thùng rác nào cả nên phải vứt xuống đường, ai cũng như thế. Ném xuống sông chẳng ai nhặt chứ để trên cầu này trước sau gì cũng có người đến vệ sinh mà”.
Trên các chuyến xe buýt hay tàu điện ngầm ở Singapore, các bạn trẻ tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc nhường ghế cho người già, phụ nữ và trẻ em. Thậm chí, giới trẻ của đảo quốc này không bao giờ ngồi lên những chiếc ghế đã đánh dấu ưu tiên dù không có khách. |
Một câu trả lời đã bộc lộ tâm lý tùy tiện, ỷ lại và thụ động của một bộ phận giới trẻ TP. Trên cầu không có thùng rác thì các bạn có thể mang đi nơi khác hoặc mang về nhà bỏ vào thùng rác, chứ không thể vứt bừa bãi làm ảnh hưởng đến môi trường của TP!
Tương tự, khi nghe tôi hỏi vì sao đá bóng giữa đường, một thanh niên trong nhóm đá bóng ở đại lộ Võ Văn Kiệt trả lời: “Biết đá giữa đường là sai nhưng nếu không đá ở đây thì đá ở đâu?”. Phát triển thể chất là nhu cầu chính đáng của cư dân TP, nhưng không thể vin vào lý do đó để bao biện cho hành vi sai trái của mình, nhất là khi nó đã vi phạm pháp luật.
Điều này cho thấy một bộ phận giới trẻ của TP chưa biết sống vì người khác, coi lợi ích cá nhân hơn lợi ích chung của cộng đồng.
Lối sống nhường nhịn, biết sống vì người khác bắt đầu từ những hành động nhỏ nhặt như thế đã tạo thành thói quen và là chuẩn mực xã hội của con người Singapore.
Đó chính là nếp sống đô thị của đất nước đang dẫn đầu Đông Nam Á về mọi mặt mà chúng ta cần phải học hỏi trước khi muốn sánh vai hoặc vươn lên ở vị trí số 1.
Ở Yangon (Myanmar) chật chội, đông đúc xe cộ và hàng quán vỉa hè tương tự ở đất nước chúng ta. Nhưng lạ kỳ thay, đường sá ở đây sạch sẽ, không có rác rưởi vương vãi dọc vỉa hè, lề đường như tại TP.HCM. Trò chuyện với người dân Myanmar, chúng tôi được biết bên cạnh các quy định xử phạt của chính quyền thì việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng đã đi vào tiềm thức của người dân địa phương.
Bắt đầu từ văn hóa đô thị Lúc còn sống, ông nội tôi kể rằng ngày xưa đối với người miền Trung chúng tôi, bất cứ ai có dịp được đến Sài Gòn hoa lệ dù chỉ vài ngày cũng cảm thấy hãnh diện. Hồi đó ở Sài Gòn, các bà, các cô ra đường cứ thoải mái đeo dây chuyền, bông tai mà không sợ cướp giật, đi chợ Bến Thành cũng chẳng hề lo người bán hét giá trên trời, nạn móc túi lại càng hiếm xảy ra. Đi cả ngày ngoài đường, gặp hàng trăm người ai nấy đều lịch sự, hiếu khách, có đi lạc cũng không đáng lo vì chỉ cần nói tên đường là xích lô đưa về tận nơi với giá phải chăng... Vì vậy, tôi cho rằng để TP.HCM vươn lên vị trí số 1, có một yếu tố mà chúng ta có thể làm nhanh được, đó chính là xây dựng nếp sống văn hóa trong người dân TP, bao gồm văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh... Đây đều là những mục tiêu khả thi mà không cần đầu tư nhiều vốn liếng. Người dân TP hoàn toàn có thể dẹp triệt để hành vi chạy xe vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; biết bỏ rác đúng nơi quy định; biết xếp hàng khi đi thang máy, lúc tính tiền trong siêu thị; sẵn sàng nhường nhịn nhau khi xảy ra hiểu lầm; buôn bán, kinh doanh không nói thách, “chặt chém”, niềm nở với khách dù họ không mua hàng... Những hành động đúng chuẩn này luôn có sẵn trong mỗi con người, chỉ có điều là trong trạng thái tiềm ẩn, nếu biết đánh thức sẽ trỗi dậy ngay. Muốn làm được việc đánh thức này, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người dân, chính quyền TP cần áp dụng những biện pháp cứng rắn, kiên quyết hơn, xử phạt cao hơn với các vi phạm. Người thi hành công vụ làm nghiêm thì luật pháp mới có tác dụng giáo dục, những ai định làm điều sai trái sẽ phải chủ động chỉnh sửa. Bên cạnh đó, mỗi người dân ngoài việc sống tốt còn phải biết phê phán, đấu tranh với những thói hư tật xấu, hành vi sai trái, dám góp ý khi thấy người khác vứt rác bừa bãi, hút thuốc nơi công cộng... TP sẽ đẹp hơn, đáng sống hơn nếu mỗi người cùng chung tay góp sức xây dựng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận