Cầm chai nước mắm trên tay hồi lâu rồi bà Lớn nhẹ nhàng kể về câu chuyện làm nước mắm truyền thống của gia đình theo dòng ký ức "gãy khúc" của mình.
Không thể xa quê vì nhớ mùi nước mắm
Quê gốc của bà Lớn ở xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc, Kiên Giang). Bà nói, đảo Phú Quốc hồi đó còn hoang sơ lắm - cái thời đất rừng mênh mông, cây cối xanh mướt. Cá, mực, ghẹ… ở dưới biển còn đầy nhóc.
"Cá cơm ở Bãi Bổn hồi đó minh thiên, ăn hổng hết đâu", bà Lớn nhớ.
Ngồi cạnh bà Lớn, bà Trương Thị Thuỳ Mai (con dâu của bà) cũng góp chuyện: "Má tôi trước khi về làm dâu là gia đình đã làm nước mắm rồi! Cá cơm hồi đó nhiều nên làm nước mắm để bán".
Không biết chữ nhưng bà Lớn tính toán rất hay. Làm nước mắm cũng ít ai qua được bà và ông Hà Văn Hiền (chồng bà Lớn) vì có cách làm riêng, nổi tiếng ở xứ đảo này.
Cá cơm đánh bắt ở biển mang về còn tươi rói, bà đem ướp với tỉ lệ 3 cá 1 muối. Sau đó ông Hiền sẽ đem vào thùng ủ chượp (thùng được đóng bằng cây bời lời ở rừng Phú Quốc) ủ 12 tháng thì được nước mắm.
Muốn biết độ ngon của nước mắm, theo kinh nghiệm, bà chỉ cần rót một ít nước mắm ra ly thuỷ tinh, nước mắm có màu nâu cánh gián và sánh đặc là được.
"Đi buôn nước mắm hồi đó cũng cực lắm! Má tôi phải đưa nước mắm lên thuyền rồi xuôi theo gió đi đến Hà Tiên, Tân Châu (An Giang), Đồng Tháp, có khi lênh đênh trên thuyền sang Thái Lan để bán. Mỗi chuyến đi như thế có thể mất cả tháng ròng lênh đênh trên biển", bà Thuỳ Mai, nói.
Năm 1946, giặc Pháp đánh ra tận Phú Quốc. Gia đình bà Lớn chạy về Xà Lực (xã Bãi Thơm) rồi đến xã Dương Tơ. Năm 1966, bà Lớn cùng 6 người con quay về ở Dương Đông. Lúc này, gia đình bà quay lại nghề làm nước mắm để sinh sống.
Năm 1980, bà Lớn qua Úc sống cùng con gái. Nhưng nhớ quê hương, nhớ mùi vị nước mắm quê nhà nên đến năm 1989 bà trở về Phú Quốc.
Bà Lớn quyết định đầu tư làm thêm 10 thùng ủ chượp (khoảng 9-10 tấn cá cơm/thùng), mở rộng quy mô nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình với thương hiệu Hồng Đài. Sau này khi tách ra lại mang hiệu nước mắm Đại Đức (ở phường Dương Đông) nổi tiếng đến ngày hôm nay.
Sống an vui bên cháu con
Năm nay bà Lớn đã 103 tuổi, khoẻ mạnh. Mái tóc bạc phơ, cùng với gương mặt hồng hào càng khiến cho chúng tôi cảm nhận được một cuộc sống an nhiên, vui vầy bên con cháu của bà.
Anh Hà Tấn Tài (cháu nội bà Lớn) ở phường Dương Đông cho biết, bà Lớn rất mê đi câu cá. "Hồi ở Úc, sáng thứ bảy hằng tuần bà tôi đã thức sớm chuẩn bị cùng con cháu đi câu. Ngồi xe, rồi tàu lênh đênh trên biển cả tiếng mà bà không mệt. Đi câu là bà tôi mê lắm", anh Tài nói.
Theo anh Tài, nhân dịp sinh nhật 100 của bà Lớn (ngày 16-2-1920 - 16-2-2020) Nữ hoàng Anh Elizabeth II gửi thiệp chúc mừng: "Tôi rất vui mừng khi nghe tin bạn đang ăn mừng sinh nhật lần thứ 100. Tôi xin chân thành chúc mừng và gửi lời chúc tốt nhất trong ngày đặc biệt này".
Thủ tướng Úc Scott Morrison - cũng có bức thiệp gửi tặng đúng vào dịp sinh nhật thứ 100 của bà Lớn và kèm theo những lời chúc tốt đẹp.
Hiện tại bà Lớn đã về lại Phú Quốc. Ở đây, bà vui vẻ an hưởng tuổi già cùng cháu con. Cuối tuần, gia đình anh Tài tổ chức những chuyến đi dã ngoại để bà Lớn ra bãi biển Dinh Cậu, Hàm Ninh ngắm hoàng hôn với mong muốn bà có cuộc sống an nhiên bên gia đình và trên chính quê hương đảo Ngọc này.
Ông Huỳnh Quang Thanh - chủ tịch Hội người cao tuổi ở phường Dương Đông - xác nhận ở Phú Quốc hiện có bà Lớn là người sống trường thọ ở địa phương. Ở cái tuổi 103 nhưng bà vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn và sống vui vẻ với con cháu trong gia đình.
Nước mắm Đại Đức đến với người dân Campuchia
Hiện nước mắm Đại Đức đã xuất đường tiểu ngạch qua thị trường Campuchia. Đồng thời, thương hiệu nước mắm Đại Đức cũng quảng bá và ra mắt đến người dân Thái Lan.
Anh Tài cho biết mỗi năm nhà thùng sản xuất ra khoảng 1 triệu lít nước mắm truyền thống và bán ở hầu hết các thị trong nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Tĩnh, TP.HCM, TP Cần Thơ, Kiên Giang và Côn Đảo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận