Kết quả khảo sát nhận thức và hành vi tiêu dùng xanh 2024 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, vừa công bố - cho thấy xu hướng tiêu dùng bền vững tại Việt Nam đang dần được quan tâm nhiều hơn.
Cụ thể, có tới 59% người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các sản phẩm xanh trong thời gian tới, với 44% người dùng sẵn sàng chi thêm từ 5-10% giá so với sản phẩm thông thường để hỗ trợ tiêu dùng bền vững.
Mặc dù nhận thức về lợi ích của tiêu dùng xanh đã được cải thiện, khảo sát cũng chỉ ra rằng tỉ lệ người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh vẫn còn thấp, chỉ khoảng 12-18% tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Rào cản chính là giá cả cao và sự sẵn có hạn chế của các sản phẩm xanh.
Cụ thể, người tiêu dùng hiện nay nhận thức khá tích cực về những lợi ích mà tiêu dùng xanh mang lại. Nhưng từ ý thức tới hành động vẫn còn một khoảng cách khá lớn thể hiện ở mức độ ưu tiên của họ đối với tiêu dùng xanh còn hạn chế.
Lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của phần lớn người dùng hiện nay. Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá "tối màu".
Trong đó, nhóm thực phẩm xanh có mức độ cao nhất so với sản phẩm xanh các ngành khác nhưng cũng chỉ đạt gần tới mức độ thường xuyên, chứ chưa đạt đến mức độ sử dụng thường xuyên.
Sản phẩm hóa mỹ phẩm xanh và đồ gia dụng xanh được sử dụng ở mức độ thỉnh thoảng. Các sản phẩm dụng cụ thể thao, văn phòng phẩm, phương tiện đi lại và may mặc xanh còn ít khi được mua dùng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy quan điểm của người tiêu dùng hiện nay là chưa nỗ lực mua sản phẩm xanh, chỉ ở 3,5 điểm trên thang điểm 5, và chưa mặn mà với việc khuyến khích người thân, bạn bè tiêu dùng sản phẩm xanh.
Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31 - 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng.
Điều đáng chú ý, người tiêu dùng coi trọng chất lượng, an toàn, và tác động tích cực đến sức khỏe khi chọn mua sản phẩm xanh. Tuy nhiên, sự thiếu hụt thông tin và chính sách khuyến khích cũng cản trở xu hướng này phát triển.
Cũng theo khảo sát, rào cản lớn nhất đối với người dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn về chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất, điều này làm giảm lòng tin đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường. Có đến 18% người dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ.
Những kết quả này nhấn mạnh nhu cầu cải thiện chính sách hỗ trợ tiêu dùng xanh, mở rộng phạm vi cung cấp và tăng cường truyền thông nhằm khuyến khích cộng đồng chuyển sang tiêu dùng bền vững.
Trong đó, nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về sản phẩm và tiêu dùng xanh. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh, đảm bảo sự thống nhất và minh bạch trong quy trình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận