01/06/2019 14:31 GMT+7

Người thiểu số còn ai nói tiếng dân tộc mình?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Nhiều câu chuyện khó tin về hiện trạng mai một văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước đang được 'bày ra' một cách ngậm ngùi...

Người thiểu số còn ai nói tiếng dân tộc mình? - Ảnh 1.

Hiện có 17-18 nhóm người Dao cư trú ở những vùng khác nhau. Trong ảnh: lễ cấp sắc (tập tục đánh dấu sự trưởng thành của nam giới) của người Dao đỏ tại xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai - Ảnh: NGỌC BẰNG

Đó là những câu chuyện được chia sẻ tại hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong đồng bào , do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) tổ chức ngày 31-5 ở Hà Nội.

Nếu không giữ được ngôn ngữ thì việc giữ văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số là vô cùng khó khăn.

Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY

Liệu chúng tôi có mất ngôn ngữ?

Câu chuyện của TS Bàn Thị Quỳnh Dao (Viện Văn học) tại hội thảo khiến nhiều người phải liên tục dẫn lại để bàn luận. TS Quỳnh Dao có cha là người Dao Tiền và mẹ là người Kinh.

Cha của bà là người Dao đầu tiên có bằng TS tại Liên Xô, thông thạo cả tiếng Nga và tiếng Trung nhưng vẫn không quên tiếng Dao của mình. Nhưng tới lượt bà Quỳnh Dao và anh em của bà, mọi sự đã thay đổi.

Sống giữa những người Kinh, bà và các anh em của bà không dám nói tiếng Dao vì "rất sợ mọi người nhận ra mình là người dân tộc thiểu số".

Thế hệ những người Dao "thoát ly" khỏi bản làng như gia đình bà Dao đã vậy, nhưng ngay trong chính cộng đồng người Dao ở giữa bản làng cũng không còn mấy người đọc được và biết chữ Nôm Dao nữa.

Bà Quỳnh Dao nói ngay cả những thầy cúng cũng chỉ truyền khẩu các bài dân ca chứ không biết đọc, viết chữ Dao. Mỗi địa phương đều có các trường dân tộc nội trú, nhưng việc dạy ngôn ngữ dân tộc ở đây không được coi trọng.

"Liệu người Dao chúng tôi có mất ngôn ngữ của mình không?", bà Quỳnh Dao đặt câu hỏ.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy tỏ ra rất cảm thông với tâm sự của TS Quỳnh Dao bởi thứ trưởng cũng có cha là người Kinh, mẹ người Mường.

Do môi trường sống và công việc, bà Thủy rất ít có cơ hội được nói tiếng mẹ đẻ, nhưng bà lo lắng khi chính những người thân của bà dù 100% là người Mường và vẫn đang sống ở bản làng nhưng cũng ngày càng ít nói tiếng Mường, bởi những đứa trẻ đi học một thời gian sau đều chuyển sang nói tiếng Kinh với ông bà cha mẹ mình.

Chỉ khi bà Thủy về thăm quê, chủ động nói tiếng Mường với mọi người, lúc ấy ngôi nhà của người Mường giữa núi rừng mới lại vang lên những thanh âm của tiếng Mường.

Cũng câu chuyện giữ ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số, GS.TS Bùi Quang Thanh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN) đưa ra những con số giật mình từ một cuộc khảo sát mới đây: số người có thể viết được chữ Thái ở Yên Bái còn 2 người, Sơn La 25 người, Lai Châu 18 người.

Sự tan vỡ của văn hóa truyền thống

Hội thảo còn chỉ ra rất nhiều câu chuyện về sự tan vỡ văn hóa truyền thống ở các cộng đồng dân tộc thiểu số vì nhiều lý do khác nhau: toàn cầu hóa, chính sách tái định cư làm thủy điện và cả vì những chính sách bảo tồn văn hóa dân tộc "không hiểu về văn hóa".

Đó là chuyện thanh niên Tà Riềng ở biên giới Việt - Lào tỉnh Quảng Nam không ai còn biết gì về lễ hội truyền thống của dân tộc mình nữa bởi cồng chiêng của họ đã mất hết trong chiến tranh, không có cồng chiêng thì không có lễ hội.

Đó là chuyện hầu hết những ngôi nhà gươl của người Ka Tu (Cơ Tu) bị bêtông hóa, đồng bào từ chối sử dụng vì "Giàng không ở nhà đó thì chúng tôi đến làm gì".

Có cả câu chuyện tan vỡ của cả một bản làng người Cơ Tu ở khu vực tái định cư thủy điện, xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam do người dân bị mất đi không gian sinh sống hòa thuận với thiên nhiên, đất màu mỡ khiến tập quán sản xuất thay đổi, dẫn tới đời sống văn hóa cũng bị phá vỡ theo.

Chuyện những nhà gươl bêtông bị chính đồng bào chối bỏ, theo GS.TS Bùi Quang Thanh, là do chính sách bảo tồn văn hóa của đồng bào không xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa và chủ thể văn hóa.

PGS.TS Lê Ngọc Thắng (Trường Cán bộ quản lý VH-TT&DL) cũng đồng ý với ông Thanh: "Chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc đề ra chính sách trong bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số hiện nay: phải đầu tư cho cộng đồng, nghệ nhân - chính chủ thể văn hóa, còn hệ thống quản lý chỉ đóng vai trò bà đỡ".

Số hóa để bảo tồn?

PGS.TS Lê Ngọc Thắng gợi ý một biện pháp "cứu nguy" văn hóa dân tộc thiểu số là mời cán bộ về hưu dạy và mời nghệ nhân dạy đàn, hát cho bà con.

Ông cùng với một số đại biểu khác cũng nhắc tới giải pháp giúp bà con phát triển du lịch để khơi dậy tình yêu và ý thức giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.

Tuy nhiên, các đại biểu này chỉ nhìn thấy mặt tích cực của du lịch với bảo tồn văn hóa, mà không thấy mặt trái của những hoạt động chỉ mang tính trình diễn, những ảnh hưởng tiêu cực khác đến văn hóa bản địa.

GS.TS Lưu Trần Tiêu đưa ra giải pháp bảo tồn là cần phải lựa chọn các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng , rồi số hóa nó để bảo tồn. Có thể đưa những tư liệu số hóa này lên mạng xã hội để tiếp cận tới các bạn trẻ dân tộc thiểu số.

TTO - Hành trình làm phim 'Về nhà' không chỉ khiến êkip làm phim người Kinh ngạc nhiên về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số, mà còn khiến khán giả ồ à vì những gì họ nhìn thấy khác xa với hiểu biết lâu nay.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp