26/02/2023 10:53 GMT+7

'Người thầy' thầm lặng của bác sĩ

Phòng thực nghiệm xác tươi của bộ môn giải phẫu học (ĐH Y Dược TP.HCM) luôn trong trạng thái im phăng phắc. Chỉ có ánh đèn hòa vào ánh mắt học viên chăm chú dõi theo từng đường mổ.

Sau buổi lễ tri ân, từng dòng người di chuyển đến phòng thực tập giải phẫu để dâng hương cho những “người thầy” thầm lặng của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sau buổi lễ tri ân, từng dòng người di chuyển đến phòng thực tập giải phẫu để dâng hương cho những “người thầy” thầm lặng của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đã gần 70 năm qua, bộ môn giải phẫu học (tiền thân là cơ thể học viện) chính là nơi tiếp nhận và lưu trữ hàng trăm thi thể hiến tặng sau khi qua đời.

Các thi thể (xác ướp, xác tươi) được ví như những "đóa hoa bất tử", "người thầy" thầm lặng của biết bao thế hệ sinh viên y khoa trước khi trở thành bác sĩ thực thụ. Nhắc nhớ, tri ân đội ngũ y bác sĩ, chúng ta không thể quên những "người thầy" thầm lặng này.

Những "ông bà" bất tử

TP trong một ngày nắng chói chang, chúng tôi may mắn được theo chân nữ kỹ thuật viên Minh Kha đến giảng đường bộ môn giải phẫu học. Ngay hành lang, nhiều bộ phận cơ thể người mô phỏng được trưng bày, bên trong phòng thực nghiệm có gần cả trăm xác ướp hiến tặng nằm lặng trong hòm inox.

Dõi mắt quan sát nhóm sinh viên đang mày mò xem các bộ phận cơ thể trên xác ướp, bác sĩ Nguyễn Minh Kỳ nói rằng tất cả đều là thi thể của các "ông bà" hiến tặng cho y học. 

Danh tính các "ông bà" được công khai trên tấm bảng "sơ đồ phòng thực tập xác". Trên tấm bảng ấy, từng mẩu giấy được đánh số thứ tự, tên, ngày sinh, ngày mất và cả quê quán.

Trước khi trở thành những "đóa hoa bất tử", các "ông bà" từng đến giảng đường này và được tận mắt chứng kiến các "cháu" sinh viên thực hành, nhờ đó hiểu rất rõ mục đích sử dụng thi thể mình sau hiến tặng. 

"Nếu có linh hồn, tôi tin các ông bà đều mong muốn cho các bạn sinh viên thực tập thật tốt, trở thành bác sĩ giỏi cứu giúp người bệnh" - bác sĩ Kỳ bộc bạch.

Phía sau những thi thể hiến tặng là câu chuyện xúc động từ người ở lại. Bà Nguyễn Thị Thẩm (57 tuổi, ngụ Cần Thơ) ngậm ngùi kể năm 2014 cha bà qua đời thì 10 năm trước đó ông đã có ý nguyện đăng ký hiến xác cho y học. 

Những ngày cuối đời, ông không thôi căn dặn các con "cha mất rồi, phải nhớ cho cha được hiến xác như ý nguyện nghen con" bởi theo ông, đây là điều cuối cùng ý nghĩa nhất mà ông có thể cống hiến cho quê hương, đất nước.

Và khi di nguyện cho cha hoàn thành, gia đình bà Thẩm phải đối diện với không ít lời gièm pha, nặng nề nhất là "hiến xác được bao nhiêu tiền?". Sau nhiều năm, sau bao lời đàm tiếu, giờ đây bà Thẩm bảo đã có người hiểu đến hỏi thủ tục đăng ký hiến xác, có người còn rất trẻ. 

"Chúng tôi rất tự hào vì những gì cha đã làm. Cũng vì hiểu và tự hào vì điều đó mà giờ đây anh trai tôi cũng đăng ký hiến xác sau khi qua đời" - bà Thẩm xúc động nói.

Còn ông Trương Ngọc Thời (ngụ quận Bình Thạnh) là người may mắn được chứng kiến nơi các sinh viên y khoa thực hành trên xác ướp. Cũng từ hiểu được hành trình trở thành một "bác sĩ giỏi không hề đơn giản", ông đã chủ động đăng ký hiến xác sau khi qua đời. 

Nghĩa cử của ông còn lan tỏa khi mới đây có hơn chục người, đều là người thân, bạn bè cùng đăng ký hiến xác. "Anh trai tôi cũng là một bác sĩ phẫu thuật giỏi và để đạt được thành quả ấy là nhờ được giải phẫu những thi thể hiến tặng khi còn là sinh viên y khoa" - ông Thời chia sẻ.

Bài văn tế được sinh viên bộ môn giải phẫu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đọc tại buổi lễ tri ân thể hiện lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đến những “người thầy” thầm lặng đã hiến thân cho khoa học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bài văn tế được sinh viên bộ môn giải phẫu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM đọc tại buổi lễ tri ân thể hiện lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đến những “người thầy” thầm lặng đã hiến thân cho khoa học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trân trọng và biết ơn

Với người bình thường, việc tiếp xúc thi thể đôi khi mang đầy cảm giác ám ảnh nhưng với những ai chọn nghề y, đó chỉ là bước khởi đầu. Trong hành trình trở thành bác sĩ, họ phải vượt qua nỗi ám ảnh sợ hãi ấy.

Bác sĩ Nguyễn Minh Kỳ cho hay đa số sinh viên y khoa đều rất mong chờ đến kỳ được học môn này, bởi các em hiểu đây là cơ hội vận dụng kiến thức từ lý thuyết ra thực tế. Khi tiếp xúc với xác, các sinh viên đều phải mặc áo blouse trắng, đeo găng tay. 

Mọi thao tác, cử chỉ thực nghiệm trên xác đều phải thật nhẹ nhàng, nâng niu. "Các bạn có thể vén xem các bộ phận nhưng phải nhẹ nhàng, tôn trọng và không được phép đùa giỡn" - bác sĩ Kỳ chia sẻ.

Và điều đặc biệt rất khác với các hình ảnh trong Atlat hoặc mô hình, theo bác sĩ Kỳ, những kiến thức mà sinh viên học được trên xác vô cùng bổ ích, bởi đều là hình ảnh trực quan. 

Ở mỗi xác hiến là một cá thể khác nhau, có người to con, người nhỏ con, có người vùng tay, chân vận động nhiều nên cơ săn chắc dễ nhận biết hơn. 

"Các bạn sinh viên sẽ dựa vào các cấu trúc thực tế trên xác, cộng với kiến thức được học có thể xem từ nông tới sâu các bộ phận, từ đó suy luận được mối quan hệ giữa các cơ, mạch máu, dây thần kinh của từng khu vực" - một giảng viên hướng dẫn.

Hồ Thị Minh Châu (quê Quảng Nam), sinh viên năm nhất khoa y học cổ truyền ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ cô rất trân trọng và biết ơn "các ông, các bà là ân nhân, là những người thầy thầm lặng" - Minh Châu xúc động. 

Và như hiểu được giá trị ấy, cô sinh viên vừa tròn 20 tuổi này luôn tự hứa sẽ thực hành một cách nâng niu, xem đây là "cơ hội quý báu" hiện thực hóa kiến thức được học trong sách vở.

Còn với Ngô Bội Ân (20 tuổi), tuy theo học ngành y học cổ truyền nhưng cô khẳng định "không có nghĩa là chỉ có học bắt mạch, bốc thuốc hay ấn huyệt". "Học nghề y bắt buộc phải học giải phẫu mới hiểu và chẩn đoán đúng bệnh lý" - Ân quả quyết. 

Giờ học, Ân ngồi lật qua lật lại chiếc xương chậu, tỉ mỉ đối chiếu với hình do mình vẽ trong vở và như vỡ lẽ nhiều kiến thức đã học. 

So với hình "mẫu", Ân đúc kết chiếc xương chậu trên thực tế có nhiều điểm đặc biệt về cấu trúc, không phải xương nào cũng giống y hệt nhau. Và cũng nhờ việc được cầm xương thực hành, Ân nói dễ hình dung về cấu trúc và sẽ nhớ lâu hơn bài học.

Ra trường vẫn phải học thêm từ những "người thầy" thầm lặng

Ngoài "thực nghiệm" trên xác ướp, việc được phẫu thuật trên xác tươi nâng tay nghề đang là mong mỏi của nhiều bác sĩ mới ra trường.

Trong phòng thực hành xác tươi, hai bác sĩ trẻ Lâm Kiếm Hồng và Nguyễn Hoàng Sơn tự tin ngồi trước thi thể nam giới ngoài 60 tuổi. Dưới ánh đèn sáng trưng, họ tỉ mẩn rạch từng vùng da trên các cánh tay bóc tách tìm các mạch máu lẩn khuất trong thớ thịt.

Với bác sĩ Hồng, đây là "bài học đầu tiên" giúp mình tích lũy kinh nghiệm trở thành bác sĩ. Bài học này cũng giống như việc đứng trước một bệnh nhân bị phỏng nặng mất nhiều da.

"Không chỉ tìm da thay thế, phẫu thuật viên phải biết cách giải phẫu lóc da từ chỗ này đắp qua chỗ khác đảm bảo các mạch máu nuôi da được lưu thông ổn định" - vừa lần tìm mạch máu trên thi thể, bác sĩ trẻ Hồng nhỏ nhẹ nói.

Với các kiến thức thu lượm được từ những "người thầy" thầm lặng, hai bác sĩ trẻ này chia sẻ không gì có ngoài hai từ "biết ơn".

"Phẫu thuật xác tươi gần như giống với bệnh nhân còn sống, giúp các thao tác được thuần thục hơn trước khi bước vào ca phẫu thuật thật sự cho người bệnh" - bác sĩ Sơn chia sẻ thêm.

880 "đóa hoa bất tử"

TS Nguyễn Hoàng Vũ - trưởng bộ môn giải phẫu học (ĐH Y Dược TP.HCM) - cho biết hiện nay số lượng xác hiến (xác ướp và xác tươi) được lưu trữ, bảo quản phục vụ công tác giảng dạy tại bộ môn khoảng 170 xác, có lúc cao điểm 200 xác.

"Giống như một người kỹ sư ô tô muốn sửa được xe phải hiểu được cấu tạo của xe. Bác sĩ cũng vậy, muốn chữa bệnh phải hiểu được cấu tạo bình thường và bất thường các bộ phận cơ thể người.

Chỉ có thực hành trên xác tươi mới có thể giúp sinh viên nâng cao được kiến thức và kỹ thuật. Dù xã hội có phát triển đến mấy, ngành giải phẫu vẫn luôn cần xác hiến. Hay nói cách khác, xác hiến chính là tài sản vô giá của người bác sĩ" - TS Vũ nói.

Còn ông Ngô Quốc Đạt - phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP.HCM - kể năm 1996 khi ông còn là sinh viên, nhà trường đứng trước nguy cơ không đủ thi thể giảng dạy cho sinh viên.

Lúc bấy giờ, cố GS Nguyễn Quang Quyền (nguyên chủ nhiệm bộ môn giải phẫu) đã nỗ lực vận động, khởi xướng chương trình "tình nguyện hiến tặng thi thể cho khoa học".

Và cũng chính năm đó, ông nằm trong số sinh viên đầu tiên vinh dự thực hành trên một thi thể hiến tặng. "Đến nay đã có hơn 880 đóa hoa bất tử ở lại với nhà trường góp phần cho sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu khoa học" - ông Đạt bày tỏ.

"Suốt đời bác sĩ, chúng tôi cần họ"

Căn nhà 48 phố Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) như là chứng nhân của bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cuộc đời và là hành trang của hàng chục ngàn bác sĩ đã học tập từ những "người thầy" thầm lặng - những người hiến xác cho khoa học.

Ít ai biết đó là căn nhà có lịch sử gần 100 năm, từ đầu thế kỷ 20 khi người Pháp thành lập Viện Giải phẫu ngay sau khi thành lập Trường Y khoa Đông Dương, sau này là ĐH Y Hà Nội.

Nơi này TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó chủ nhiệm bộ môn giải phẫu (ĐH Y Hà Nội), đã gắn bó với những "người thầy" từ khi còn học y khoa năm 3. Với người ngoại đạo, những giờ học trên xác người luôn là nỗi sợ hãi, đôi khi là chuyện khó tin, khó ai dám làm.

Nhưng với sinh viên y khoa, đó là chuyện mà ai cũng phải trải qua. Và nếu không có những "người thầy" ấy, họ không thể trở thành bác sĩ.

"Ngày nào hết giờ học, tôi cũng một mình lên phòng giải phẫu mổ xác đến 12h đêm. Giờ tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đi học khi mọi người chỉ bể chứa xác tôi sợ lắm, đứng ngoài không dám vào và không nghĩ mình sẽ đi con đường này. Thế rồi năm thứ 3 nghiên cứu khoa học về giải phẫu và năm 1999 tôi về bộ môn cho đến nay" - TS Nghĩa kể.

Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học - Ảnh: DUYÊN PHAN

Không chỉ TS Nghĩa, những người làm nghề y đều từng trải qua "bài học" này và đều tỏ lòng tri ân những "người thầy" ở đây. Ông Đồng Văn Hệ, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nói rằng để tường tận từng mạch máu, gan, thần kinh, phổi của người bệnh, ông đều nhờ được học trên xác thật.

"Nếu được học trên xác, bác sĩ sẽ nắm rõ về sinh lý bệnh, có tư duy và hình tượng cụ thể, những kiến thức ấy sẽ ăn sâu vào đầu và đi theo người bác sĩ suốt đời" - ông Hệ nói.

Ở tầng 1 của căn nhà trăm tuổi, người ta đã để bảng tri ân 23 người hiến xác có đầy đủ họ tên trong khoảng chục năm trở lại đây. Những "người thầy" này đã đến với các bác sĩ bằng tâm niệm hiến tặng cơ thể cho y khoa và khoa học.

Cho đến giờ, TS Nghĩa và các đồng nghiệp rất nhớ một trong 23 "người thầy" ấy là D., cựu du học sinh ở Mỹ. Anh học rất giỏi, nhưng ngay trong những ngày đang ngồi trên ghế giảng đường, D. được chẩn đoán mắc ung thư gan và anh quyết định hiến xác rồi trở thành người trẻ đầu tiên hiến xác cho khoa học lúc bấy giờ.

Năm 2009 khi D. qua đời, anh được chuyển về 48 Tăng Bạt Hổ, trở thành "người thầy" thầm lặng của nhiều khóa sinh viên y sau đó.

Với mỗi xác hiến, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ dành một năm để xử lý, bảo quản và sẽ sử dụng trong ba năm sau đó. D., như những "người thầy" thầm lặng khác, chỉ chính thức trở về cát bụi sau bốn năm đặc biệt này.

"Nhờ có xác hiến, các bác sĩ mới mường tượng được các vùng của cấu trúc cơ thể. Cơ thể có xác vùng lớn chính như đầu cổ; chi trên, chi dưới; ngực, bụng; chậu hông; lưng, trong những vùng ấy lại có những vùng nhỏ, mỗi vùng chứa một chức năng.

Các bác sĩ tương lai sẽ học giải phẫu từ năm học đầu tiên và trải dài suốt ba năm kế tiếp, nhưng suốt đời bác sĩ chúng tôi sẽ cần họ, cần những "người thầy" thầm lặng, khi mỗi bác sĩ cần tìm đường mổ mới, cần cách điều trị mới…" - TS Nghĩa nói.

"Sứ mệnh trong nắng"

Nhiều năm nay, ở Hà Nội dù Viện Giải phẫu đã có gần trăm năm lịch sử nhưng câu chuyện hiến xác cho khoa học như được phủ một màn sương mờ, rất ít người hiến xác. Tâm thức người Việt mong "mồ yên mả đẹp" khi qua đời.

Người thân của họ cũng vậy. Nhưng có những người sẵn sàng dành trái tim, cơ thể mình cho khoa học. Các bác sĩ từng gọi họ, những "người thầy" thầm lặng, người mang "sứ mệnh trong nắng".

Và ở Viện Giải phẫu hôm ấy, tôi gặp những sinh viên y khoa, những bác sĩ tương lai đang miệt mài bên những người mang "sứ mệnh trong nắng" ấy.

LAN ANH

Gầy dựng tinh thần y khoa dấn thânGầy dựng tinh thần y khoa dấn thân

Bác sĩ Đỗ Nguyên Tín được đồng nghiệp yêu thương gọi là "bàn tay vàng" trong giới can thiệp tim bẩm sinh, một trong những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực này ở tầm châu lục và thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp