Phòng thực nghiệm xác tươi của bộ môn giải phẫu học (ĐH Y Dược TP.HCM) luôn trong trạng thái im phăng phắc. Chỉ có ánh đèn hòa vào ánh mắt học viên chăm chú dõi theo từng đường mổ…

Kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tuổi Trẻ gửi đến bạn đọc câu chuyện về bộ môn giải phẫu học, nơi tiếp nhận và lưu trữ hàng trăm thi thể hiến tặng sau khi qua đời.

Các thi thể (xác ướp, xác tươi) được ví như những "đóa hoa bất tử", "người thầy thầm lặng" - nơi khởi đầu của biết bao thế hệ sinh viên y khoa trước khi trở thành bác sĩ thực thụ.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 1.

Chúng tôi theo chân nữ kỹ thuật viên Minh Kha đến giảng đường bộ môn giải phẫu học (ĐH Y Dược TP.HCM) vào một ngày Sài Gòn nắng chói chang. Ngay hành lang là nơi nhiều bộ phận cơ thể người mô phỏng được trưng bày.

Bên trong phòng thực nghiệm xác ướp, có gần cả trăm thi thể hiến tặng nằm lặng lẽ trong hòm inox. Chúng tôi không khỏi cảm giác rợn người khi lần đầu bước chân vào không gian này…

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 2.

Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học

Bác sĩ Nguyễn Minh Kỳ - một trong nhiều giảng viên hướng dẫn sinh viên ngành y thực hành chia sẻ trong các hòm inox kia đều là thi hài của các "ông bà" hiến xác cho y học. Họ có cái tâm rất thiện lành.

Những ngày cuối đời, các "ông bà" đã từng đến đây tận mắt chứng kiến các em sinh viên thực hành, nhờ đó hiểu rất rõ mục đích sử dụng thi thể của mình sau hiến tặng.

"Nếu có linh hồn, tôi tin các ông bà sẽ đều mong muốn cho các bạn sinh viên học tập thật tốt để sau này cứu giúp người bệnh" – bác sĩ Kỳ bộc bạch.

Ở giảng đường thực hành xác ướp này, danh tính của các "ông bà" được công khai trên tấm bảng "sơ đồ phòng thực tập xác". Trên tấm bảng ấy, từng mẩu giấy được đánh số thứ tự, tên, ngày sinh, ngày mất và cả quê quán.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 3.

Nhóm tiếp nhận bảo quản thi hài thuộc Bệnh viện Đại học Y dược đến tận nhà để lấy xác những người đã hiến mình cho y học

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 4.

Chị Phạm Thị Tuyết Trinh (Q.Bình Tân) theo xe chở cha mình đến kho đông lạnh của bệnh viện

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 5.

Họ là những người dù đã mất đi, nhưng vẫn lặng thầm để lại tiêu bản thân thể mình để giúp ích cho khoa học, đặc biệt là ngành giải phẫu học

Có người sinh năm 1918, nếu còn sống năm nay đã tròn 105 tuổi. Và phía sau các xác hiến là những câu chuyện xúc động.

Trong dòng người tham dự buổi tri ân người hiến xác đầu năm 2023, có ba người một phụ nữ bước đến bên thi thể người đàn ông lớn tuổi. Họ cúi rạp mình xuống, rồi đứng lặng lẽ một hồi lâu. Ai nấy đều chực trào rơi lệ.

Bà Nguyễn Thị Thẩm (57 tuổi, ngụ Cần Thơ) ngậm ngùi kể năm 2014 cha bà qua đời bởi tuổi cao sức yếu và mắc hàng loạt bệnh mãn tính. Lúc ấy, ông tròn 85 tuổi.

Năm 2014 ông qua đời, song trước đó 10 năm ông đã có ý niệm đăng ký hiến xác cho y học.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 6.

Anh Phạm Văn Dứa tất bật làm thủ tục cho gia đình những người hiến xác

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 7.

Người thân thắp nhang cầu nguyện lần cuối trước khi xác được đưa vào bảo quản đông lạnh

Những ngày cuối đời dù đau đớn nhưng ông không thôi căn dặn các con "cha chết rồi, phải nhớ cho cha được hiến xác như ý nguyện. Đây là điều cuối cùng ý nghĩa nhất cha có thể làm cho quê hương, đất nước".

Và khi ý nguyện của ông được thực hiện, cũng là lúc gia đình bị hàng xóm hỏi cắc cớ "nhiều đất sao không chôn", "hiến xác được bao nhiêu tiền?". Có người can ngăn, bởi quan niệm "chết phải toàn thây".

Đó là những ngày mà bà Thẩm cùng người thân phải cắn răng chịu đựng, vượt qua mọi lời đàm tiếu. Bây giờ sau nhiều năm, bà bảo đã có người hiểu và hỏi gia đình về thủ tục đăng ký hiến xác, trong đó có người trẻ hơn cha bà.

"Chúng tôi rất tự hào vì những gì cha đã làm. Hiểu và tự hào nên giờ đây anh trai tôi cũng đã noi gương đăng ký hiến xác" - bà Thẩm xúc động nói.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 8.

Nhân viên chuyển xác đến kho bảo quản xác tươi

Còn với ông Trương Ngọc Thời (ngụ quận Bình Thạnh), từ việc được tận mắt chứng kiến nơi các sinh viên y khoa thực hành trên xác ướp và hiểu được hành trình trở thành một "bác sĩ giỏi không hề đơn giản", ông đã chủ động đăng ký hiến xác.

Không những thế, nghĩa cử của ông còn lan tỏa khi mới đây có hơn chục người, đều là người thân, cùng bạn bè cùng đăng ký.

"Anh trai tôi cũng là một bác sĩ phẫu thuật giỏi. Và để đạt được thành quả ấy cũng nhờ một phần rất lớn vào việc được giải phẫu những thi hài khi còn là sinh viên y khoa. Tôi rất tự hào vì anh ấy - ông Thời kể.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 9.

Không gian vắng lặng tại khi bảo quản xác tại bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 10.

Với người bình thường việc tiếp xúc với thi thể đôi khi mang đầy cảm giác ám ảnh, nhưng với những người chọn ngành y đó chỉ là bước khởi đầu. Trong hành trình trở thành bác sĩ, họ phải vượt qua nỗi ám ảnh sợ hãi ấy.

Bác sĩ Nguyễn Minh Kỳ - nói rằng đa số sinh viên rất háo hức được học môn này, bởi các em hiểu đây là cơ hội vận dụng kiến thức từ lý thuyết ra thực tế. Tuy vậy, khi bước vào môn học không ít sinh viên có cảm giác lo sợ.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 11.

Bà Dư Thị Quốc Phong (70 tuổi, Q.4) xúc động khi nhìn thấy người con gái đoản mệnh của mình

Và các thầy cô phải là người giải thích lý do "không nên sợ xác", cũng như tạo tâm lý học tập thật thoải mái cho các em.

Trong giảng đường này, các sinh viên khi tiếp cận xác đều phải mặc áo blouse trắng, đeo găng tay. Mọi thao tác, cử chỉ thực nghiệm trên xác đều phải thật nhẹ nhàng, nâng niu.

"Các bạn có thể vén xem các bộ phận nhưng phải nhẹ nhàng, tôn trọng và không được phép đùa giỡn" – bác sĩ Kỳ chia sẻ.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 12.

Sinh viên đi chắp tay cảm ơn những người thầy thầm lặng của mình tại lễ tri ân

Và điều đặc biệt là sẽ rất khác với các hình ảnh trong Atlat hoặc mô hình, theo bác sĩ Kỳ những kiến thức mà sinh viên học được trên xác vô cùng bổ ích, bởi đều là hình ảnh trực quan.

"Mỗi xác là một cá thể khác nhau. Có người to con, có người mập và người gầy. Có người vùng tay, chân vận động nhiều nên cơ săn chắc hơn. Các bạn sinh viên sẽ dựa vào các cấu trúc thực tế trên xác, cộng với kiến thức được học có thể xem từ nông tới sâu các bộ phận, từ đó suy luận được mối quan hệ giữa các cơ, mạch máu, dây thần kinh của từng khu vực".

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 13.

Chị Ánh Tuyết (Q.Phú Nhuận) bật khóc khi nhìn thấy mẹ mình, dù nhiều năm trôi qua nhưng chị vẫn mong chờ những cơ hội hiếm hoi được gặp lại mẹ

Hồ Thị Minh Châu (quê Quảng Nam), sinh viên năm 1 Khoa Y học cổ truyền, (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) - nói cảm thấy may mắn được tham gia môn học này. Châu sẽ cùng các bạn trong khoa có khoảng 30 tiết thực hành trên xác ướp và đây là lần đầu tiên cô có cơ hội tận mắt khám phá từng bộ phận cơ thể người.

"Em rất trân trọng và biết ơn những người hiến thân thể cho chúng em học tập. Các ông, các bà là ân nhân, là những người thầy thầm lặng" - Minh Châu xúc động.

Và như hiểu được giá trị ấy, cô sinh viên vừa tròn 20 tuổi này luôn tự hứa sẽ thực hành một cách nâng niu, xem đây là "cơ hội quý báu" hiện thực hóa kiến thức được học trong sách vở.

Còn với Ngô Bội Ân (20 tuổi), tuy theo học ngành Y học cổ truyền nhưng cô khẳng định "không có nghĩa là chỉ có học bắt mạch, bốc thuốc hay ấn huyệt". "Học nghề y bắt buộc phải học giải phẫu mới hiểu và chẩn đoán đúng bệnh lý" – Ân quả quyết.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 14.

Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên mà các sinh viên ngành y bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học

Giờ học, Ân ngồi lật qua lật lại chiếc xương chậu, tỉ mỉ đối chiếu với hình do mình vẽ trong vở và như vỡ lẽ nhiều kiến thức đã học.

So với hình "mẫu", Ân đúc kết chiếc xương chậu trên thực tế có nhiều điểm đặc biệt về cấu trúc, không phải xương nào cũng giống y hệt nhau. Và với việc được cầm xương thực hành, Ân nói sẽ giúp dễ hình dung về cấu trúc và sẽ nhớ lâu hơn bài học.

Cách giảng đường chừng 30m, hai bác sĩ trẻ Lâm Kiếm Hồng và Nguyễn Hoàng Sơn bình thản ngồi trước thi thể nam giới ngoài 60 tuổi trong phòng thực hành xác tươi. Dưới ánh đèn điện, họ tỉ mẩn rạch vùng da trên các cánh tay bóc tách tìm các mạch máu lẩn khuất trong thớ thịt.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 15.

Bác sĩ Lâm Kiếm Hồng chia sẻ sau khi ra trường nhiều đồng nghiệp rất trông chờ có xác tươi phẫu thuật rèn luyện tay nghề. Với bác sĩ Hồng, đây là "bài học đầu tiên" giúp mình trở thành bác sĩ.

Điều này cũng giống với khi đứng trước một bệnh nhân bị phỏng mức độ nặng hoặc không may bị các vết thương mất nhiều da.

"Không chỉ tìm da thay thế, phẫu thuật viên phải biết cách giải phẫu lóc da từ chỗ này đắp qua chỗ khác đảm bảo các mạch máu nuôi da được lưu thông ổn định" – vừa lần tìm mạch máu trên thi thể, bác sĩ trẻ Hồng nhỏ nhẹ nói.

Với các kiến thức thu lượm được từ những "người thầy" thầm lặng, các bác sĩ trẻ nà nói không gì ngoài hai từ "biết ơn". Và để tỏ lòng biết ơn ấy, trước mỗi lần phẫu thuật, họ đều thành tâm khấn cầu.

"Phẫu thuật xác tươi gần như giống với bệnh nhân còn sống. Việc bóc tách các mô, mạch máu giúp chúng tôi tập luyện các thao tác được thuần thục. Đặc biệt hiểu rõ được các bộ phận nhỏ trong cơ thể nhằm rèn luyện các kỹ năng được trơn tru hơn khi bước vào ca phẫu thuật thật sự cho người bệnh" – bác sĩ Hoàng Sơn chia sẻ thêm.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 16.


Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 17.

Căn nhà 48 phố Tăng Bạt Hổ êm đềm dưới những tán cây lớn của "phố cũ Hà Nội". Ít ai biết rằng căn nhà này có lịch sử gần 100 năm, từ đầu thế kỷ 20 khi người Pháp thành lập Viện Giải phẫu ngay sau khi thành lập Trường Y khoa Đông Dương, sau này là ĐH Y Hà Nội.

Ở đó là "chứng nhân" của bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cuộc đời và là hành trang của hàng chục ngàn bác sĩ đã học tập từ những "người thầy" thầm lặng - những người đã hiến xác cho khoa học.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó chủ nhiệm bộ môn giải phẫu (ĐH Y Hà Nội) đã gắn bó với những "người thầy" ở địa chỉ này từ khi còn học y khoa năm 3. Với người ngoại đạo, những giờ học trên xác người luôn là nỗi kinh hoàng, đôi khi là chuyện khó tin, khó ai dám làm.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 18.

Các bác sĩ bên chiếc tủ lạnh bảo quản thi thể hiến tặng - Ảnh: THÙY GIANG

Nhưng với sinh viên y khoa, đó là chuyện mà ai cũng phải trải qua. Và nếu không có những "người thầy" ấy, họ không thể trở thành bác sĩ.

"Ngày nào hết giờ học, tôi cũng một mình lên phòng giải phẫu mổ xác đến 12h đêm. Giờ tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên đi học khi mọi người chỉ bể chứa xác tôi sợ lắm, đứng ngoài không dám vào và không nghĩ mình sẽ đi con đường này. Thế rồi năm thứ 3 nghiên cứu khoa học về giải phẫu và năm 1999 tôi về bộ môn cho đến nay"- TS Nghĩa kể.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 19.

Những mảnh xương người được hiến tặng ở Viện Giải phẫu dành cho sinh viên ĐH Y Hà Nội học tập - Ảnh: L.ANH

Không chỉ TS Nghĩa, những người làm nghề y đều từng trải qua "bài học" này và đều tỏ lòng tri ân những "người thầy" ở đây. Ông Đồng Văn Hệ, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức nói rằng để tường tận từng mạch máu, gan, thần kinh, phổi của người bệnh, ông đều là nhờ được học trên xác thật.

"Nếu được học trên xác, bác sĩ sẽ năm rõ về sinh lý bệnh, có tư duy và hình tượng cụ thể, những kiến thức ấy sẽ ăn sâu vào đầu và đi theo người bác sĩ suốt đời"- ông Hệ nói.

Ở tầng 1 của căn nhà trăm năm, người ta đã để bảng tri ân 23 người hiến xác có đầy đủ họ tên trong khoảng chục năm trở lại đây. Những "người thầy" này đã đến với các bác sĩ bằng tâm niệm hiến tặng cơ thể cho y khoa và khoa học.

Cho đến giờ, TS Nghĩa và các đồng nghiệp rất nhớ D., một trong 23 "người thầy" ấy . D. là du học sinh ở Mỹ, anh học rất giỏi, nhưng ngay trong những ngày đang ngồi trên ghế giảng đường, D. được chẩn đoán mắc ung thư gan và anh đã quyết định hiến xác. Và D. trở thành người trẻ đầu tiên hiến xác cho khoa học những năm gần đây.

Năm 2009 khi D. qua đời, anh được chuyển về 48 Tăng Bạt Hổ, trở thành "người thầy" thầm lặng của nhiều khóa sinh viên y sau đó.

Với mỗi xác hiến, các bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ dành 1 năm để xử lý, bảo quản và sẽ sử dụng trong 3 năm sau đó. D., như những "người thầy" thầm lặng khác, chỉ chính thức trở về cát bụi sau 4 năm đặc biệt này.

"Nhờ có xác hiến, các bác sĩ mới mường tượng được các vùng của cấu trúc cơ thể. Cơ thể có xác vùng lớn chính như đầu cổ; chi trên, chi dưới; ngực, bụng; chậu hông; lưng, trong những vùng ấy lại có những vùng nhỏ, mỗi vùng chứa một chức năng.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 20.

Và miệt mài bên những “người thầy thầm lặng” - Ảnh: THÙY GIANG

Các bác sĩ tương lai sẽ học giải phẫu từ năm học đầu tiên và trải dài suốt 3 năm kế tiếp, nhưng suốt đời bác sĩ chúng tôi sẽ cần họ, cần những người thầy thầm lặng, khi mỗi bác sĩ cần tìm đường mổ mới, cần cách điều trị mới…" - TS Nghĩa nói.

Nhiều năm nay, ở Hà Nội dù Viện Giải phẫu đã có gần trăm năm lịch sử nhưng câu chuyện hiến xác cho khoa học như được phủ một màn sương mờ, rất ít người hiến xác.

Tâm thức người Việt mong "mồ yên mả đẹp" khi qua đời. Người thân của họ cũng vậy. Nhưng có những người sẵn sàng dành trái tim, cơ thể mình cho khoa học. Các bác sĩ từng gọi họ, là những "người thầy" thầm lặng, người mang "Sứ mệnh trong nắng".

Và ở Viện Giải phẫu hôm ấy, tôi gặp những sinh viên y khoa, những bác sĩ tương lai đang miệt mài bên những người mang "Sứ mệnh trong nắng" ấy.

Người thầy thầm lặng của bác sĩ - Ảnh 21.
HOÀNG LỘC - THU HIẾN - LAN ANH
DUYÊN PHAN
NGỌC THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp