Phóng to |
Thầy Huỳnh Thế Nhã và những học trò lớp 5 của mình trong giờ học - Ảnh: Q.Linh |
Người thầy ấy chính là Huỳnh Thế Nhã - giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Q.5 (TP.HCM).
Yêu cầu thi một tiết dạy lịch sử sáng tạo, hiệu quả nghe có vẻ đơn giản mà lại không dễ chút nào. Cũng bởi lịch sử vốn cứ bị học trò “định kiến” là môn học khô khan, kém hấp dẫn. Nhà trường cử Nhã đi thi và đặt vào anh nhiều hi vọng bởi anh từng đại diện trường tham gia thao giảng lịch sử cấp quận. Và Nhã đã chọn luôn đề tài về hội quán Lệ Châu từng đi thao giảng để gửi clip dự thi.
Thử thách dành cho thí sinh ở vòng thi tiếp theo chính là tiết dạy thực tế ngay đề tài dự thi. Nhã được yêu cầu dạy tại một trường học ở quận 3 và có 30 phút làm quen với học trò trước khi thi. “Áp lực lớn lắm vì một bài giảng hoàn toàn không có trong sách giáo khoa, học sinh chưa biết gì. Nếu mình dạy tốt thì không sao, thậm chí phải tính cả tình huống học sinh không hợp tác với giáo viên nữa” - Nhã suy tính.
Vận đủ công lực, tiết dự thi của anh như chuyến du lịch, dẫn học trò quận 3 khám phá quận 5. Lớp chia thành nhiều nhóm tham gia các trò chơi, ráp từng hình ảnh, xem các đoạn clip ngắn về hội quán Lệ Châu. Thầy và trò như cùng vẽ tranh. Khi học trò đã trình bày xong, thầy Nhã sẽ là người vẽ những nét cuối để hoàn chỉnh bức tranh về lịch sử hình thành, phát triển của hội quán Lệ Châu - nơi thờ tổ của ngành kim hoàn VN.
Phần thi của thầy Nhã nhận được đánh giá tốt không chỉ của giám khảo mà còn của chính các bạn học sinh, vì số điểm của học trò chiếm đến 40% tổng điểm cuối cùng. Giám khảo chỉ chấm 30% tổng điểm, 30% điểm còn lại sẽ là thực hiện một clip mới với một đề tài lịch sử không có trong chương trình dạy chính thức. Sau tiết dự thi ấy, các em học sinh đều mong muốn và thầy Nhã đã lên lịch để dẫn các bạn đến tham quan để được mắt thấy tai nghe chính di tích lịch sử vừa được học.
“Với mỗi tuần chỉ một tiết sử thì quá khó để bắt học sinh tiểu học nhớ cặn kẽ, cái chính là qua tiết học ấy các em biết gì, cảm nhận được gì. Theo mình, học trò sợ học sử trước hết là lỗi từ người dạy. Người dạy phải yêu điều mình sẽ dạy trước đã mới truyền được tình yêu ấy đến trò, và có vậy các em mới say mê.” - Nhã chia sẻ. Vì lẽ đó mà tiết học sử địa phương của học trò thầy Nhã cũng như nhiều thầy cô trong trường luôn ra khỏi khuôn viên trường, tìm đến với các địa chỉ lịch sử của quận 5. “Dẫn các em đi học nhưng thật ra mình cũng đang tự học để nhớ lời dạy dân ta phải biết sử ta” - Nhã nói.
Nhã từng chỉ mê học du lịch hoặc muốn trở thành đầu bếp nhưng cuối cùng lại chọn nghề dạy học. Anh bảo chắc là nghiệp thì đúng hơn. Cũng vì một cô giáo dạy Nhã từng khuyên anh nên trở thành giáo viên, mà phải là giáo viên tiểu học, mới có đủ đất để dùng hết các tài lẻ của anh. Vậy là anh đăng ký thi vào ngành sư phạm tiểu học không chút do dự.
Lớp học của thầy Nhã cũng khá lạ so với nhiều lớp khác trong trường. Các bàn học được chia thành những khu vực riêng theo từng nhóm và mỗi nhóm có tám người quay lại với nhau. Không khí thi đua sẽ bắt đầu từ trong chính từng nhóm và giữa các nhóm với nhau. Để phụ trợ cho việc giảng dạy, các phụ huynh của lớp đã đồng ý góp tiền trang bị máy chiếu, màn hình từ đề xuất của thầy Nhã. Nên mới có chuyện giờ dạy toán lại bắt đầu bằng chính những đoạn phim hoạt hình ngắn do Nhã lấy trên mạng, cắt ghép lại và phần lồng tiếng không gì khác là nội dung bài toán học trò cần giải.
Cô hiệu trưởng Phạm Thùy Linh cho rằng cách học này vừa giúp trò thư giãn vì được coi phim nhưng cũng gây tò mò vì phải theo dõi mới ra nội dung bài toán cần giải, học mà lại như chơi nhưng chơi lại chính là đang học. “Nhà trường luôn khuyến khích các thầy cô chịu tìm tòi, sáng tạo trong quá trình giảng dạy và thầy Nhã là một trong số các thầy cô như thế dù còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề” - cô hiệu trưởng đánh giá.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận