Thầy Vỹ với học sinh vùng cao - Ảnh: NVCC
Gương mặt thầy Nguyễn Trần Vỹ (42 tuổi, giáo viên trường tiểu học Kim Đồng, chủ nhiệm câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My) chẳng xa lạ gì với bà con Xê Đăng.
Dường như đôi chân chẳng bao giờ mỏi, những việc tử tế của thầy đã khiến người dân cảm thấy ấm lòng. Thầy đã chia sẻ với Tuổi Trẻ về những câu chuyện giúp người, giúp đời.
Ân tình với dân bản, học sinh
* Thời gian qua, anh cùng với câu lạc bộ Kết nối yêu thương đã kêu gọi kinh phí làm hàng chục ngôi nhà cho bà con vùng sạt lở, bão lũ. Anh có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này?
- Mình sống, làm việc ở Nam Trà My 20 năm, nhận thấy bà con khó khăn về nhiều mặt, mình luôn tìm cách để kết nối giúp đỡ họ.
Lúc trước mình chỉ xin một ít thực phẩm để qua ngày nhưng dần thấy không thay đổi căn bản và lâu dài cuộc sống của bà con nên mình và câu lạc bộ đề ra mục đích kết nối lâu dài hơn.
Năm 2017 chứng kiến trận lở đất tại Khe Chữ, xã Trà Vân và nhiều nơi khác, nhà cửa chôn vùi nên mình bổ sung thêm trong chương trình kết nối lâu nay vẫn làm là xây trường có thêm phần việc làm nhà cho bà con.
Ban đầu khi bắt đầu công việc thì gặp rất nhiều khó khăn do các nhà tài trợ chưa biết nhiều nhưng đến khi các căn nhà đầu tiên được nhóm vận động hoàn thành thì kết quả được nhiều đội nhóm, mạnh thường quân ghi nhận.
Cứ thế nhiều ngôi nhà nhân ái được trao cho bà con nghèo khó. Phần xây dựng nhà có nhiều hình thức như nhóm kết nối và giới thiệu đối tượng khó khăn để nhà tài trợ xây và trao. Hoặc mình và các anh em trong câu lạc bộ bỏ công sức ra, xoắn tay áo để làm rồi mời mạnh thường quân lên trao.
Qua 3 năm thực hiện chương trình kết nối ngôi nhà nhân ái, mình đã kết nối và trao hơn 80 căn nhà (mỗi cái khoảng 80 triệu đồng) với nhiều mô hình khác nhau cho người dân.
Quá trình kết nối, kêu gọi và xây nhà, anh có gặp nhiều khó khăn, trở ngại?
- Mỗi căn nhà lại có những khó khăn khác nhau. Đầu tiên phải kể đến việc chọn đối tượng phù hợp, vận động và thuyết phục mạnh thường quân chấp nhận tài trợ để xây nhà cho dân mình.
Nhưng cái khó nhất vẫn là lúc thực hiện vì số tiền tài trợ thường ít chỉ từ 50 đến dưới 100 triệu nhưng để hoàn thành một căn nhà ở vùng cao thì khối lượng công việc rất nhiều, tốn thời gian, công sức nhiều người.
Quá trình làm nhà thì có những chuyện khó quên. Như làm căn nhà tại xã Trà Leng (nơi bị sạt lở, lũ quét tàn phá năm 2020) thì do ban đầu chưa có kinh nghiệm tính toán và chưa lường hết những chuyện phát sinh, căn nhà làm xong ngốn thêm 18 triệu so với kinh phí mạnh thường quân hỗ trợ, mình bỏ tiền túi vào, tương đương ba tháng lương.
Khi khánh thành nhà dân rất vui nhưng trong lòng mình rối bời vì ba tháng tới mình gần như không có lương. Nhưng thôi mặc kệ, thấy dân có nhà mới là mình có thêm động lực.
* Không những xây nhà, anh và câu lạc bộ của mình đã kêu gọi kinh phí xây dựng, sửa chữa rất nhiều ngôi trường sập xệ?
- Năm 2015, được sự cho phép của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện, tôi cùng một số cán bộ thành lập câu lạc bộ Kết nối yêu thương Nam Trà My nhằm tìm cách giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo.
Đặc biệt xây dựng mới các ngôi trường quá cũ có nguy có sụp đổ, sửa, làm mới phòng công vụ, nhà vệ sinh cho thầy cô giáo ở các điểm trường khó khăn.
Ban đầu nhóm thành lập rồi tự góp quỹ và đề ra mỗi năm lót gạch men cho một điểm trường (lúc đấy nhiều ngôi trường còn nền đất). Sau công trình đầu tiên thì chương trình của nhóm được nhiều người biết đến.
Từ đó nhiều ngôi trường mới được mọc lên thay thế cho trường tạm bợ, năm sau nhiều hơn năm trước. Những ngôi trường này khang trang, đầy đủ, thầy cô có nơi ăn ở tốt hơn nên yên tâm dạy học.
Nhớ nhất một kỷ niệm cách đây mấy năm, mình và câu lạc bộ khánh thành ngôi trường đầu tiên do Quỹ Thiện nguyện Vì yêu thương TP.HCM tài trợ. Sau khi bàn giao một tuần mình nhận được điện thoại một cô giáo khá xúc động:
"Lần đầu tiên 6 năm đi dạy trường có nhà vệ sinh sạch sẽ, em vừa đi vệ sinh vừa nghe điện thoại được, tắm rửa thoải mái thế này". Những cái thật đơn giản mà lại là ước ao của bao thầy cô lúc ấy.
Đến nay mình và CLB đã kết nối, kêu gọi kinh phí xây dựng hơn 30 điểm trường với 100 phòng học, 52 phòng công vụ cho giáo viên và nhà bếp, nhà vệ sinh với tổng giá trị hơn 10 tỉ đồng. Hỗ trợ hệ thống điện năng lượng mặt trời cho 42 điểm trường, xây 4 khu nội trú cho hơn 1.000 học sinh trị giá 3,6 tỉ đồng.
Lắp đặt 23 hệ thống lọc nước RO cho các trường học tổng giá trị 1 tỉ đồng, tặng 60 tivi cho các trường, 13.000 quyển vở, 18.000 bút viết, 8.000 bộ đồng phục, mũ, dép .. cho học sinh tổng giá trị hơn 1,7 tỉ đồng.
Lắp đặt 14 hệ thống bếp cơm cho các đơn vị trường học tổng giá trị 540 triệu đồng. Lắp đặt 21 khu vui chơi cho học sinh tổng giá trị 1,7 tỉ đồng. Đặc biệt, thực hiện chương trình bữa ăn có thịt, Bầu sữa yêu thương, Nuôi em tăng cường dinh dưỡng cho học sinh tổng kinh phí hơn 4,5 tỉ đồng.
Những ngôi nhà nhân ái được thầy Vỹ kêu gọi để dựng lên cho dân nghèo-Ảnh: V.T
Cu rảnh, khùng núi
* Là một thầy giáo, bộn bề với công việc dạy chữ, duyên cớ nào khiến thầy làm rất nhiều việc tử tế, giúp ích cho người dân, học sinh miền núi này?
- Những năm mới vào nghề, lúc đến nơi dạy ở điểm trường vùng cao thì khó khăn chồng chất nhưng có cái đã gắn mình với nơi này đến nay là tình cảm của bà con và học sinh dành cho mình.
Họ khó khăn nhưng luôn giúp bọn mình từ lon gạo đến mớ rau rừng. Từ đó mình hứa sẽ làm gì đó để giúp họ và rồi câu lạc bộ Kết nối yêu thương ra đời hiện thực hóa ước mơ đó.
Thực sự lâu nay mọi người hay gọi mình là "cu rảnh", Vỹ khùng , rồi "khùng núi", cũng vì mình làm điều mà người khác cho là vu vơ nhưng bản thân thấy gọi vậy cũng đúng, thấy cũng vui vui.
Làm nhiều, kết nối nhiều nhưng nếu không có sự đồng lòng của các thành viên câu lạc bộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự nhiệt tình hỗ trợ của bà con thì mình cũng khó thực hiện những việc muốn làm.
Nhớ nhất, năm 2018 khi xây dựng điểm trường Răng Chuổi, xã Trà Tập, người dân đã bỏ công để vận chuyển vật liệu, đường đi từ dưới trung tâm lên điểm trường gần một ngày cả đi lẫn về.
Một chiều, mình chứng kiến cảnh người mẹ ôm bé nhỏ 1 tuổi đang khóc vì khát sữa lên cho bú trong khi trên lưng vẫn cõng 2 thùng gạch men. Thương không biết tả thế nào, mình đã khóc và lấy đó làm động lực cho những việc tử tế.
Với những việc tử tế của mình, năm 2016 thầy Vỹ đã được Thủ tướng tặng bằng khen vì đã có thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015.
Trung ương Hội chữ thập đỏ tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Chữ thập đỏ trường học. Năm 2020 thầy được Trung ương Đoàn tặng bằng khen đạt giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020 cùng nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh, huyện.
Thầy cũng là nhân vật truyền cảm hứng trong chương trình Cất cánh của Đài truyền hình Việt Nam tháng 11-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận