"Tôi có rất nhiều học trò, đồng nghiệp và các học sinh tật nguyền nhưng câu chuyện của thầy Trương Tấn Dũng thật sự khiến tim tôi thổn thức, khâm phục như một hình mẫu truyền cảm hứng về vượt lên mọi nghịch cảnh" - Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng Võ Thị Thu bày tỏ sự khâm phục trước câu chuyện của đồng nghiệp mình - thầy giáo Trương Tấn Dũng.
"Hơn cả phi thường"
Nếu chỉ nhìn nửa phần trên cơ thể, không ai nghĩ rằng người đàn ông có nét mặt vuông vức, đôi mắt sâu hun hút đang rảo giữa lớp học để dạy múa hát, dạy vẽ cho học trò tật nguyền là một người khuyết tật.
Thầy Dũng đẹp trai, cao lớn nhưng đôi chân đã chỉ còn treo lủng lẳng vô giác trên cơ thể từ năm lên 3 tuổi sau trận sốt bại liệt. Cuộc đời một con người cũng thay đổi từ đó.
Thầy Dũng rơm rớm nước mắt khi kể về thời gian khó khăn nhất mà mình phải trải qua.
Năm 3 tuổi, Dũng phải đi lại bằng đôi bàn tay sau cơn sốt bại liệt, đôi chân không còn cử động được theo tháng năm teo tóp dần như cành củi khô.
10 tuổi, chỗ dựa của cậu bé tật nguyền là người mẹ nhưng bà cũng qua đời.
"Cha tôi buồn chán, đâm ra hằn học và hay nói rằng mẹ mất là vì buồn phiền chuyện tôi tật nguyền. Rồi ông cũng bỏ tôi ra Hà Nội, không để lại dòng tin nào. Lúc đó, tôi không hình dung được những gì sẽ đến với mình" - thầy Dũng nhớ lại.
Mẹ mất, ba bỏ đi khi còn quá nhỏ, Dũng và hai người em ruột được đưa về nhà bà ngoại. Nhưng vì cuộc sống quá kham khó, ngoại chỉ có thể đủ sức lo rau cháo cho cháu qua ngày và cho hai người em lành lặn của Dũng đến trường.
Riêng Dũng phải ở nhà, chấp nhận cuộc đời tối sầm, vô định phía trước.
Những tháng ngày thui thủi, cô độc "như con rùa nấp sau cánh cửa" của Dũng lại khiến bản năng sinh tồn, khát khao vượt lên trỗi dậy mạnh mẽ.
Dũng kể hằng ngày thấy em trai mình đi học về, Dũng hay "xển" vào gần chỗ chiếc cặp sách rồi ngồi hóng em mình nhẩm bài, đọc chữ.
Thấy cháu mình làm như vậy, dù thương nhưng nhiều lúc bà ngoại, người thân cũng vẫn tìm cách ngăn cản vì không nghĩ một đứa trẻ tật nguyền, thân thể dặt dẹo có thể làm được gì ngay cả khi biết chữ.
Thầy Dũng bảo rằng gần 7 tuổi thì thầy biết chữ. Nhưng cách "biết chữ" của thầy cũng thật buồn: học lén sách vở của em. "Vì nhiều người ngăn cản nên tôi thường ngồi sau cánh cửa mỗi khi em tôi học bài để nghe và nhớ vào trong đầu, đêm khuya hay vào ban ngày mỗi lúc em tôi đi chơi thì tôi lại lén lấy sách, tập vở ra nhẩm đọc và hí hoáy viết. Tôi đến với cái chữ một cách tủi thân và nhọc nhằn, buồn bã như thế" - thầy Dũng nói.
Hành trình kỳ tích của "chú lính chì" Trương Tấn Dũng
Thầy Dũng nói khi còn nhỏ và đã biết sơ sơ mặt con chữ, thầy bắt gặp câu chuyện kể về chú lính chì dũng cảm bị mất một chân.
Thay vì ngồi than vãn và đợi chờ vô vọng trong bóng tối, chú lính chì đó đã tìm được niềm vui của mình bằng cách đối mặt với thực tế của cuộc sống, vượt lên tất cả để chiến thắng nghịch cảnh.
Câu chuyện của chú lính chì đến với Dũng như liều thuốc tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho ý chí, nguồn năng lượng phi thường vốn có trong chàng trai tật nguyền này.
Dũng nói câu chuyện dẫn đến tật nguyền của mình ở những năm 1980 trở đi cũng là hoàn cảnh buồn của nhiều người khi đời sống còn nghèo, thuốc thang và việc chăm sóc y tế cho người dân còn thiếu thốn.
Không chỉ Dũng, nhiều bạn bè cùng trang lứa cũng bị bại liệt trong cảnh tương tự. Và đa số đều không chấp nhận ngồi một chỗ "đợi chờ cái chết".
Cơ duyên thay đổi cuộc đời của thầy Dũng đến vào năm 7 tuổi. Trong một chiến dịch xóa mù chữ cho cộng đồng, biết câu chuyện của Dũng, cán bộ và thầy cô giáo đã tìm tới nhà để vận động chàng trai liệt chân đi học. Nghe được đi học, Dũng mừng tới mức nhảy bật lên bất chấp đôi chân dặt dẹo.
Giấc mơ đi học đã thay đổi cuộc đời một đứa trẻ tật nguyền, từng tuyệt vọng và không ai tin vào tương lai của Dũng. Được đi học, được đến trường, Dũng say mê nên học tới đâu biết tới đó và nổi trội nhất trong lớp.
Năm học hết cấp III, hiểu rõ về đôi chân và gia cảnh của mình, Dũng chọn cho mình con đường theo học công nghệ thông tin.
Nhưng giai đoạn đó thi đại học khó đậu, Dũng cũng không thể tự trang trải chi phí học tập cho mình nên chọn đi một cách khác để đến đích: không thi đại học mà đi bán vé số, bán các đồ lưu niệm tại các điểm du lịch, bảo tàng... để kiếm tiền.
Khách du lịch, người dân thấy một chàng trai ngồi xe lăn mướt mồ hôi bán từng tờ vé số, móc chìa khóa thì không ai biết người bán vé số ấy đang ấp ủ một ý định lớn cho cuộc đời mình là trở thành một kỹ thuật viên.
"Tôi dành từng khoản tiền lẻ, có ít góp nhặt từng ngày rồi được 2-3 triệu gì đó thì tôi nghỉ bán vé số để vào trung tâm học tin học. Đôi chân tôi không lành lặn, không thể di chuyển nhiều nên chọn cách làm việc bằng trí óc, bằng đôi tay sẽ giúp đôi chân bớt nhọc nhằn" - thầy Dũng kể.
Sau khóa tin học căn bản ở một trung tâm, Dũng "tốt nghiệp" và nắm được kiến thức cơ bản. Dũng dành chút tiền còn lại của mình rồi mua một cái máy tính cũ về nhà tự mày mò kiến thức tin học thiết kế, lập trình cơ bản.
Từ chỗ chẳng có gì trong tay, Dũng có thứ quan trọng nhất để có thể tự giúp mình không bị đói: biết sửa máy tính. Anh nhận máy về mày mò cả ngày lẫn đêm.
Nhưng thêm một lần nữa cơ duyên lại đến như sự bù đắp những thiệt thòi mà Dũng phải gánh chịu.
Những ngày nhận máy tính về sửa cho khách hàng, Dũng biết có một khóa học nâng cấp kiến thức tin học miễn phí cho người khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Dũng lò dò đến xin học.
Quá trình học ở đây, một cơ duyên quan trọng nhất đời người đã đến với anh: Thấy chàng trai tật nguyền nhưng ham học, giám đốc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng lúc đó là bà Nguyễn Thị Hiền đã ghé tới trò chuyện, hỏi han.
Chứng kiến hoàn cảnh vượt lên như một hình mẫu truyền cảm hứng sống, bà Hiền đã nhận Trương Tấn Dũng vào làm việc. Cuộc đời Dũng thay đổi từ đó.
Người thầy truyền cảm hứng
Từ một người tưởng chừng như cả cuộc đời không vượt qua nổi cánh cửa gỗ buồn như định mệnh ở ngôi nhà chính mình, Trương Tấn Dũng giờ đây đã là thầy giáo dạy tin học, dạy vẽ cho học sinh khuyết tật.
Nhưng khi nhận Dũng vào làm việc, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng có mong muốn lớn hơn là thầy Dũng sẽ là hình mẫu về một người vượt lên nghịch cảnh, truyền cảm hứng sống cho những người tật nguyền.
Không chỉ tự sống được với công việc mình đã tạo dựng từ ý chí bền bỉ, Dũng cũng lấy được một người vợ làm công nhân, có một cậu con trai và có nhà riêng trên đường Phạm Như Xương (TP Đà Nẵng).
Điều thú vị là thầy Dũng còn hát rất hay, làm MC cho các sự kiện nơi đơn vị mình làm.
"Ở đâu có thầy Dũng, ở đó có niềm vui" - đó là câu nói vui của học trò, đồng nghiệp ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng.
Thầy Dũng cũng nhiều lần được mời làm nhân vật truyền cảm hứng cho các chương trình truyền hình, các talk show tại Đà Nẵng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận