Bằng nét chữ còn sai chính tả đôi chỗ, con tôi viết: “Kính gửi thầy Nguyên kính yêu. Con rất thích thầy. Con thích thầy đến nỗi khi chưa có bán trú trúng vào ngày thứ bảy con trông cho mau tới ngày thứ hai để đi học gặp thầy. Chuyện này có bạn Thái trong lớp biết vì con đã kể cho bạn Thái nghe…”.
Điều gì đã khiến một đứa trẻ rất rụt rè thể hiện cảm xúc như con gái chúng tôi giờ đây có thể nói thẳng với thầy giáo “Con thích học thầy ”, là câu hỏi đã khiến chúng tôi quan tâm rất nhiều.
Tôi nhớ ngày đầu tiên của năm học ở trường về, cháu sảng khoái cho biết thầy giáo mới nói học với thầy không có cần quan tâm đến vở dặn dò làm chi cả, lớp 4 rồi, tự nhớ việc mình làm, tự lấy bài cũ ra ôn mỗi ngày, lớp 4 rất quan trọng, ai học tốt lớp 4 sẽ không sợ lớp 5,lớp 6.
Ngày thứ hai cháu đến lớp tôi hỏi có còn vui như hôm đầu không? Cháu nói vui lắm mẹ. Thầy kể trên báo hôm nay người ta đang bàn chuyện trẻ nhỏ đi trên thủy tinh có nguy hiểm không. Thầy nói thực ra luôn có cách để làm được những việc đó, phải tập luyện sẽ làm được, nếu không tập tành gì mà tự làm người nhện hay siêu nhân nhảy từ tầng 2 xuống đất thì tiêu đời đó nhé. Cả lớp con mắc cười quá nên cười quá trời.
Con tôi là HS đầu tiên trong lớp giơ tay đăng ký thi bơi cấp trường. Sự mạnh dạn hơi “đường đột” đó làm tôi khá ngạc nhiên. Cháu tâm sự lúc đầu con không dám, cả lớp đều không ai dám giơ tay. Thầy nói đi thi có gì quan trọng mà sợ, thi thể thao là chơi thể thao, chơi cho vui chứ đừng sợ đậu rớt. Thầy không xem trọng chuyện đậu rớt. Thầy nói rõ ràng vậy rồi nên con đã giơ tay đầu tiên. Rồi các bạn khác cũng giơ tay.
Rồi lớp 4L đi thi thể thao bị thua tùm lum. Thầy dặn khi thua có thể sẽ bị các đối thủ chọc quê. HS lớp 4L phải có bản lĩnh đối đáp, phải nói là: "Ừa, lớp bạn mạnh môn đó thì lớp bạn thắng thôi còn lớp mình hồi giờ cũng được khen quá nhiều rồi'. Thầy lường trước vậy mà hóa ra tình huống xảy đến thật, một số đối thủ đi ngang qua là “lêu lêu 4L thua” nhưng mọi người đều nhớ lời thầy nên bình tĩnh, không gây gỗ đánh nhau.
Cháu còn kể lớp cháu đã có một tiết mục văn nghệ “vô địch đông”. Nghĩa là bốn mươi mấy HS đều được hát tốp ca. Thầy nói thầy muốn không một ai trong lớp 4L này không được lên sân khấu. Trong khi nhiều lớp thuê cả đạo diễn bên ngoài, thuê đạo cụ mắc tiền thì 4L đều cây nhà lá vườn. Bài hát do thầy chọn, độc đáo là thầy phân tiết mục ra thành nhiều nội dung và giao cho một số học trò tự biên tự diễn phần việc của mình, bạn phụ trách phần võ, bạn giám sát phần hát, bạn tập múa, và tiết mục đã đoạt giải nhì toàn trường. Thầy nói dù các con được giải nhì nhưng đối với thầy đây là giải nhất, giải đặc biệt vì chúng ta đã cố gắng hết mình.
Bạn trong lớp của con tôi có một cháu ngồi buồn buồn hay cắn hết móng tay, mẹ bé phải nhờ đến thầy giúp đỡ. Giờ ra chơi thầy kêu bé lên bàn và mở điện thoại cho con xem một tài liệu trên mạng nói về những nguy cơ bệnh tật từ thói quen cắn móng tay, sau khi con xem xong thầy hỏi con thấy thế nào, sao tự nhiên lại làm cái việc gây hại cho mình làm gì, rồi thầy nói thầy chỉ “tặng” cho một từ thôi là từ BỎ. Mẹ cháu cho biết con rất thích thú với từ thầy dặn và hoàn toàn khắc phục được thói quen này.
Thầy còn biết cách khen cách các cháu viết câu văn, tạo ra không khí giải toán vui nhộn nhưng lại tập thái độ bình thản với mọi cuộc thi, trong giờ học các con hình như tiếp nhận được nhiều loại kiến thức từ thầy, từ chuyện thầy đọc trên báo, chuyện ngoài đường và cả chuyện trong sách nghệ thuật tâm hồn. Thầy cho trẻ tham gia vào từng suy nghĩ của mình nên con rất thích thú.
6 tháng trôi qua có thể nói chưa phải là nhiều, nhưng những thay đổi của con khiến tôi cảm nhận rõ ràng trạng thái “mỗi ngày đi học là một ngày vui” của cháu. Cháu tiến bộ cả văn lẫn toán, và quan trọng hơn điểm số là cháu luôn cười nói hoạt bát, chạy ra chạy vào lớp với bước đi tự tin. Giờ đây cháu còn biết nói yêu thương người khác, vốn là điều cháu chưa từng dám…
Nó đã khiến trong chúng tôi thực sự có niềm xúc động vì đã hơn một lần chúng tôi định rút cháu ra môi trường trường tư vì những thành kiến nhất định với môi trường công lập, nơi mà mỗi người thầy phải “cõng” số HS quá tải với hàng núi công việc trong giáo án khô khan, khó mà sáng tạo hay vui cùng học trò, đừng mong đến việc bồi dưỡng nâng cao tâm hồn hay nâng đỡ kịp thời các cháu nhút nhát. Nhưng có lẽ tôi đã nghĩ sai, vẫn có rất nhiều người thầy công lập vẫn cố gắng vượt lên khó khăn, đào xới những kinh nghiệm để biến mỗi ngày đi dạy của họ thành ngày hạnh phúc của chính mình. Xin cám ơn thầy giáo của con tôi về những ngày vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận