15/08/2013 07:51 GMT+7

Người thân nói đánh đập dã man, chủ tàu nói không

VŨ TOÀN - ĐỨC BÌNH
VŨ TOÀN - ĐỨC BÌNH

TT - Chiều 14-8, chúng tôi tìm về bản Khe Bấn (cũ), nay là bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh, huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An đến nhà vợ anh Hoàng Văn Hậu (26 tuổi, một trong bốn thủy thủ VN nhảy khỏi chiếc tàu Đài Loan).

Pq0OGaTb.jpgPhóng to
Chị Phương và con gái xem ảnh chồng trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Vũ toàn

Căn nhà cấp 4 vắng lặng nằm trên đồi, bên quốc lộ 48 chỉ có mẹ anh Hậu là bà Lê Thị Nghinh đang bồng bé Thanh Trúc, con gái anh Hậu, vừa tròn 18 tháng tuổi.

Thoát chết là phúc to lắm rồi

Bà Nghinh cho hay anh Hậu là con út trong gia đình bốn anh em, đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan từ tháng 12-2012. Vợ anh Hậu là chị Bùi Thị Phương (22 tuổi) đang đi cắt cỏ trên núi. Nghe chúng tôi hỏi chuyện về anh Hậu, bà Nghinh nói: “Thằng Hậu con tui mới gọi điện về ngày 13-8. Cả nhà mừng rơi nước mắt vì biết con tui đang sống chứ không như chi nhánh công ty ở Cửa Hội đưa con tui đi nói thằng Hậu bị Đài Loan bắt”. Tôi đưa tờ báo Tuổi Trẻ (ngày 11-8 đăng tin “Thủy thủ VN nhảy xuống biển do bị đối xử tệ”) cho bà Nghinh xem ảnh hai thuyền viên đang bơi trên biển. Bà Nghinh thốt lên: “Thằng Hậu con tui đây rồi. Hắn bơi phía sau. Hắn bơi giỏi lắm”.

Vừa lúc chị Phương đặt bó cỏ lút đầu ngoài chuồng trâu chạy vào xem hình ảnh chồng trên báo. Giọng chị vẫn còn nỗi lo âu: “May mắn cho chồng tôi đã thoát chết nhưng nhìn cảnh bơi giữa biển khiến phụ nữ như tôi không hình dung nổi”. Chị Phương cho hay từ hôm biết chồng nhảy xuống biển, mấy đêm liền cả nhà lo không ngủ được. Chị Phương kể tiếp: “Lúc 7g ngày 13-8, tôi nhận được cuộc gọi của chồng. Anh cho biết vừa thoát chết và đã về đến Sài Gòn, hiện đang bắt xe về quê. Tôi hỏi thoát chết là sao? Chồng bảo họ đánh đập anh hết sức dã man. Suốt từ khi ra biển đến giờ chưa một lần được vô bờ. Một tuần làm việc cả bảy ngày, mỗi ngày làm 18 giờ. Bị đối xử như nô lệ nên bọn anh rủ nhau nhảy xuống biển để trốn, may mà có tàu nước khác cứu. Lúc 10g ngày hôm đó chồng tôi gọi lần nữa, hỏi công ty đã gửi về được mấy tháng lương, mỗi tháng được bao nhiêu tiền? Tôi trả lời công ty đang giữ ba tháng và mới trả được ba tháng, mỗi tháng được 6,3 triệu đồng”. Chồng tôi nói “sao rẻ thế” rồi hẹn về nói chuyện nhiều. Thoát chết là phúc to lắm rồi. Đó là hai cuộc gọi của chồng tôi tính từ tháng 12-2012 anh ấy đi đến nay”.

Ngoài thủy thủ Hoàng Văn Hậu đang trên đường về, thủy thủ Trần Văn Dũng (22 tuổi, trú tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) chưa có thông tin về nhà. Riêng thủy thủ Lê Đình Anh, cũng trú tại huyện Quỳnh Lưu, đang tạm trú ở xã Vạn Hùng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Chủ tàu đã phản hồi cho công ty xuất khẩu lao động

Chiều 14-8, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết ngay sau khi biết được thông tin, cục đã yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương kiểm tra, báo cáo vụ việc. Hiện cơ quan này vẫn đang chờ báo cáo từ phía doanh nghiệp.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Phong, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và dịch vụ (TTLC, thuộc Vinamotor), cho biết đơn vị này đã gửi công văn yêu cầu phía chủ tàu Hiệp Đại (Hsieh Ta) của Đài Loan cũng như các thuyền viên VN còn lại trên tàu báo cáo về vụ việc, cũng như xác nhận thông tin liên quan đến việc thuyền viên VN bị đối xử ngược đãi trên tàu.

Theo ông Phong, ngay trước khi các thuyền viên lên máy bay về nước, phía TTLC đã nhận được phản hồi ban đầu từ phía chủ tàu cũng như thông tin về chuyến bay, giờ bay của các thuyền viên về VN. Ông Phong có đưa lá thư phản hồi của chủ tàu Hiệp Đại cho phóng viên xem, trong đó có ghi (bằng tiếng Trung và tiếng Việt, có dấu đỏ): “Ngày 8-8-2013, tàu Hiệp Đại thuộc sự quản lý của công ty chúng tôi đang lai dắt một tàu bạn về cảng Tahiti. Khi tàu dừng ở khu vực thả neo, thuyền trưởng phát hiện có bốn thuyền viên nhảy xuống biển và đã lập tức gọi tàu cứu vớt, đồng thời phía cảng vụ Tahiti sắp xếp cho các thuyền viên về nước. Danh sách các thuyền viên: Trần Văn Dũng, Lê Đình Anh, Hoàng Văn Hậu, Nguyên Văn Hùng. Khi đó trên tàu vẫn còn bảy thuyền viên VN khác. Thuyền trưởng đã hỏi có ai muốn về không thì các thuyền viên (VN) đều đồng ý ở lại, tuyệt đối không có việc bị đánh đập như các thuyền viên (đã nhảy xuống biển) miêu tả. Mối quan hệ giữa thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu đều rất tốt, nếu không bảy thuyền viên VN còn lại đã không muốn ở lại tàu. Việc các thuyền viên VN bỏ trốn khi tàu vào bờ hoặc cập cảng để tìm việc cũng thường hay xảy ra, việc này gây rất nhiều phiền phức cho các công ty tàu như chúng tôi”.

Đã nhận đủ lương đến tháng 7-2013 (?)

“Thuyền viên đã có ý định bỏ trốn”

“Làm việc trên tàu cá đánh bắt xa bờ là đặc thù, tất cả thuyền viên đều được giáo dục định hướng trước khi đi và họ hiểu điều này. Tuy nhiên qua các kênh thông tin chúng tôi nắm được thì chính bốn thuyền viên này đã ấp ủ ý định bỏ trốn khi tàu cập bờ để vào bờ kiếm công việc. Chúng tôi sẽ chờ báo cáo chính thức từ chủ tàu, cũng như tường trình của các thuyền viên còn lại trên tàu gửi về để có biện pháp giải quyết, thanh lý hợp đồng” - ông Nguyễn Hữu Phong, phó tổng giám đốc TTLC, nói.

Hỏi chuyện tiền lương, chị Phương cho biết: “Theo hợp đồng, phía công ty sẽ trả cho chồng tôi 9 triệu đồng/tháng. Với ba tháng lương đã nhận, vợ chồng tôi chưa đủ trả nợ 30 triệu đồng vay ngân hàng và anh em, bà con. Chồng tôi còn cho biết chưa nhận thêm khoản tiền nào ở Đài Loan như phía công ty nói. Khi về đến Sài Gòn, chồng tôi chỉ có một bộ quần áo trên người nên phải mượn điện thoại hành khách tại bến xe miền Đông mới gọi về cho tôi được”.

Theo ông Phong, TTLC ký hợp đồng, làm thủ tục xuất cảnh cho các thuyền viên cuối tháng 12-2012, sau đó các thuyền viên được chủ tàu đưa lên tàu Hiệp Đại. Ông Phong cũng cho phóng viên xem các hóa đơn chuyển tiền lương hằng tháng từ TTLC về cho thân nhân thuyền viên đến hết tháng 7-2013, thậm chí gia đình thuyền viên Hoàng Văn Hậu còn nhận được cả tiền lương tháng 8-2013.

“Tiền lương theo hợp đồng của TTLC với các thuyền viên là 400 USD/người/tháng. Chủ tàu sẽ trừ 50 USD/người/tháng tiền ăn mỗi người. Còn lại 350 USD gửi về công ty để TTLC gửi chuyển về gia đình. Chúng tôi thường ứng trước tiền để trả lương đúng kỳ cho người thân của họ ở quê nhà” - ông Phong nói. Theo bảng lương (có ký nhận hằng tháng của đại diện gia đình thuyền viên), từ đầu quý 2-2013 (tháng 4, 5, 6, 7 và 8) mỗi thân nhân của thuyền viên Hoàng Văn Hậu, Lê Đình Anh đều đã nhận khoản lương (quy ra tiền Việt) trên dưới 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phong cho biết trước khi xuất cảnh, mỗi thuyền viên chỉ đặt cọc tại công ty 250 USD/người. Công ty sẽ đợi báo cáo chính thức từ chủ tàu và các cơ quan liên quan nơi thuyền viên nhảy xuống biển và được cứu vớt để làm căn cứ thanh lý hợp đồng. Nếu phía chủ tàu sai (tức có phân biệt đối xử, để thuyền viên làm việc trong “tình trạng tồi tệ” trên tàu...) thì phía chủ tàu sẽ phải chịu mọi chi phí, vé máy bay về, trả hết tiền lương thưởng của thuyền viên. Ngược lại, nếu do thuyền viên tự ý bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng thì ngoài mất tiền đặt cọc và khoản lương chưa nhận còn phải tự chi trả tiền vé máy bay về nước.

Tuy nhiên từ trước đến nay, khi về nước thường “thuyền viên bỏ trốn một mạch không trở lại thanh lý hợp đồng. Mà phần lớn là do thuyền viên tự phá vỡ hợp đồng nên khi đó mọi chi phí ăn ở, thuốc men, tiền vé máy bay về nước là doanh nghiệp phải tự chịu để hoàn trả phía chủ tàu” - ông Phong nói.

VŨ TOÀN - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp