20/09/2020 11:49 GMT+7

Người Thái phá vỡ cấm kỵ 90 năm, công khai thách thức hoàng gia

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Hàng ngàn người Thái Lan đã đổ xuống đường ngày 20-9, công khai kêu gọi hạn chế quyền lực của quốc vương, nhấn mạnh đất nước thuộc về nhân dân chứ không phải vua Rama X.

Người Thái phá vỡ cấm kỵ 90 năm, công khai thách thức hoàng gia - Ảnh 1.

Vua Maha Vajiralongkorn kế thừa vương vị sau khi vua cha Bhumibol Adulyadej qua đời tháng 10-2016 - Ảnh: REUTERS

Bất kỳ người Thái nào cũng biết xúc phạm hoàng gia, đặc biệt là quốc vương, là một trọng tội phải trả giá bằng những hình phạt nghiêm khắc. "Nhưng những người biểu tình đã ngày càng liều lĩnh hơn sau 2 tháng liên tục xuống đường", hãng tin Reuters bình luận.

Hàng ngàn người đã xuống đường phố Bangkok tuần hành ngày 20-9, mang theo các yêu sách đòi cải tổ hiến pháp, bầu cử sớm và quan trọng hơn: hạn chế quyền lực của vua Maha Vajiralongkorn (hay còn gọi là Rama X).

Ngay trước khi mặt trời ló dạng, một tấm bia đã được gắn chặt tại Sanam Luang - nơi vẫn thường được gọi là Cánh đồng hoàng gia.

Trên tấm bia đề ngày 20-9-2020, những dòng chữ hiện rõ dưới ánh nắng bình minh: "Tại nơi này, nhân dân đã thể hiện rõ ý muốn của mình: đất nước này thuộc về nhân dân và không phải là tài sản của quốc vương như họ đã lừa dối chúng ta".

Người Thái phá vỡ cấm kỵ 90 năm, công khai thách thức hoàng gia - Ảnh 2.

Tấm bia được người biểu tình gắn chặt bằng xi-măng gần hoàng cung. Một tấm bia có nội dung tương tự được gắn gần một trong các cung điện hoàng gia, vốn để kỷ niệm cuộc cách mạng năm 1932, đã bị gỡ bỏ vào năm 2017 - Ảnh: REUTERS

“Đất nước không thuộc về một ai mà là của tất cả chúng ta,” một trong những người đứng đầu cuộc biểu tình, Parit “Penguin” Chiwarak, tuyên bố trước khi tấm bia được đặt xuống. “Đả đảo phong kiến, nhân dân muôn năm”.

Đoàn biểu tình, hay "những người trình ý nguyện thư" theo cách họ tự gọi, bị chặn bởi hàng trăm cảnh sát không vũ trang. Đám đông tuyên bố "chiến thắng" và giải tán sau khi cảnh sát bảo vệ hoàng cung chấp nhận chuyển các yêu sách tới Bộ tư lệnh cảnh sát.

“Chiến thắng lớn nhất của chúng ta trong hai ngày qua là chứng tỏ rằng những người bình thường như chúng ta có thể gửi một lá thư cho hoàng gia,” Parit “Penguin” Chiwarak tuyên bố trước đám đông.

Chính phủ Thái Lan đang thể hiện sự kiềm chế trước những cuộc biểu tình, kể cả khi họ nhắc đến vua Rama X, người hiện không có mặt ở Thái Lan và dành phần lớn thời gian ở nước ngoài.

Cảnh sát đã không can thiệp hay có bất kỳ hành động bạo lực nào với người biểu tình. Người phát ngôn chính phủ Thái Lan, ông Anucha Burapachaisri, cho biết việc xác định và truy tố bất kỳ phát ngôn bất hợp pháp nào là tùy thuộc vào cảnh sát.

Thái Lan chưa từng chứng kiến một sự thách thức hoàng gia công khai nào lớn như lần này kể từ năm 1932. Một cuộc cách mạng đã diễn ra vào năm đó, đưa chế độ quân chủ chuyên chế thành chế độ quân chủ lập hiến như hiện tại.

Người Thái phá vỡ cấm kỵ 90 năm, công khai thách thức hoàng gia - Ảnh 3.

Cảnh sát không vũ trang xếp thành đội hình bảo vệ hoàng cung - Ảnh: REUTERS

Người Thái phá vỡ cấm kỵ 90 năm, công khai thách thức hoàng gia - Ảnh 4.

Người biểu tình giơ 3 ngón tay thể hiện 3 yêu sách cơ bản của họ: chính phủ hiện tại từ chức, hiến pháp được viết lại và hạn chế quyền lực của hoàng gia - Ảnh: REUTERS

Người Thái phá vỡ cấm kỵ 90 năm, công khai thách thức hoàng gia - Ảnh 5.

Một lãnh đạo biểu tình đưa lá thư có các yêu sách cho cảnh sát - Ảnh: REUTERS

Thái Lan trước áp lực cải tổ Thái Lan trước áp lực cải tổ

TTO - Cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất kể từ đảo chính năm 2014 đã nổ ra ở Thái Lan hôm 16-8, ngay trong lúc nước này vẫn đang vật lộn để hồi phục kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp