Các nhân viên y tế xử lý thi thể các bệnh nhân tử vong vì Ebola tại Guinea - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters ngày 4-9 cho biết nhóm nghiên cứu đã theo dõi hơn 1.100 người sống sót sau đại dịch Ebola lớn nhất thế giới và hoành hành khắp Tây Phi trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2016.
Nhóm phát hiện ra rằng tỉ lệ tử vong sau một năm rời bệnh viện của các bệnh nhân Ebola cao gấp 5 lần so với dự tính tại Guinea. Ngoài ra tỉ lệ chết cao hơn cũng rơi vào số những người bệnh phải nằm điều trị lâu hơn tại bệnh viện vì biến chứng nặng của Ebola.
Đại dịch đang diễn ra ở Cộng hòa Congo đã trở thành trận dịch ebola có quy mô lớn thứ hai trong lịch sử kể từ bùng phát vào tháng 8-2018. Cho đến nay, gần 3.000 người tại Congo đã bị lây nhiễm virút Ebola và 2/3 số này thiệt mạng.
Nhóm các nhà khoa học, do chuyên gia phản ứng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới Ibrahima Socé Fall dẫn đầu, đã nghiên cứu 1.130 người sống sót sau trận dịch tại Guinea trong giai đoạn 2013-2016.
Nghiên cứu, công bố ngày 4-9 trên tạp chí Lancet Infectious Diseases, cho thấy trung bình 22 tháng trong giai đoạn trên có 59 ca tử vong, 37 trong số này là do các triệu chứng tổn thương thận.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ chưa rõ nguyên nhân cụ thể cũng như ngày chết chính xác của các nạn nhân do thiếu thông tin tại Guinea. Tuy nhiên các nghiên cứu khác trên bệnh nhân Ebola cho thấy rằng virút có trong nước tiểu. Điều này có thể dẫn đến kết luận rằng virút Ebola có thể gây hư thận.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện của họ cho thấy cần phải có thêm nhiều nghiên cứu về tác động lâu dài của việc nhiễm virút Ebola, đặc biệt khi số người sống sót sau khi nhiễm Ebola đã tăng cao sau 2 trận dịch lớn trong 5 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận