09/02/2014 07:15 GMT+7

Người sở hữu 30.000 tấm ảnh về VN

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TT - Từ bỏ việc kinh doanh in ấn ở Pháp, chọn Hội An (Quảng Nam) làm nơi để sinh sống và thỏa mãn niềm đam mê nhiếp ảnh của mình, Rehahn C, 35 tuổi, hãnh diện cho biết đã rong ruổi nhiều nơi và chụp gần 30.000 bức ảnh về đất nước và con người VN.

auenf6oa.jpgPhóng to
Rehahn và một nhóm rất đông các em bé người dân tộc Gia Rai ở Kon Tum - Ảnh: nhân vật cung cấp

Hiện đang sở hữu một nhà hàng chuyên về kem và một gallery ở Hội An, Rehahn vẫn dành thời gian cho việc đi đây đó và khám phá VN mà anh bảo: “Càng ở lâu, tôi càng thấy mình chả biết gì về VN cả”.

Cái duyên từ công tác thiện nguyện

"Đã có người hỏi tôi vì sao thích chụp người nghèo, mảng tối của xã hội. Tôi trả lời họ rằng với tôi người nghèo không phải là mảng tối, họ có thể không giàu có về vật chất nhưng không có nghĩa là họ thiếu vẻ đẹp về mặt tinh thần. Những nhân vật trong bức ảnh của tôi dù chỉ là gặp gỡ tình cờ trong các chuyến đi đều cho tôi niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc, nơi mà vật chất và tiền bạc không phải là điều quan trọng và ý nghĩa nhất. Đây cũng chính là điều làm tôi thật sự yêu đất nước này"

REHAHN

Năm 2007, chàng trai người Pháp Rehahn C lần đầu tiên đặt chân đến VN làm từ thiện qua một tổ chức phi chính phủ. Trước đó từ Pháp, mỗi tháng anh gửi tiền trợ cấp cho hai bé gái 7 và 13 tuổi là chị em gái mồ côi cha ở Hội An và chuyến đi là để gặp hai cô bé ấy. Chuyến đi này về sau đã trở thành một bước ngoặt lớn trong đời Rehahn, làm nên mối duyên giữa anh và đất nước mà anh gọi là “niềm cảm hứng vô tận” cho các bức ảnh của mình.

Chín tháng sau cuộc gặp gỡ ấy, Rehahn quay lại VN lần thứ hai cùng với vợ. Ý định chuyển sang sinh sống ở VN cứ nhen nhóm dần sau mỗi chuyến thăm VN của anh, để rồi cách đây hơn hai năm Rehahn quyết định chuyển hẳn đến Hội An sinh sống.

Rehahn cho biết thoạt đầu gia đình anh ở Pháp không tin vào quyết định của anh. “Gia đình bảo tôi chỉ nên đến VN du lịch, và việc quyết định sống ở đây có thể không phải là sáng suốt. Thế nhưng bây giờ gia đình tôi đã chuyển sang sống cùng với tôi ở đây” - Rehahn nói.

Chọn việc kinh doanh nhà hàng để tạo nguồn thu nhập cho mình, Rehahn cho biết việc kinh doanh ẩm thực còn giúp anh có cơ hội gặp gỡ nhiều người, từ đó có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa và con người địa phương. “Tôi thấy hạnh phúc với cuộc sống ở đây. Tôi có cảm giác mình không phải làm việc ở VN, vì những gì tôi đang làm là đam mê và sở thích. Tôi không xem chúng là công việc.”

rFS08PsG.jpg

Thích chụp người Việt nhất

Trong cuốn sách ảnh tựa đề Vietnam - mosaic of contrasts vừa xuất bản cách đây không lâu của mình, Rehahn chọn giới thiệu 150 bức ảnh đẹp nhất trong gia tài gần 30.000 tấm ảnh về VN mà anh cho biết đã thực hiện suốt sáu năm qua. Quyển sách dày 140 trang là bộ sưu tập đa sắc thái về chân dung của người VN trên nhiều miền đất nước.

Dễ dàng nhận thấy ở các bức ảnh của Rehahn là sự ưu ái của anh dành cho việc khắc họa chân dung người già và trẻ em.

“Trẻ em rất tự nhiên và vô tư, còn người già thì rất đẹp. Tôi đặc biệt rất thích những người cao tuổi có bộ râu dài và những đường nét ghi đậm dấu ấn thời gian trên gương mặt hay bàn tay họ. Họ là minh chứng cho câu nói: cái đẹp không hề có tuổi - Rehahn chia sẻ - Điều làm tôi thích nhất ở những người tôi từng chụp ảnh là họ rất hay cười và hạnh phúc, dù có những người điều kiện sống vô cùng khó khăn, đặc biệt là ở những vùng cao”.

Dù đã đi và chụp ảnh ở nhiều nước, Rehahn nói anh vẫn thích chụp ảnh chân dung người Việt nhất. Anh cho biết đôi khi phải bỏ hàng giờ, thậm chí cả ngày trời để tiếp xúc, làm quen, trò chuyện và kết thân với các nhân vật trong bức ảnh của mình, để có thể bắt được những cảm xúc thật nhất.

“Đã có người hỏi tôi vì sao thích chụp người nghèo, mảng tối của xã hội. Tôi trả lời họ rằng với tôi người nghèo không phải là mảng tối, họ có thể không giàu có về vật chất nhưng không có nghĩa là họ thiếu vẻ đẹp về mặt tinh thần. Những nhân vật trong bức ảnh của tôi dù chỉ là gặp gỡ tình cờ trong các chuyến đi đều cho tôi niềm tin về một cuộc sống hạnh phúc, nơi mà vật chất và tiền bạc không phải là điều quan trọng và ý nghĩa nhất. Đây cũng chính là điều làm tôi thật sự yêu đất nước này” - Rehahn bộc bạch.

Đối với Rehahn, một bức ảnh chân dung đẹp phải xuất phát từ tình cảm chân thành của người chụp đối với người được chụp. Có thật sự yêu mến và hiểu người được chụp thì người chụp mới nắm bắt được cái thần thái họ muốn. Một bức ảnh chân dung thành công là bức ảnh thể hiện được cả người chụp, người được chụp và cả mối liên hệ giữa hai người ấy.

Hơn 100 bức ảnh trong quyển sách là kết quả những ngày rong ruổi của Rehahn trên các miền từ Bắc vào Nam, từ Phú Quốc đến Đồng Văn bằng tiền túi của mình. Anh cho biết đã có vài người đề nghị tài trợ cho dự án ảnh của mình, nhưng anh từ chối vì muốn được thỏa sức chụp ảnh theo ý thích mà không phải chịu ảnh hưởng từ người khác.

VN - những mảng ghép đa sắc màu

Giải thích về tên quyển sách mà anh trìu mến gọi là “chuyện tình” giữa anh và VN, Rehahn cho biết anh thích từ “mosaic” có nghĩa là tranh ghép. Đối với Rehahn, VN là một bức tranh ghép mà anh muốn dành cả đời mình để khám phá.

“Ở VN, đi đến nhiều nơi bằng xe máy, tôi càng nhận ra mình hiểu rất ít về VN. VN không chỉ có Hạ Long, Huế, Hội An mà còn có Kon Tum, Hà Giang, Ba Bể, Mèo Vạc... Tôi rất thích tìm hiểu về các dân tộc ở VN. Tôi từng gặp người Thái, Nùng, Mông, M’Nông, Gia Rai, Ê Đê, Cơ Tu... và rất muốn được gặp gỡ hết tất cả các dân tộc ở VN - Rehahn nói - Cuốn sách là tất cả mảnh ghép tạo nên VN trong mắt tôi. Tôi muốn quảng bá quyển sách này đến bạn bè quốc tế, để họ cũng giống như tôi sẽ ngạc nhiên và tha thiết được khám phá một VN rất đa dạng và phong phú sắc màu.

Sau Vietnam - mosaic of contrasts, Rehahn đang ấp ủ nhiều dự án về những quyển sách ảnh khác về Hội An, về trẻ em VN, về phụ nữ VN... Năm ngoái, Rehahn từng có một cuộc triển lãm ảnh về phụ nữ Việt tại Hà Nội và từng xuất bản e-book Photographic journey tổng hợp các hình ảnh về chuyến khám phá các tỉnh phía Bắc của mình.

Rehahn tâm sự nỗi niềm thiết tha lớn nhất của anh vẫn là tiếp tục khám phá các vùng sâu vùng xa của đất nước VN, tiếp xúc với các dân tộc người thiểu số. Anh nói rằng mình không hợp với các thành phố lớn, và thích chụp cảnh đồng lúa hơn là các tòa nhà cao tầng hay những người thành thị với nhịp sống hối hả cùng những chiếc iPhone đời mới và xe hơi đắt tiền.

OqAFNa3F.jpgPhóng to
Một trang trong sách ảnh Vietnam - mosaic of contrasts của Rehahn xuất bản cách đây không lâu. Sách gồm 150 bức ảnh về người VN - Ảnh: Rehahn

Quyển sách ảnh Vietnam - mosaic of contrasts có bốn phần: Người già, Trẻ em, Lối sống và Phong cảnh, được xuất bản bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp và hiện được đặt mua ở nhiều nước như Nhật, Brazil, Hungary, Thụy Điển, Mexico, Úc và Pháp.

Rehahn cho biết tổ chức phi chính phủ từng đưa anh đến VN sáu năm trước đã đặt mua 50 quyển để bán ở Pháp và lợi nhuận thu được sẽ được dùng để mở các lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo ở Hội An.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp