Elon Musk - người sáng lập, chủ tịch và CEO của Tesla Motors, SpaceX, PayPal và SolarCity - Ảnh: Getty Images
Musk làm việc khoảng 100 tiếng mỗi tuần ở Tesla và vẫn có thời gian để nhúng tay vào những việc dù là nhỏ nhất trong công ty. Ông tự gọi mình là "nano-manager" - người quản lý vô cùng chi tiết, chứ không chỉ là "micromanager" - nhà quản lý vi mô - vốn đã quá quen thuộc.
Có thể kiểm chứng điều này qua một email mà tỉ phú này gửi cho nhân viên vài năm về trước, vừa được tạp chí Inc đăng lại:
"Có 2 trường phái suy nghĩ về cách truyền tải thông tin trong công ty. Cách thường thấy nhất là theo trình tự, tức là ai muốn nói gì thì đều phải thông qua sếp của mình. Vấn đề của cách làm này là làm cho các vị sếp có nhiều quyền lực hơn, nhưng không phục vụ cho lợi ích chung của công ty", Musk nhấn mạnh.
"Thay vì một người ở bộ phận này có thể nói chuyện với một người ở bộ phận khác để xử lý vấn đề đúng đắn, nhanh gọn, họ thường bị ép phải nói với sếp mình, rồi chờ sếp chuyển lời cho sếp khác ở bộ phận khác, sau đó sếp khác này sẽ nói chuyện với nhân viên của họ.
Thông tin cứ bị xoay vòng một cách ngớ ngẩn. Những người quản lý theo cách này kiểu gì cũng sẽ phải ra đi và đến nơi khác làm, thật chứ không đùa đâu", Elon Musk giải thích.
"Ở Tesla, mọi nhân viên đều có thể gửi email hoặc nói chuyện với bất kỳ người nào họ tin là có thể giải quyết được vấn đề nhanh chóng nhất vì lợi ích của toàn công ty. Bạn có thể nói chuyện với sếp của sếp bạn mà không cần xin phép, nói trực tiếp với phó phòng của một bộ phận khác, nói với bất kỳ ai.
Bạn nên tự bắt mình làm như thế để mang lại kết quả tốt. Vấn đề ở đây là đừng nói chuyện vài câu bâng quơ, hãy đảm bảo sự nhanh gọn và hiệu quả. Chúng ta hẳn không thể đọ sức với các công ty sản xuất xe hơi khác về quy mô, nên chúng ta phải làm việc thông minh và linh hoạt", ông nói.
"Cuối cùng là những người quản lý phải làm việc siêng năng để đảm bảo không gây ra khoảng cách vai vế, hoặc cản trở quá trình trao đổi thông tin. Đáng buồn, đây lại là một xu hướng rất tự nhiên, cần phải bị loại bỏ. Chúng ta đều đang ngồi chung trên một con thuyền. Hãy luôn nhìn từ góc độ bạn đang làm việc vì những điều tốt đẹp cho công ty chứ không phải cho riêng bộ phận của bạn", Musk kết luận.
Bức email này chắc chắn khiến người ta phải suy nghĩ. Justin Bariso, một cây viết của tạp chí Inc cho biết dù bản thân rất hâm mộ ý tưởng của Elon Musk, ông vẫn cho rằng việc này "nói dễ hơn làm".
"Việc buộc quá trình trao đổi thông tin phải đi qua các 'kênh thích hợp' đúng là sẽ giết chết các ý tưởng hay, chôn vùi những phản hồi cần thiết để công ty phát triển", Bariso viết.
"Nhưng giải pháp của Musk quả thật là rất khó áp dụng trong thực tế. Dĩ nhiên, các lãnh đạo sẽ phải đi trước làm gương. Đồng nghĩa với việc họ phải nhìn xa hơn chứ không dừng lại ở thành tựu cá nhân hay tiêu chí về hiệu suất, đồng thời phải lắng nghe càng nhiều càng tốt. Việc này đòi hỏi ở họ sự can đảm, thấu hiểu và trí tuệ cảm xúc", Bariso nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận