Lê Đình Hiếu (bìa trái) cùng các thành viên ở Học viện G.A.P - Ảnh: H.L.Đ.
Lê Đình Hiếu cũng từng được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất, cách đây ba năm.
Khi mệt thì mình tìm cách tự nạp năng lượng cho mình bằng cách chăm tập thể dục, tìm niềm vui với bạn bè.
LÊ ĐÌNH HIẾU
Từ chiếc xe đẩy bán chè của một phụ nữ
18 tuổi, Lê Đình Hiếu nhận được học bổng của một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ. Sau 4 năm, Hiếu tốt nghiệp thủ khoa và nhận được lời mời làm việc tại một tập đoàn tài chính với mức lương hấp dẫn.
Nhưng sau đó Hiếu quyết định quay về Việt Nam làm giáo dục vì cộng đồng - lĩnh vực không liên quan gì đến chuyên ngành toán kinh tế được học.
Điều tác động đến quyết định của Hiếu là... chiếc xe đẩy bán chè của một người phụ nữ ở TP.HCM. "Ngày còn nhỏ, tôi hay ăn chè ở xe đẩy này. 10 năm sau, khi từ Mỹ về thăm quê, người bán chè vẫn đẩy chiếc xe. Con gái của cô ngày đó nhỏ xíu, nay ngồi kế mẹ, 15 tuổi, vác bụng bầu to.
Em không biết tác giả là ai, không biết lo cho cái bụng bầu thế nào. Tôi cảm thấy xót xa, bé gái đã khổ rồi nhưng đứa trẻ trong bụng em còn khổ hơn nữa" - Hiếu trăn trở.
Câu chuyện của bé gái làm Hiếu nhớ lại một tiết dạy học của thầy giáo có nhắc đến việc "cung cấp cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. Ai giỏi thì có cơ hội để vươn lên, cho dù là người vô gia cư, người khuyết tật hay người da đen".
Trở về Mỹ, điều thôi thúc Hiếu là về nước làm giáo dục. Với số vốn tích lũy được trong những ngày làm việc tại Mỹ, ở TP.HCM, Hiếu mở những khóa dạy tư duy thông qua công cụ toán học vui và dạy kỹ năng sống.
Để có cơ sở giảng dạy, Hiếu đi gõ cửa rất nhiều trung tâm Anh văn, đến cái thứ 10 thì chủ trung tâm đồng ý cho mượn phòng dạy vào buổi trưa thứ bảy, chủ nhật mà không phải trả tiền.
"Sẽ không bao giờ có cánh cửa nào mở nếu ta không gõ" - Hiếu tâm sự.
Sáu tháng đầu, Hiếu dạy miễn phí. Sau đó, một số phụ huynh đề nghị được góp tiền thuê phòng ốc, tiền mua sách vở cùng thầy giáo.
Tìm cách vui sống với khó khăn
Học viện G.A.P được ra đời kể từ ngày đó, theo cơ chế cứ ba học viên đóng tiền thì có một học viên được học miễn phí, miễn phí hoàn toàn cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ vùng sâu vùng xa. Từ 11 bạn nhỏ ban đầu, nay Học viện G.A.P phát triển lên đến 8.500 học viên trong vòng 3 năm.
Anh còn sáng lập các dự án dạy tiếng Anh, tin học cho người khiếm thính, là diễn giả truyền cảm hứng cho sinh viên các trường đại học.
Trên chặng đường đó, Lê Đình Hiếu gặp nhiều khó khăn. Khi đem chương trình nước ngoài về dạy tin học miễn phí cho trẻ em, đến một trường nuôi trẻ ở TP.HCM, anh nhận được cái lắc đầu với lý do: "Ở đây đã lo cho các em đủ rồi, không cần các anh lo".
Hiếu không bỏ cuộc. Hiếu nhớ đến mẹ - cô giáo dạy đàn đến năm 30 tuổi bắt đầu bị chứng bệnh suy giảm thính lực vì gen di truyền nhưng vẫn vững vàng vượt qua, không bao giờ khóc, không buồn bã. Mẹ từng khuyên: "Khi gặp khó khăn, mình tìm cách vui sống với nó, tìm cách vượt qua bằng khả năng còn lại".
Hiếu suy nghĩ và tìm nhiều cách khác. "Càng đi, càng gặp nhiều mảnh đời tiếp thêm động lực cho mình" - Hiếu chia sẻ. Rồi càng ngày càng nhiều dự án hơn, ngoài dạy tiếng Anh, tin học miễn phí, anh còn kết nối nguồn lực xây hồ bơi cho các em nhỏ ở Tiền Giang, lập tủ sách miễn phí.
Làm video sách giáo khoa cho người câm điếc
Hiếu kể, may mắn lớn nhất của mình khi về nước làm giáo dục là gặp được nhiều người cố vấn rất giỏi, giàu kinh nghiệm. Từ đó Hiếu tiếp bước, sẵn sàng dành thời gian định hướng cho sinh viên Việt Nam khi Hiếu đến các trường đại học làm diễn giả.
Hiếu còn tạo một group trên Facebook tương tác với sinh viên, hễ có công việc tốt là anh đăng tải lên cho các bạn sinh viên nắm được.
Hiện nay, Hiếu đang hợp tác với một tập đoàn lớn tại Việt Nam hỗ trợ tìm kiếm 300 học sinh phổ thông xuất sắc của cả nước để cung cấp những gói học bổng hấp dẫn, học liên thông ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Hiếu hướng đến video hóa bộ sách giáo khoa giúp đỡ người câm điếc có thể tiếp cận chương trình học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận