Những loại nông sản công nghệ cao với giống mới được nhiều du khách Sài Gòn tới Đà Lạt tìm mua và đặt hàng lâu dài - Ảnh: MAI VINH
Đó là những người đến Đà Lạt "đi chợ" mua rau.
Hỏi chưa đủ, họ còn xin đi xem kho lưu trữ phân bón của người trồng rau. Đến khi gạt bỏ được mọi nghi ngờ về chất lượng, độ sạch của rau thì họ bắt đầu hỏi chuyện mua bán lâu dài.
Ngửi đất mua rau
"Có thể rau ngoài chợ, siêu thị bán đúng chất lượng nhưng mình không thể truy xuất được nguồn gốc rau nên cứ lo lo. Mỗi bịch rau đều có dán tem nhãn đầy đủ và giá cũng cao hơn rau bán không nhãn mác, nhưng thực sự chưa tin lắm vì mình từng là nạn nhân của một điểm bán nông sản qua mạng. Họ cứ mua bừa rau rồi dán nhãn lên giống như của họ sản xuất, với đầy đủ tiêu chuẩn từ VietGAP đến Organic.
Trên trang bán hàng của họ có những hình ảnh sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp lắm nhưng thực sự không phải vậy, nên bây giờ là mắt thấy tai nghe. Đủ các yếu tố ấy thì mình sẽ tin" - chị Hồ Hải Yến (40 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) giải thích lý do chị có mặt ở một nông trại tại phường 7, TP Đà Lạt.
Chỉ trong hai ngày, chị Yến đã đến 6 nông trại ở nội ô Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương để tìm hiểu. Vốn là kỹ sư sinh học lại thêm lần mất niềm tin do một trang bán nông sản qua mạng, chị Yến cẩn thận hơn.
Chị đi một vòng nông trại và các điểm đổ rác gần đó tìm xem có vỏ chai thuốc không nhãn mác, hoặc có nhãn mác nhưng có dấu hiệu nhập tiểu ngạch (toàn tiếng nước ngoài nhưng không có tem nhập khẩu hoặc tem phụ hướng dẫn sử dụng).
Chị nhìn trên lá cây xem có dấu hiệu bón phân vượt mức hấp thụ của cây hay không.
"Lá cây phủ lớp bột trắng, xám tức là chủ vườn tưới phân nhiều quá" - chị Yến lý giải.
Chị Yến còn làm nhiều chủ vườn bất ngờ khi lòn tay xuống bên dưới luống xà lách sắp thu hoạch bốc một nắm đất ngửi. Xong chị bỏ nắm đất còn ẩm vào bao nilông có ghi tên vườn rồi xin phép ra về.
"Cây sắp thu hoạch rồi mà còn mùi phân bón hóa học trong đất thì nhất định nhà vườn đã vi phạm quy trình, mình sẽ không mua. Nếu không có mùi gì lạ, mình mang về gửi mẫu phân tích nồng độ kim loại nặng trong đất. Sau khi có kết quả sẽ đối chiếu quy định hiện hành và quyết định chọn mua rau ở đâu. Giá cao hay thấp hơn ít nhiều không quan trọng khi mình đã đến tận Đà Lạt. Phải cẩn thận, thế hệ người như mình tìm mọi cách ăn sạch để khỏe thôi nhưng còn con cái nữa, chúng nó phải được phát triển tốt", chị Yến nói.
Những công đoạn chị Yến thực hiện trước khi chọn nơi mua rau chẳng khác nào một cơ quan giám sát nông nghiệp.
Ở một nông trại tại Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng (huyện Lạc Dương), chị Đỗ Quỳnh Trang (36 tuổi, phường 5, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lần dò chụp lại các chứng nhận từ vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận sản xuất nông nghiệp quy trình VietGAP, các giấy tờ liên quan đến phân tích mẫu nông sản.
Đôi mắt chị Trang như dán vào các giấy tờ kiểm định chất lượng của rau lá.
"Các loại củ thường ít tồn dư phân bón hóa học, kim loại nặng hơn nhờ lớp đất phủ. Còn rau lá, phun phân thuốc sai quy trình, thu hoạch sai thời điểm thì bao nhiêu độc hại nằm im trên lá hết. Mua lầm là lãnh đủ", chị Trang nói.
Chị Trang lấy ngẫu nhiên vài lá rau ở nhiều vị trí trong vườn mang về TP.HCM gửi phân tích và đối chiếu. Để có kiến thức như vậy, chị Trang đã nhờ bạn bè chuyên lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm hướng dẫn.
"Trước kia mình chỉ nhìn giấy tờ rồi mua, nhưng có một lần mình tò mò mang mẫu rau đi thử và thất vọng vô cùng khi mẫu rau đó có hàm lượng sắt vượt mức cho phép. Sau đó mình thông báo với cửa hàng rau mình không mua nữa" - chị cho biết.
Hai năm gần đây, chị Trang đến tận nhà vườn tại Đà Lạt mua rau và giới thiệu bạn bè, người thân cùng mua. Cứ vài tháng, chị bất ngờ đến vườn lấy mẫu hoặc nhờ bạn tại Đà Lạt lấy mẫu mang đi phân tích.
"Cả nhóm bạn bè, người thân cùng góp tiền phân tích mẫu rau nên không tốn kém bao nhiêu, chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng an tâm. Nhà vườn thấy mình kỹ càng cũng có phần e dè nếu có ý chăm bón cây cẩu thả. Nông dân cũng không sợ bị đền tiền rau đâu, chỉ sợ mất uy tín" - chị Trang nói.
Chuyện chị Yến, chị Trang đi mua rau mà phải sắm vai chuyên gia nông nghiệp bất đắc dĩ không phải là ít.
Đa số người đến từ Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác mà chúng tôi tiếp xúc tại những nông trại ở Đà Lạt đều một vài lần gặp những "sự cố" khiến họ mất niềm tin vào người bán, kể cả nông sản nhập khẩu.
Rau khách mua tại vườn được sơ chế kỹ trước khi đóng gói chuyển đi - Ảnh: M.VINH
"Chợ" rau tại vườn
Những vị khách này đôi khi khiến chủ vườn trở nên khó chịu vì sự kỹ lưỡng, nhưng sau đó chủ vườn và người "đi chợ" đều cười xòa. Sau khi gạt bỏ "tự ái", người trồng rau nhận ra rằng cả họ và người "đi chợ" cùng hướng về một vườn rau ngày càng sạch hơn.
Ông Nguyễn Định, chủ nông trại Định Farm (P.8, TP Đà Lạt), nói: "Cách đây 2 năm, lần đầu tiên gặp mấy chị từ Sài Gòn đến hỏi mua rau hằng tuần tôi cũng bất ngờ. Sau đó, khách tới nông trại mua rau kiểu đó ngày càng nhiều. Riết rồi bây giờ cả vườn rau đủ chủng loại của tôi không bán cho vựa hay thương lái nào cả, chuyên đóng gửi đến tận các gia đình ở Sài Gòn. Lần đầu, tôi cũng như nhiều chủ vườn ngại chuyện cho lấy mẫu phân tích vì sợ có những phân tích không chính xác rồi sinh chuyện không hay, ảnh hưởng tới uy tín nhà vườn. Một thời gian sau mới thấy quen với việc bị khách hàng giám sát chặt và cũng không còn để tâm nữa, cứ đúng mà làm, cây ngay không lo... chết".
Theo ông Định, những người đã cất công lên Đà Lạt tìm nguồn nông sản cho gia đình là những người biết quý rau sạch, nên họ mua tại vườn bằng giá mua tại chợ ở Đà Lạt, bù lại nhà vườn phải làm sạch rau trước khi chuyển đi. Sau khi nhận hàng, khách chỉ rửa lại là có thể dùng được.
"Mua bán từ xa nhưng mọi thứ cũng nhanh lắm, đơn hàng gửi qua điện thoại, email. Xác nhận rau chuyển đi là tiền cũng đã chuyển khoản" - ông Định tỏ ra thú vị với việc vườn rau gần 1ha của mình trở thành "chợ" rau.
Ông Mai Văn Khẩn, chủ nhiệm HTX Tân Tiến (Đà Lạt), nói: "Mấy cô Sài Gòn đã tới vườn mua rau kỹ tính hơn cả mấy chủ vườn. Mình có phân tích mẫu định kỳ rồi, nhưng khách chỉ tham khảo. Mỗi năm, họ tới vườn thăm vài lần kèm việc lấy mẫu. Nhờ họ chặt chẽ nên mình trồng rau cẩn thận hơn trước, nhật ký nông trại không được lơ là một ngày nào, nông trại phát triển hơn, ký thêm được vài hợp đồng lớn chuyên cung cấp nông sản cao cấp với nhiều đòi hỏi khắt khe về độ sạch và chất lượng".
Nhiều khách hàng ký hợp đồng, đặt tiền mua rau trước 3-6 tháng nên ông Khẩn dùng số tiền đặt cọc mở thêm diện tích dành riêng cho những khách hàng này và chỉ trồng đúng những loại rau như đã hợp đồng trước.
Ông Khẩn còn đề nghị những khách hàng mua rau lâu dài lắp thêm camera ngay tại những khoảnh vườn đã dành riêng cho họ để họ tiện theo dõi từ xa.
Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết du lịch canh nông là khởi nguồn của việc khách hàng ở những tỉnh thành cách xa Đà Lạt hàng trăm cây số tìm đến tận vườn mua rau. Tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt nói riêng khuyến khích nông dân mời khách đến tận vườn tham quan, cung cấp đủ những chứng lý về chất lượng cho khách.
Có thể bán rau tại vườn hoặc hướng dẫn khách mua tại các điểm bán rau sạch ở TP.HCM và các tỉnh khác đối với những nông trại đã có thương hiệu riêng.
Nông dân có tự trọng và chịu sự giám sát chặt, liên tục từ người tiêu dùng sẽ trồng rau ngày càng sạch hơn, quy trình tân tiến hơn.
3.000ha nông sản đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh có khoảng 17.000ha nông sản, trong đó có 13.000ha nông nghiệp công nghệ cao, với gần 3.000ha nông sản đạt chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác như GlobalGAP, Organic, còn lại đạt chuẩn rau an toàn.
99% mẫu rau kiểm tra định kỳ và đột xuất tại TP Đà Lạt và các vùng nông sản lân cận năm 2017 đều có các tiêu chí phù hợp quy định hiện hành.
Các mẫu phân tích đều cho kết quả mức dư lượng thấp hơn so với cách nay 2 năm.
Giám đốc một công ty chuyên trồng rau sạch tại Đà Lạt cho biết giá rau tại vườn bằng giá chợ, siêu thị tại TP.HCM hoặc cao hơn khoảng 20%.
Hiện có nhiều khách hàng đề nghị có những khoảnh rau chỉ dành riêng cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận