09/08/2013 12:28 GMT+7

"Người rừng" trở về sau 40 năm sống nơi thâm sơn cùng cốc

VÕ MINH
VÕ MINH

TT - Trận bom kinh hoàng đã giết hại ba người thân trong một gia đình. Trong cơn hoảng loạn, người cha sống sót đã mang đứa con trai trốn biệt vào rừng sâu.

ZohoRYMV.jpgPhóng to
Ông Hồ Văn Lang lúc mới đưa ra khỏi rừng - Ảnh: V.Minh

Hơn 40 năm sống nơi “thâm sơn cùng cốc”, biệt lập hoàn toàn với thế giới con người, người cha Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và đứa con Hồ Văn Lang (nay đã 41 tuổi) từ rừng sâu trở về làng. Câu chuyện đắng lòng của chiến tranh, tình cha con đang tái hiện ở thôn Trà Kem (xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi).

Ngày trở về...

"Hiện sức khỏe của ông Thanh rất yếu. Chính quyền đã cử người túc trực, chăm sóc hai cha con ông Thanh và dự kiến thời gian tới chính quyền sẽ hỗ trợ dựng nhà cho hai cha con ông Thanh"

Ông Hoàng Anh Ngọc (chủ tịch huyện Tây Trà)

Chiều 8-8, hai cha con ông Thanh vẫn còn lạ lẫm với mọi người. Nằm thoi thóp trên chiếc giường ở trạm xá để truyền dịch nhưng hình như cảm giác chiến tranh vẫn chưa dừng lại nơi tâm tưởng người cha gầy khô này.

Ông Thanh được đưa vào Trung tâm y tế huyện chăm sóc nhưng vẫn chưa trò chuyện được nhiều lắm. Còn người con, ông Lang, được tạm thời về sống tại nhà của ông Hồ Văn Tâm là anh con bác ruột ở xã Trà Phong.

Nói chuyện với mọi người, ông Lang với nét mặt ngỡ ngàng, đôi mắt vẫn đăm chiêu hướng về nơi đại ngàn. Toàn cuộc nói chuyện ông chỉ liên tục nhai trầu, hút thuốc.

Theo lời kể từ ông Hồ Văn Tri (con út ông Thanh) thì khi ông Thanh trốn vào rừng sâu cùng anh trai, lúc ấy ông Tri chỉ mới là một đứa trẻ còn đỏ hỏn chưa đầy 3 tháng tuổi.

Sau đó khi biết cha mình còn sống, một vài lần ông Tri cùng người chú ruột có vào rừng để tìm gặp lại cha nhưng không thuyết phục họ quay lại làng được nên “đành để họ sống trong rừng”.

Sau đó cứ mỗi năm một lần, ông Tri lại gùi muối, mắm và những vật dụng cần thiết vào cho cha và anh sinh hoạt nhưng rất ít khi họ dùng đến. “Mỗi lần vào thăm cha và anh, tôi thường phải ngủ dưới suối chứ không dám lên chòi ngủ cùng họ vì sợ lắm” - ông Tri nói.

Sống trong rừng sâu từ lúc nhỏ, giờ đây ông Lang không còn giống người bình thường. Dáng đi khum co, tay chân chậm chạp, ánh mắt đờ đẫn. Xung quanh nơi ở cha con “người rừng” là những vật dụng tự chế như: dao, rìu, cối, rổ tre... Bên trong những ống lồ ô dựng quanh nhà còn có cả lúa, hạt mè... dùng làm hạt giống cho mùa sau.

Tài sản duy nhất trong căn chòi ấy không gì khác là hai bộ áo ấm được làm từ vỏ cây... chỉ để dùng khi mùa đông đến. Ngay khi gặp lại cha, ông Tri đã tìm cách bắt chuyện nhưng cuối cùng chỉ nhận được sự lặng thinh. Thi thoảng ông Thanh lại cất lên giọng nói bằng tiếng Kor nhưng không tròn vành rõ tiếng.

BBK5iVQE.jpgPhóng to
Chòi lá trên cây cha con “người rừng” dựng lên để sinh sống - Ảnh: V.Minh

Nỗi buồn cuộc chiến

Theo lời kể của những người già trong làng, chuyện cha con ông Thanh trở thành “người rừng”, sống biệt lập với mọi người xảy ra cách đây khoảng 40 năm, thời đạn bom còn chưa ngưng trên vùng đất Tây Trà.

Những bậc cao niên từng sống cùng với ông Thanh chỉ nhớ rằng khoảng giữa năm 1972 ông Thanh là du kích địa phương.

Rồi nhà ông Thanh bị bom rơi trúng khiến mẹ già cùng hai người con đầu của ông chết. Quá đau buồn lại hoảng sợ, ông Thanh vội vã ẵm đứa con thứ ba là Lang rời làng hướng thẳng vào rừng sâu, để lại vợ cùng đứa con còn đỏ hỏn là ông Tri.... Từ đó, dân làng Trà Kem không còn gặp lại họ.

Vào rừng, ông Thanh tự dựng một túp lều nhỏ trên thân cây cao làm nơi ở, đề phòng thú dữ. Cha con “người rừng” bắt đầu một cuộc sống mới đầy thách thức giữa núi rừng thâm u không một bóng người. Chừng 10 năm sau đó, một nhóm người làng Trà Kem trong một lần đi rừng đã tình cờ gặp lại cha con ông Thanh.

Ông Đinh Văn Hùng - bí thư Đảng ủy xã Trà Xinh - tiết lộ: “Có một lần lâu lắm, chính quyền địa phương khi biết chuyện đã vào rừng thuyết phục cha con ông Thanh về làng sống vì ở đấy nguy hiểm, thiếu thốn, thú dữ rình mò tấn công, nhưng về làng chưa được bao lâu ông Thanh cùng con trai quyết định quay lại chỗ cũ vì “nhớ rừng xanh”.

Trước khi đi họ không quên mang theo lúa, mè, mía để gieo trồng kiếm cái ăn. Để ngăn thú dữ và người lạ đột nhập vào “cấm địa”, cha con “người rừng” còn làm những cái bẫy chông đặt khắp mọi nơi xung quanh nơi ở. Thi thoảng có người làng đi tìm trầm ghé ngang nơi cha con ông ở cho vài bộ áo quần nhưng họ bảo không thể mặc được vì đã quen ở trần, đóng khố”.

Đến giờ, hai cha con không còn nói được nhiều tiếng dân tộc Kor, chỉ mỗi ông Thanh là hiểu được tiếng Kor nhưng không nói được. Về với làng, nhưng qua mắt họ vẫn thấy rõ khát khao muốn được trở lại nơi mình đã sống trong rừng sâu suốt 40 năm qua.

bnuI1i7n.jpgPhóng to
Ông Hồ Văn Thanh được đưa ra khỏi rừng trên võng - Ảnh: V.Minh
OvH6Lw1I.jpgPhóng to
Ông Lang (trái) khi tiếp xúc với người làng - Ảnh: V.Minh
pCO9WreK.jpgPhóng to
Áo chống lạnh do cha con “người rừng” bện bằng vỏ cây, dây rừng - Ảnh: V.Minh
VÕ MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp